Theo số liệu của theAsianparent Việt Nam, có hơn 20% độc giả thuộc thế hệ Z (sinh từ năm 1996 đến 2012) đang theo dõi và tương tác với nội dung của chúng tôi. Còn theo Tổng cục Thống kê, Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2019, thì nhóm phụ nữ từ 20-24 tuổi với tỷ suất sinh đặc trưng theo tuổi là 120 trẻ sinh sống/1000 phụ nữ, chỉ đứng sau độ tuổi 25-29. Điều đó cho thấy một phần không nhỏ của thế hệ Z (hay còn gọi là Gen Z) đang trở thành cha mẹ và góp phần vào việc nuôi dưỡng các mầm non tương lai. Vậy nếu bạn thuộc thế hệ Z làm cha mẹ, thì bạn cần hiểu gì về bản thân và cải thiện gì để có cách nuôi dạy con lành mạnh?
Đọc bài viết này để biết được:
- Đặc trưng của thế hệ Z
- Thế hệ Z làm cha mẹ như thế nào?
- Cần lưu ý gì khi bạn là một cha mẹ thế hệ Z
Đặc trưng của thế hệ Z là gì?
Thế hệ Z là những người sinh từ năm 1996 đến năm 2012. Trưởng thành trong thời kỳ bùng nổ công nghệ, thế hệ Z có đầy đủ điều kiện để tiếp cận các thông tin và tương tác với mọi người trên toàn thế giới. Theo báo cáo của Nielsen, hiện ở Việt Nam, tính đến năm 2025, thế hệ Z sẽ chiếm khoảng 25% lực lượng lao động.
Một số nhận định về Gen Z tại Việt Nam và trên thế giới bao gồm: thẳng thắng thể hiện cá tính của bản thân, có lập trường rõ ràng về các vấn đề như quyền LGBTQ, sự phân biệt chủng tộc và bất bình đẳng, cùng nhiều vấn đề khác. Là cha mẹ của thế hệ Z, các phụ huynh cũng phải có khả năng dạy con sự đồng cảm, lòng khoan dung và chấp nhận cá tính của người khác.
Có thể bạn chưa biết:
Gen Z sẽ không chấp nhận gò mình trong những khuôn mẫu. Trong mảng giáo dục, các phương pháp giáo dục cũ không còn phù hợp với các bạn thuộc thế hệ này. Họ đòi hỏi sự sáng tạo, thay đổi và đột phá kể cả trong cách thức truyền đạt kiến thức.
Thế hệ Z đã làm cha mẹ nhưng vẫn khó mà chấp nhận việc ổn định trong công việc. Thế hệ Z giỏi ngoại ngữ, có khả năng tích lũy kiến thức tốt. Những cha mẹ trẻ tuổi này có những kế hoạch nghề nghiệp tham vọng, tuy nhiên không muốn gắn kết với các tổ chức lâu dài.
Điều các bạn thuộc thế hệ Z thực sự kiếm tìm trong một công việc là cảm giác mình có giá trị, khả năng phát triển bản thân và đóng góp cho cộng đồng.
Tóm lại, thế hệ Z đã thiết lập nên một chuẩn mới cho thời đại công nghệ và không biên giới về chủng tộc, ngôn ngữ và tiêu dùng. Điều này cũng ảnh hưởng mạnh mẽ lên cách làm cha mẹ của thế hệ này.
Thế hệ Z làm cha mẹ sẽ như thế nào?
Dù đã là cha mẹ hay chưa, thì các chuyên gia đều tin rằng các bậc cha mẹ của thế hệ Z hoàn toàn có lợi thế trong việc nuôi dạy con cái hơn các thế hệ trước nhờ các đặc điểm sau:
Biết tìm kiếm sự giúp đỡ cho các vấn đề tâm lý
Một đặc điểm nổi bật của thế hệ Z là có nhiều khả năng tìm kiếm sự trợ giúp chuyên nghiệp hơn cho các vấn đề sức khỏe tâm thần, theo Khảo sát về “Căng thẳng ở Mỹ” của Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ (APA). Cuộc khảo sát cũng cho thấy rằng có nhiều người trong Gen Z được chẩn đoán mắc chứng rối loạn lo âu (18%) và trầm cảm (23%) vì áp lực của học tập và công việc.
