Mẹ mang thai 38 tuần sinh được chưa? Lúc này có phải là sinh non? Hay đã đủ tháng?

Thai 38 tuần sinh được chưa? Mẹ có thể chọn sinh mổ được không? Cho dù chuyển dạ sinh thường thì bé có được gọi là sinh non? Mẹ có nên chờ thêm?

Khi nào là thời gian an toàn nhất để mẹ bắt đầu có dấu hiệu sinh con?

Một thai kỳ đủ chuẩn sẽ kéo dài 40 tuần. Nhưng tuỳ vào khái niệm của từng bác sĩ thì có thể dao động từ tuần 37 đến tuần 42.

Trường Đại học Sản phụ khoa Hoa Kỳ phân loại sinh nở từ tuần 37 đến 42 như sau:

  • Chuyển dạ sớm: 37 tuần đến 38 tuần, 6 ngày
  • Đúng chuẩn thai kỳ: 39 đến 40 tuần, 6 ngày
  • Chuyển dạ muộn: 41 tuần đến 41 tuần, 6 ngày
  • Quá hạn sinh: 42 tuần và hơn thế nữa

Nguy cơ biến chứng sơ sinh là thấp nhất khi thai nhi chào đời trong khoảng từ tuần 39 đến 41. Việc thúc chuyển dạ trước tuần 39 có thể gây ra rủi ro sức khỏe ngắn và dài hạn cho em bé. Nhưng nếu bé chào đời từ tuần 41 trở đi cũng có thể có các biến chứng.

Mang thai 38 tuần sinh được chưa?

Chuyển dạ khi 38 tuần có phải sinh non?

Khi nghĩ đến sinh non, chúng ta nghĩ đến những đứa trẻ cực kỳ nhỏ bé được sinh ra trước ngày dự sinh vài tuần hoặc vài tháng.

Thực tế, khái niệm sinh non được định nghĩa là khi em bé chào đời quá sớm và chưa đủ ít nhất 37 tuần thai kỳ. Do đó nếu mẹ bầu có thắc mắc “Chuyển dạ khi thai 38 tuần có phải sinh non?” thì câu trả lời là không.

Tuy khi thai 38 tuần đã qua giai đoạn sinh non, nhưng liệu thai 38 tuần sinh được chưa? Có an toàn cho bé?

Mỗi tuần tuổi thai đều có giá trị về sự phát triển của bé! Mặc dù trẻ sinh đủ tháng ở tuần thứ 38 và không phải sinh non, nhưng hệ thống cơ quan của con vẫn chưa trưởng thành hoàn toàn. Do đó, những em bé này vẫn có thể phải đối mặt với các biến chứng khi thích nghi với cuộc sống bên ngoài bụng mẹ.

Muốn lên lịch đẻ mổ thì 38 tuần sinh được chưa?

Các cuộc phẫu thuật mổ bắt thai được lên lịch trước 39 tuần sẽ làm tăng nguy cơ biến chứng. Chỉ trong một số trường hợp bất đắc dĩ cụ thể thì lợi ích của việc lên lịch sinh mổ sớm sẽ giúp tránh bất kỳ rủi ro tiềm ẩn nào. Ví dụ là sinh ba hoặc hơn thế, hay thai kỳ bị nhau bong non hoặc suy thai. Trong những trường hợp này, lợi ích của việc sinh sớm rõ ràng lớn hơn những rủi ro của tình trạng sinh non “muộn”.

Nếu không, mặc dù em bé được coi là đủ tháng sau 37 tuần, nhưng hầu hết các bác sĩ sẽ không đồng ý cho mẹ chủ động sinh mổ cho đến khi được 39 tuần tuổi thai.

Thai nhi sẽ gặp những rủi ro nào nếu sinh ở tuần 38?

Sinh con tuần 38 thai kỳ thì bé vẫn có thể gặp một số vấn đề sức khỏe mà trẻ sinh non gặp phải, bao gồm:

  • Khó khăn khi cho ăn
  • Hạ đường huyết (lượng đường trong máu thấp)
  • Vàng da
  • Khả năng duy trì nhiệt độ kém hoặc các vấn đề về điều tiết nhiệt
  • Suy hô hấp

Nhiều nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng trẻ có thể bị chậm phát triển kéo dài cho đến khi được hai tuổi, đặc biệt là trong lĩnh vực phát triển ngôn ngữ. Nếu những khó chịu của giai đoạn cuối thai kỳ khiến mẹ rất mong được gặp con, thì hãy lưu tâm đến an toàn cho bé. Bằng cách hoãn sinh đến ít nhất 39 tuần, mẹ đang mang lại cho em bé một khởi đầu tốt nhất có thể.

Các triệu chứng chung khi mang thai 38 tuần

Nhìn chung, ngày dự sinh của mẹ chỉ còn trong 2 tuần nữa. Nhưng chúng ta đều không biết trước được chuyện gì. Có thể bạn sẽ sinh đúng ngày dự sinh, hoặc trễ hơn đôi chút, nhưng biết đâu nay mai con lại “đòi ra” gặp mẹ!

Dù gần (hoặc không) sắp chuyển dạ, vẫn sẽ có một số triệu chứng thai phụ phải đối mặt khi mang thai 38 tuần, như:

  • Ợ chua, buồn nôn và khó tiêu
  • Táo bón
  • Ngực bị rò rỉ sữa non
  • Áp lực vùng chậu
  • Đau lưng nhẹ
  • Đi tiểu thường xuyên
  • Các cơn co thắt Braxton-Hicks
  • Phù (sưng), đặc biệt là ở bàn chân và mắt cá chân
  • Tăng tiết dịch âm đạo

Những tuần cuối cùng của thai kỳ khá là quá quan trọng. Đây là khoảng thời gian khá căng thẳng để cơ thể mẹ chuẩn bị cho sự chào đời của bé. Và chính bản thân thai nhi cũng trong giai đoạn “nước rút” để hoàn thành sự phát triển của các cơ quan cần thiết (như não và phổi) và đạt cân nặng khi sinh khỏe mạnh. Hãy luôn chuẩn bị tinh thần, vì mẹ có thể chuyển dạ vào bất cứ ngày nào!

Xem thêm:

Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!

Bài viết của

mInH.tHu