Vì sao tai trẻ sơ sinh bị cụp và những lưu ý quan trọng để bé có được đôi tai đẹp

Loading...
You got lucky! We have no ad to show to you!
Quảng cáo

Mỗi thiên thần nhỏ sau khi chào đời đều có 1 hình hài và dáng vẻ khác nhau, không bé nào giống bé nào. Vì vậy, nhiều ông bố bà mẹ khi có con đầu lòng thường thắc mắc rằng: Vì sao tai trẻ sơ sinh bị cụp? Hãy cùng tìm hiểu nguyên nhân và ghi nhớ những lưu ý quan trọng khi chăm sóc và giữ gìn vệ sinh tai bé!

Tai trẻ sơ sinh bị cụp là như thế nào?

Hầu hết những trường hợp tai trẻ sơ sinh bị cụp đều có chung đặc điểm là tình trạng gờ trên của loa tai gập xuống hoặc khuyết tật đi lớp sụn. Theo ghi nhận của các bác sĩ chuyên khoa Nhi, có những bé gặp phải tình trạng 1/3 trên của cả 2 vành tai bị vùi lấp xuống dưới da đầu gây tình trạng biến dạng, ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Trường hợp khác thì sụn vành tai không thiếu nhưng da che phủ vành tai thiếu nên vành tai không vểnh ra ngoài được mà bị kéo và vùi sát xương dưới da đầu.

Tùy từng trường hợp cụ thể, các chuyên gia có thể xem xét và đánh giá hiện tượng tai cụp hay vành tai bị vùi lấp (Cryptotia) là dạng “tai bỏ túi” (pocket ear), biểu hiện bởi tình trạng sụn tai bị chôn dưới da đầu. Đây là biến dạng vành tai được mô tả lần đầu tiên vào năm 1870 và có tỷ lệ xuất hiện đứng thứ 4 trong các dị dạng vành tai ở người châu Á. Dị tật này thường xuất hiện ở 1 bên nhất là ở tai phải.

Đa số những trẻ có vành tai biến dạng không làm ảnh hưởng tới chức năng tiếp nhận âm thanh nhưng vấn đề này thường gây tác động xấu đến tâm lý và thẩm mỹ. Vì vậy, nếu tai trẻ sơ sinh bị cụp mà bố mẹ không để ý, thì khi hệ thống sụn ở tai phát triển gần hết, bé sẽ được can thiệp phẫu thuật để đưa vành tai ra vị trí bình thường.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng tai cụp ở trẻ sơ sinh

Tình trạng tai trẻ sơ sinh bị cụp không phải là trường hợp hiếm gặp. Sở dĩ có sự khác biệt này là do khi còn ở trong bụng mẹ, bé lớn lên trong môi trường toàn nước và bị bó hẹp trong 1 không gian chật chội. Hơn nữa, đối với những mẹ sinh tự nhiên, dưới áp lực của cơn chuyển dạ, đầu bé sẽ là bộ phận lọt ra trước tiên. Lúc này cấu tạo của hộp sọ là những xương mềm tạo thành để giúp bé dễ dàng di chuyển qua ống dẫn sinh. Chính vì vậy, tai là bộ phận chịu nhiều biến đổi nhất trong quá trình sinh nở.

Ngoài ra, ngay từ lúc trong bụng mẹ, tư thế nằm có thể khiến tai trẻ sơ sinh bị cụp và hình dáng của đôi tai cũng tiếp tục bị tác động trong quá trình rặn đẻ. Tiếp đó, trong quá trình chăm sóc bé, việc đội mũ hay để bé nằm nghiêng 1 bên trong thời gian dài có thể đè lên vành tai làm biến đổi hình dạng ban đầu.

Loading...
You got lucky! We have no ad to show to you!
Quảng cáo

Tuy nhiên, mẹ đừng quá lo lắng khi thấy bé con có đôi tai cụp lạ kỳ. Từ giai đoạn sơ sinh cho đến khi 5 tuổi, hệ xương của trẻ vẫn chưa phát triển các sụn khớp đủ dày giúp định hình khung tai giống người lớn. Vì vậy, nếu tai bé bị gập hay biến dạng tạm thời thì tình trạng này không phải là 1 dị tật bẩm sinh. Nếu biết chăm sóc đúng cách, đôi tai của bé sẽ trở về nguyên dạng và vểnh đẹp hơn nhiều.

