Thai quay đầu vào thời gian nào thường phụ thuộc vào nhiều yếu tố như số lần mang thai của mẹ, vị trí nhau thai, độ dài của dây rốn, …
Hình ảnh thai nhi quay đầu sẽ xuất hiện từ tuần thứ mấy?
Tư thế lý tưởng của trẻ khi sắp sinh chính là chúc đầu về xương chậu, quay gáy về phía bụng mẹ. Tư thế này sẽ giúp thai tạo một áp lực lên tử cung, giúp tử cung mở rộng hơn khi xuất hiện các cơn co thắt, nhờ đó giúp thai đi ra dễ dàng hơn trong quá trình sinh nở cận kề.
Thời gian thai nhi quay đầu còn tùy thuộc vào số lần mẹ mang thai:
- Với những mẹ mang thai lần đầu: thời gian trung bình để em bé quay đầu là tuần thai 34-35
- Nếu mẹ mang thai lần 2, thai nhi có thể chuyển tư thế ở tuần 36
- Cũng có những thai nhi có thể về tư thế thuận (đầu hướng về dưới) sớm ở khoảng tuần thai 28–29
Mặc dù vậy, đến tuần 30 vẫn có khoảng 25% thai nhi vẫn giữ nguyên tư thế mông hướng về tử cung mẹ. Thậm chí, tới tuần thai 36, vẫn có 6% trường hợp thai nhi không quay đầu và khoảng 3% không quay đầu dù đã ở tuần 40.
Khoảng thời gian này không hoàn toàn chính xác với mọi sản phụ, thời gian quay đầu của thai nhi còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tốnhư:
- Khung chậu của người mẹ
- Vị trí nằm của nhau thai
- Cấu trúc tử cung
- Độ dài ngắn của dây rốn
- Sự phát triển về thể chất của thai nhi, …
Em bé quay đầu báo hiệu mẹ sắp sinh?
Hình ảnh thai nhi quay đầu được xem là một trong các dấu hiệu bé đã sẵn sàng cho quá trình chào đời của mình. Tuy nhiên, để biết chính xác thời điểm sinh, mẹ bầu cần dựa vào các dấu hiệu khác.
Ra máu báo
Khi mẹ bầu sắp sinh thường sẽ có dấu hiệu ra nhớt hồng âm đạo, cổ tử cung mở ra, dịch nhầy tại cổ tử cung sẽ được đẩy ra ngoài.
Chính vì vậy, nếu mẹ thấy tình trạng ra nhớt hay ra huyết màu đỏ đỏ, hồng hồng, đỏ sẫm ở âm đạo thì nên đi khám xem cổ tử cung đã mở chưa để được tư vấn thời điểm thích hợp nhập viện.
Bụng tụt thấp
Trong tháng cuối thai kỳ, mẹ sẽ cảm nhận được thai nhi tụt xuống cực kỳ thấp, báo hiệu con muốn chào đời. Thời gian để bé di chuyển từ vị trí thông thường xuống khung chậu của mẹ mất khoảng vài tuần hoặc vài ngày, tốc độ nhanh chậm tùy bé.
Thông thường thì các mẹ bầu sẽ cảm nhận được bụng tụt khoảng 2-3 tuần trước ngày dự sinh, cũng có nhiều mẹ tụt bụng chậm hơn.
Rỉ ối hoặc vỡ ối
Giai đoạn cuối của thai kỳ, nhất là những ngày sắp sinh, bà bầu có thể bị vỡ ối bất cứ lúc nào, và đa số bị vỡ ối trước khi xuất hiện dấu hiệu chuyển dạ. Nhưng cũng có nhiều người bị rò rỉ ối trong thời gian dài trước khi sinh rất lâu, đôi khi gây ra hiện tượng cạn ối.
Dấu hiệu rõ ràng nhất của vỡ ối là những cơn co tử cung xuất hiện với tần suất thường xuyên trước khi vỡ ối, dấu hiệu này thường khá giống với các cơn gò khi chuyển dạ.
Các cơn gò xuất hiện nhiều
Khi em bé sẵn sàng chào đời sẽ xuất hiện những cơn gò tử cung để đẩy em bé ra ngoài. Những cơn gò này có xu hướng tăng dần về cường độ, thời gian mỗi cơn và khoảng cách giữa các cơn gò.
Trường hợp thai không quay đầu thì sao? Mẹ có sinh thường được không?
Thai không quay đầu nghĩa là phần mông hoặc chân của bé xuống phía dưới, vùng xương chậu của mẹ. Còn đầu của bé sẽ ở phía trên gần ngực của mẹ. Tỷ lệ ngôi mông khá thấp (chiếm từ 1 – 3%) trong các ca sinh nở. Tuy nhiên đây là những trường hợp sinh có thể gây ra nhiều nguy hiểm cho cả mẹ và con.
Trong trường hợp mẹ bầu có ngôi thai không thuận như trên thì bác sĩ sẽ chỉ định sinh mổ để đảm bảo an toàn. Nếu vẫn muốn sinh thường trong trường hợp bé có ngôi thai ngược, các y bác sĩ sẽ tư vấn hoặc tác động trực tiếp đến thai nhi để bé có thể nằm đúng vị trí thuận lợi cho mẹ trong quá trình chuyển dạ.
Xem thêm:
- Thai nhi 31 tuần đã quay đầu chưa, có cách nào giúp thai nhi quay đầu không?
- Dấu hiệu thai nhi quay đầu: Mẹ sắp sinh cần nhận biết sớm để chuẩn bị
- Thai nhi quay đầu sớm có tốt không và những điều mẹ bầu cần biết
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!