Tuy nhiên tin tốt là thế hệ Z có khả năng giải quyết những vấn đề về sức khỏe tâm thần bằng cách điều trị với một chuyên gia. Tiến sĩ Rebecca Rialon Berry, Phó giáo sư lâm sàng tại khoa tâm thần học trẻ em và vị thành niên tại New York giải thích: “Thế hệ Z có ý thức hơn về các vấn đề sức khỏe tâm thần – và có thể mô tả rõ hơn về chúng so với cha mẹ của họ”. Một lý do lớn nữa là họ đã được hưởng lợi từ việc giảm kỳ thị về sức khỏe tâm thần và trầm cảm trong xã hội ngày nay.
Điều đó có ý nghĩa gì đối với việc nuôi dạy con cái của họ?
Thế hệ Z làm cha mẹ sẽ biết tìm đến sự giúp đỡ cần thiết từ các trung tâm tâm lý. Nhờ đó, các trung tâm điều trị trầm cảm sau sinh, sau sảy thai hay tư vấn tâm lý cho gia đình cũng mọc lên. Nhờ được điều trị đúng lúc và đúng cách từ các trung tâm tâm lý, sức khỏe tinh thần của họ trở lại khỏe mạnh, tránh dẫn đến những hậu quả về tự tử hay bạo lực gia đình, bạo lực giới.
Ngoài ra, các thế hệ trước cũng giúp đỡ Thế hệ Z, như Dự án Sidekick của theAsianparent là ví dụ. Bạn đọc Gen Y và Gen Z tại cộng đồng theAsianparent đều có sự tương tác, hỗ trợ và chia sẻ với nhau trong vấn đề nuôi dạy con cái.
Dành nhiều thời gian online hơn
Thế hệ Z làm cha mẹ và nuôi dạy con thông minh cũng dành nhiều thời gian sử dụng Internet hơn. Theo nghiên cứu từ Viện Quản lý Kinh doanh, hơn 74% người thuộc Thế hệ Z cho biết họ dành thời gian rảnh để online và 25% cho biết họ dành hơn 5 giờ trên thiết bị di động mỗi ngày. Điều này khiến sức khỏe tinh thần của họ có thể được cải thiện do sự kết nối xã hội giúp họ bớt cô đơn và thoát khỏi các triệu chứng trầm cảm, theo nghiên cứu được công bố trên Open Journal of Depression.
Điều này giúp cách nuôi dạy con cái của thế hệ Z trở nên bớt vất vả hơn vì:
- Mạng xã hội đã giúp bình thường hóa các vấn đề sức khỏe tâm thần của Gen Z và giúp họ có hàng trăm cách để giải quyết. Bonnie Compton, một huấn luyện viên nuôi dạy con và tác giả của cuốn sách “Mothering With Courage” cho biết: “Những người nổi tiếng và những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội (KOLs) đã sử dụng Internet để chia sẻ những khó khăn của chính họ. Điều này đã giúp việc tìm kiếm sự giúp đỡ về tinh thần trở nên dễ chấp nhận hơn.” Sẽ không phải bế tắc dẫn đến tử vong, bạo lực gia đình hay bạo lực giới vì không có nơi để giải tỏa hay ảnh hưởng đến con cái.
- Giải quyết tận gốc các vấn đề trong hôn nhân và trong gia đình, nếu không, Gen Z sẽ xem nhẹ các vấn đề này lại. Keshia Brooks, Giám sát giáo dục phòng ngừa và chăm sóc sức khỏe gia đình tại Trung tâm Y tế Anne Arundel ở Maryland cho biết: “Gen Z luôn muốn được tiếp thêm năng lượng qua các cuộc du lịch, những chuyến phiêu lưu và kết bạn mới. Do đó, họ thà giải quyết vấn đề rắc rối để tận hưởng sở thích của mình hơn là để chúng ngăn cản họ.”
- Hơn nữa, là thế hệ được biết đến là tin tưởng vào các đề xuất từ mạng xã hội về thương hiệu và sản phẩm, họ có hành vi mua sắm cho con trẻ hoàn toàn khác biệt. Họ có phản ứng tốt về các đánh giá (review) của những người có ảnh hưởng cùng thế hệ và khiến việc mua sắm cho bản thân, gia đình trở nên không bị ảnh hưởng bởi quảng cáo một chiều.
