Táo bón là căn bệnh phổ biến trong thời kỳ mang thai và cả sau sinh khi do cơ thể bị thiếu nước, ít vận động. Đặc biệt các mẹ sinh mổ thường có khả năng bị táo bón lâu và nặng hơn so với sinh thường. Táo bón sau sinh mổ gây ra không ít khổ sở cho các mẹ, nhất là những mẹ trẻ lần đầu sinh con.
Để vượt qua giai đoạn khó khăn này, dưới đây là vài gợi ý để các mẹ mới sinh có thể áp dụng để cải thiện tình trạng táo bón.
Vì sao mẹ bị táo bón sau sinh mổ?
Nguyên nhân gây táo bón cơ bản là do thiếu chất xơ và thiếu nước. Mẹ mới sinh cơ thể mất một lượng nước đáng kể thông qua việc cho con bú. Nhưng một số mẹ lại lười ăn rau quả và hạn chế uống nước vì sợ loãng sữa. Từ đó dẫn đến tình trạng thiếu nước nghiêm trọng.
Đối với các mẹ sau khi sinh mổ thì còn thường nhịn đi vệ sinh vì sợ đau. Sợ khi di chuyển, đứng lên ngồi xuống và rặn ảnh hưởng đến vết mổ. Việc nhịn đi ngoài khiến phân tích tụ lại lâu trong ruột dẫn đến khô cứng thành táo bón.
Bên cạnh đó, tác dụng phụ của một số loại thuốc trong quá trình sinh mổ như gây tê, gây mê, giảm đau… hay một số loại thuốc bổ sau sinh cũng làm nóng trong cơ thể. Việc tiêu hoá lần đi vệ sinh trở nên khó khăn.
Bật mí mẹo hay trị táo bón hiệu quả
Cách đánh bay táo bón tốt nhất là thay đổi chế độ dinh dưỡng đầy đủ chất xơ và nước, men tiêu hoá. Bên cạnh đó cũng điều chỉnh sinh hoạt sao cho hợp lý, năng vận động. Cụ thể như sau:
1. Uống nhiều nước và nước ép trái cây
Cơ thể mẹ sau sinh mổ cần ít nhất 2 lít nước mỗi ngày. Các mẹ đặc biệt chú ý không uống nước ngọt, cafe, trà, nước tăng lực,… Chỉ nên uống nước lọc, nước tinh khiết và thỉnh thoảng thêm nước trái cây để bổ sung vitamin. Các loại nước ép trái cây được khuyên dùng là ép lê, táo, cam, kiwi. Đây là những loại quả có nhiều chất xơ và vitamin C, giúp hệ đường ruột và bài tiết hoạt động tốt hơn, tăng nhu động ruột và hỗ trợ điều trị táo bón hiệu quả.
2. Ăn nhiều rau xanh và các loại củ quả
Chế độ ăn cho mẹ thường nhiều đạm để có thêm sữa cho con. Nhưng thực tế, với các mẹ bị táo bón sau sinh mổ, thực đơn cần dựa trên rau củ quả là chủ yếu. Rau xanh có nhiều chất xơ, giàu vitamin, có tính chất nhuận tràng và cung cấp đủ dinh dưỡng cho mẹ và bé. Rau củ quả khi chế biến cho mẹ mới sinh cần được nấu chín, làm mềm, có thể xay nhỏ thành súp loãng để dễ tiêu hoá.
3. Ăn thêm sữa chua
Men vi sinh trong sữa chua kích thích các vi khuẩn có lợi trong đường ruột. Các vi khuẩn có lợi này giúp đường ruột cân bằng, hỗ trợ tiêu hoá, chống đầy hơi. Tuy nhiên, mẹ cho con bú nên chú ý đừng ăn sữa chua quá lạnh hay đông cứng.
4. Tăng cường vận động nhẹ nhàng
Có thể các mẹ sợ vận động làm đau vết mổ và khó lành. Nhưng trên thực tế, việc nằm một chỗ càng khiến trao đổi chất bị đình trệ, cơ thể không được khoẻ mạnh và khó lành vết thương. Khi được sự đồng ý của bác sĩ, mẹ mới sinh nên siêng năng vận động nhẹ nhàng, bước đi quãng ngắn.
5. Thay đổi suy nghĩ tích cực hơn
Việc bị táo bón sau sinh mổ là không ai mong muốn và gây ra rất nhiều khó khăn. Nhưng để có cơ thể khoẻ mạnh, mau lành, các mẹ mới sinh nên suy nghĩ lạc quan. Giữ tinh thần vui vẻ thoải mái là vô cùng quan trọng
Những điểm cần lưu ý
Bên cạnh việc bổ sung dinh dưỡng có lợi vào chế độ ăn, vận động và thói quen suy nghĩ, các mẹ cũng nên chú ý hạn chế và tránh các điều sau đây để nhanh chóng đẩy lùi táo bón sau sinh mổ.
Về chế độ ăn uống, lưu ý tránh các chất kích thích, cafein, có gas, cồn. Các mẹ cũng nên hạn chế đồ cay, nóng, đồ ăn nhiều dầu mỡ, đồ ăn nhanh gây khó tiêu đầy hơi. Thức ăn lỏng, mềm sẽ dễ hấp thụ hơn ngũ cốc cứng, khô.
Khi ăn nên chia nhỏ bữa ăn, ăn nhiều lần. Tránh ăn quá no, ăn nhanh, nhai không kỹ. Đặc biệt nên ăn đúng giờ đề tập cơ thể một thói quen.
Nếu tất cả các biện pháp trên vẫn không làm thuyên giảm chứng táo bón thì mẹ có thể sử dụng các loại thuốc có tác dụng làm mềm phân để dễ đại tiện hơn. Tuy nhiên, nên tham khảo ý kiến bác sĩ để chắc chắn việc sử dụng thuốc an toàn.
Mang thai và sinh con luôn không dễ dàng và có nhiều bất ngờ xảy ra khiến các mẹ phải vất vả. Táo bón sau khi sinh mổ là một trong số đó. Tuy nhiên đừng lo lắng, bạn không phải là người duy nhất gặp phải triệu chứng này. Hãy kiên trì và mọi việc sẽ ổn hơn thôi.
Xem thêm
- Bữa sáng cho bà đẻ: Ăn gì để tốt cho cả mẹ lẫn bé
- Ăn bắp cải có mất sữa không, đâu là nguyên nhân gây mất sữa?
- 10 kiểu ăn uống “phản khoa học” làm ít sữa, con chậm tăng cân của mẹ sau sinh