Thai giáo tháng thứ 1 cho bé từ trong bụng mẹ như thế nào để bé sau này thông minh và phát triển toàn diện? Đây hẳn là điều mà nhiều bà mẹ trẻ thắc mắc, đặc biệt là những chị em lần đầu mang thai và sắp lên chức làm mẹ.
Cơ thể người phụ nữ thay đổi như thế nào trong tháng đầu mang thai?
Tháng đầu tiên mang thai mẹ sẽ bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu khó chịu. Và nếu chưa biết có thai, thì mẹ có thể bắt đầu cảm nhận được những sự thay đổi.
- Nồng độ hormone thay đổi đáng kể khiến tâm trạng thất thường
- Xuất hiện máu báo thai
- Vòng 1 đau và nhạy cảm hơn bình thường
- Cảm giác mệt mỏi thường xuyên dù ngủ đủ giấc
- Ốm nghén bắt đầu xuất hiện
- Khó chịu, buồn nôn khi ngửi một vài mùi của đồ vật hay thức ăn
Sự phát triển của thai nhi ở tháng thứ 1
Sâu trong tử cung, phôi thai đang tăng trưởng mãnh liệt. Tại thời điểm này, bé trông giống như một con nòng nọc nhỏ hơn một con người, gồm có ba lớp: ngoại bì, trung bì và nội bì, để hình thành tất cả các cơ quan và mô cho cơ thể bé sau này.
Miệng, hàm dưới và cổ họng đang phát triển. Các tế bào máu đang hình thành, và sự lưu thông máu sẽ bắt đầu. Vào cuối tháng đầu tiên của thai kỳ, em bé dài khoảng 6-7mm (1/4 inch) – có kích thước bằng một hạt gạo!
Các phương pháp thai giáo tháng thứ 1
Thai giáo hiểu một cách đơn giản chính là phương pháp dạy con từ trong bụng mẹ mang đến những hiệu quả tích cực. Bố mẹ có thể tác động tới thai nhi thông qua 5 giác quan : mắt – mũi – tai – miệng – cảm xúc. Nhờ đó, bé yêu sẽ hình thành nhịp sinh học, nhanh nhẹn và làm quen sớm với cuộc sống bên ngoài bụng mẹ.
1. Thai giáo tháng thứ 1 bằng dinh dưỡng
Trong tháng đầu tiên, mẹ bầu nên bổ sung nhiều thực phẩm giàu folate như cam, khoai tây, bông cải xanh, măng tây, trứng, đậu, rau xanh,…
Trái cây cũng cần được đưa vào chế độ dinh dưỡng vì nhiều vitamin, nước và chất chống oxy hoá và giàu chất xơ. Có thể kể đến các loại trái cây như trái bơ, cam, xoài, táo, kiwi,…
Sữa cũng là một nguồn tuyệt vời của protein, vitamin, canxi, nước, chất béo lành mạnh, axit folic và vitamin D. Đối với các loại thịt, mẹ nên ăn chín kỹ và hợp về sinh. Tránh ăn những loại hải sản chứa nhiều methyl-thủy ngân vì rất nguy hiểm cho sự phát triển của bào thai.
Hạn chế thức ăn chứa nhiều đường và dầu mỡ; thức uống có chất gây nghiện; hay các thực phẩm dễ ngộ độc. Mẹ chỉ nên ăn đủ những loại thực phẩm cần thiết, tránh việc dung nạp quá nhiều dẫn đến những rối loạn chuyển hóa gây hại cho cơ thể.
2. Thai giáo tháng thứ 1 bằng âm nhạc và ngôn ngữ
Thính giác của thai nhi phát triển từ rất sớm, vì vậy ngay từ những tháng đầu tiên của thai kỳ, ba mẹ đã có thể cho con tiếp xúc với âm thanh thông qua việc thủ thỉ với bé và/hoặc nghe nhạc.
Ngoài ra, âm nhạc còn giúp mẹ thư giãn tinh thần, quên đi chứng ốm nghén hay dễ đi vào giấc ngủ. Những bài nhạc thai giáo với giai điệu nhẹ nhàng, du dương có thể giúp trẻ thông minh và phát triển toàn diện hơn.
Tuy nhiên, mẹ nhớ hãy nghe nhạc với âm lượng vừa phải, đừng quá to vì sẽ gây hại cho thính giác của bé nếu nhạc có sóng âm cao từ 4.000 đến 5.000Hz.
3. Thai giáo cảm xúc
Một người mẹ luôn yêu đời, tâm trạng vui vẻ tích cực thì con sinh ra sẽ luôn rạng ngời. Thực tế tâm trạng của mẹ bầu ảnh hưởng rất nhiều đến bé. Cho dù là thai giáo tháng thứ 1 hay thứ 2,3 hay tháng cuối thai kỳ, tinh thần vui khoẻ là chìa khoá dẫn đến hạnh phúc cho mẹ và con.
Nói thì dễ, làm mới khó, đặc biệt trong xã hội hiện đại, dưới đây là vài bí quyết giúp mẹ giảm bớt căng thẳng:
- Trò chuyện với chồng, bạn thân về những thay đổi khi bắt đầu mang thai. Đặc biệt là những biến đổi làm bạn khó chịu và buồn.
- Công việc đang nhiều và căng thẳng thì có thể trao đổi với sếp về việc mang thai. Ba tháng đầu thai kỳ rất quan trọng, đừng để stress làm mẹ mệt mỏi.
- Viết nhật ký để có thể giải toả được suy nghĩ và cảm xúc.
- Tìm niềm vui từ những điều nhỏ nhất trong cuộc sống.
4. Thai giáo bằng cách vận động
Một thai kỳ khoẻ mạnh đòi hỏi người mẹ phải vận động thể chất thường xuyên. Trong tháng đầu tiên, mẹ không nên tập thể dục mạnh. Hãy tìm đến những bài tập an toàn như đi bộ, yoga hay thiền để cơ thể khoẻ mạnh. Tập thể dục cũng giúp tâm trạng mẹ bớt căng thẳng.
Thai giáo tháng thứ 1 rất quan trọng vì đây là bước đệm đầu đời của con, cũng như là mở đầu cho hành trình hạnh phúc của mẹ. Hãy thoải mái nhất có thể, đừng ép mình quá sức một cách cứng nhắc. Mỗi thai phụ, mỗi thai nhi đều là một cá thể khác biệt, vì vậy mỗi người đều có tốc độ và phương pháp phù hợp khác nhau.
Xem thêm:
- Cẩm nang mẹ bầu: Tuần thứ 4 thai kỳ
- Nỗi lòng của người mẹ bị ốm nghén nặng khi mang thai
- Nhật ký thai kỳ theo tuần – Bạn và bé ở tuần 1-3