Tai trẻ sơ sinh bị cụp có phải là hội chứng biến dạng tai?

Dù rất hiếm gặp với tỷ lệ 1/6.000 – 12.000 trường hợp nhưng vẫn có xác xuất bé sơ sinh có 1 trong 2 hoặc cả 2 bên tai bị cụp là do gặp phải tình trạng hội chứng biến dạng tai. Đây là 1 dị tật bẩm sinh, ảnh hưởng đến vành tai ngoài, nơi không phát triển đầy đủ trong 3 tháng đầu thai kỳ. Hội chứng biến dạng tai xuất hiện với nhiều mức độ khác nhau trong đó hiện tượng tai trẻ sơ sinh bị cụp là 1 trong những dấu hiệu đặc trưng của tình trạng này.

Loading...
You got lucky! We have no ad to show to you!
Quảng cáo

Những trẻ bị dị tật vành tai có thể được nhận biết dễ dàng bằng mắt thường sau khi sinh ra. Ngoài ra, tùy thuộc vào tiền sử mang thai của người mẹ và dựa trên kết quả chụp CT hoặc CAT (kiểm tra X- quang đặc biệt), các bác sĩ sẽ xác định được nguyên nhân và xem xét hình ảnh chi tiết về vùng da, xương, sụn tai để đưa ra chẩn đoán và chỉ định điều trị thích hợp, kể cả tiến hành phẫu thuật trong trường hợp cần thiết.

Vệ sinh và chăm sóc đôi tai cho bé

Trừ trường hợp tai cụp do dị tật bẩm sinh phải can thiệp bằng tạo hình thẩm mỹ, nếu mẹ muốn bé có đôi tai đẹp, đừng quên giữ gìn vệ sinh và chăm sóc đôi tai cho bé đúng cách.

  1. Dù muốn những đôi tai bị biến dạng bình thường trở lại nhanh chóng nhưng người lớn không nên kéo mạnh tai trẻ. Chỉ cần dùng tay vuốt bên tai bị cụp 1 cách nhẹ nhàng theo hướng ra ngoài để tai “duỗi” ra tự nhiên đồng thời lưu ý điều chỉnh tư thế nằm của trẻ cũng như không nên đội mũ quá chật hoặc để dây buộc mũ vắt qua tai tạo nên vết hằn trên vành tai và để lại di chứng xấu.
  2. Khi rửa mặt vào mỗi buổi sáng hằng ngày và lúc vệ sinh thân thể, mẹ nên lưu ý việc lau chùi tai cho bé. Dùng 1 chiếc khăn mềm hoặc miếng bông gòn đã làm ướt bằng nước ấm, nhẹ nhàng lau toàn bộ phần tai của bé, từ vành trong, vành ngoài và cả sau tai.
  3. Tuyệt đối không dùng tăm bông hoặc dụng cụ sắc nhọn đưa sâu vào bên trong để lấy ráy tai. Vệ sinh ngoài tai nên được làm hằng ngày còn vệ sinh trong lỗ tai chỉ nên thực hiện khoảng 1 – 2 tháng/lần để tránh gây tổn thương và làm hỏng cấu trúc bảo vệ phía trong của tai.
  4. Ở những trẻ sơ sinh có lông cáy quanh tai, cha mẹ không nên chà xát mạnh, dùng mẹo hoặc bôi các loại thuốc làm rụng lông. Điều này sẽ làm đau bé đồng thời khiến da tai bị trầy xước có thể dẫn đến nhiễm trùng.

Tạm kết

Đôi tai được xem như cửa sổ âm thanh và là bộ phận quan trọng trên cơ thể. Đừng quá ngạc nhiên khi thấy những trẻ có đôi tai khác biệt. Sự thật là còn rất nhiều những bí mật thú vị khác xung quanh những em bé mới lọt lòng. Vì vậy, ngay từ nhỏ, bố mẹ hãy giữ gìn cho bé 1 đôi tai thật đẹp và hướng dẫn trẻ chăm sóc đúng cách mọi bộ phận trên cơ thể mình!

Xem thêm

 Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!

Loading...
You got lucky! We have no ad to show to you!
Quảng cáo

Bài viết của

ZinVi