Cẩn trọng với các sản phẩm hơn
Có thể nói thế hệ Z là một “thế hệ tiêu dùng mới”. Khi cha mẹ họ không có 100% điều kiện việc tiếp cận thông tin ở những thập niên trước, thì họ lại có nền tảng quá tốt trong việc định hình phong cách mua sắm, tiêu dùng của mình.
- Gen Z là thế hệ được sinh ra trong thời đại kỹ thuật số và có khả năng tiếp cận thông tin sản phẩm và dịch vụ nhanh chóng. Do đó, họ cẩn trọng hơn với các thông tin được nghe thấy mỗi ngày về sản phẩm và dịch vụ họ dùng. Vì có khả năng tìm thông tin một cách toàn diện và nhanh chóng hơn, nên thế hệ này ít bị các mánh lới quảng cáo tiếp thị gây chú ý hơn.
- Nghiên cứu mới từ Healthline cho thấy khi Thế hệ Z làm cha mẹ, mẹ có xu hướng ưu tiên các thương hiệu tự chăm sóc và thân thiện với môi trường hơn thế hệ trước. Các bậc cha mẹ thế hệ Z muốn được cung cấp nhiều thông tin và sẽ nghiên cứu thật kĩ để biết sản phẩm được sản xuất ở đâu và như thế nào. Họ đưa ra quyết định mua hàng dựa trên các yếu tố thân thiện với môi trường.
- Dịch vụ của thương hiệu luôn là điều thế hệ Z quan tâm, khi họ luôn muốn được lắng nghe và đòi hỏi sự chân thành, tận tụy dù có thể chất lượng sản phẩm chỉ tầm trung. Nói cách khác, họ đòi hỏi sự trải nghiệm hơn là một món hàng thông thường như thế hệ trước.
Chúng ta cũng đang thấy sự chuyển dịch từ chủ nghĩa tiêu dùng đại chúng sang các quyết định mua hàng có ý thức hơn. Ví dụ, các nhãn hiệu thực phẩm chức năng hay mỹ phẩm đều hướng đến sự “thiên nhiên”, “organic”, “thân thiện với môi trường” để các bậc cha mẹ thế hệ Z được phục vụ sở thích của mình.
Mạng xã hội vừa là nơi chia sẻ thông tin, vừa là nơi tỏa sáng
Như đã nói ở trên, cha mẹ thế hệ Z có sự ngưỡng mộ khá nhiều từ những người ảnh hưởng trên mạng xã hội (KOLs), nhất là khi đó là những người cũng là cha mẹ, cũng trải qua những vấn đề như họ trong cuộc sống hằng ngày. Họ cũng có mong muốn được ngưỡng mộ trở lại bởi những người khác.
Điều này dẫn đến việc bùng nổ việc sử dụng mạng xã hội để chia sẻ thông tin, hình ảnh của các cha mẹ thế hệ Z, từ các nền tảng blog, sang mạng xã hội như Facebook, Instagram, Youtube, Tik Tok v.v. Ban đầu chỉ là để chia sẻ và tâm sự, dần dần, nó lại trở thành một nơi để họ tỏa sáng, được ngưỡng mộ và cuối cùng là kiếm tiền từ nó.
Một hot mom thế hệ Z tiêu biểu là Thanh Trần. Nổi tiếng từ khoảng giữa năm 2018 sau khi “vượt mặt” Sơn Tùng M-TP để trở thành bà mẹ bỉm sữa có lượng người theo dõi (follower) “khủng” nhất Facebook và Youtube, Thanh Trần này chỉ việc chơi với con, tâm sự “chém gió” cùng cư dân mạng và quay clip đăng lên là đã có thể có thu nhập đáng kể. Không chỉ giải tỏa nhu cầu được “lắng nghe”, “ngưỡng mộ” đặc trưng của thế hệ mình, mà Thanh Trần còn có hẳn một “nghề” tay trái để ai cũng phải ngưỡng mộ.
Do đó, các đơn vị truyền thông, thương hiệu cũng tận dụng các cha mẹ thế hệ Z để lan tỏa thông điệp của sản phẩm. Tiêu biểu là chương trình “Thành viên VIP” trên app của theAsianparent cũng mang lại thu nhập từ các nhãn hàng cho những cha mẹ có lượng người theo dõi cao trên mạng xã hội.
Bài viết có sử dụng thông tin từ Parents.com và số liệu từ Baochinhphu
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!