Suy dinh dưỡng bào thai ảnh hưởng rất nhiều đến thai nhi vì không được cung cấp chất cần thiết đầy đủ. Vậy làm thế nào để biết triệu chứng và cách phòng tránh, thì bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin, bài viết được tư vấn bởi bác sĩ Phạm Thị Ngọc Điệp là bác sĩ chuyên khoa II – sản phụ khoa, bệnh viện Từ Dũ. Cùng tìm hiểu nhanh một số thông tin rất cần thiết:
- Suy dinh dưỡng bào thai là gì?
- Dấu hiệu nhận biết thai suy dinh dưỡng như thế nào?
- Nguyên nhân dẫn đến suy dinh dưỡng là gì?
- Một số cách phòng tránh hiệu quả?
Suy dinh dưỡng bào thai là gì?
Hay còn gọi là thai nhi suy dinh dưỡng. Nó được định nghĩa là sự phát triển kém hoặc chậm của thai nhi từ khi còn đang trong bụng mẹ.
Tình trạng suy dinh dưỡng có nghĩa là thấp bé nhẹ cân. Bé bị suy dinh dưỡng bào thai khi được sinh ra sẽ bị còi cọc, nhẹ cân, chậm phát triển, ảnh hưởng đến thể chất sau này. Chưa dừng lại ở đó, bé bị suy dinh dưỡng trong bào thai sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển và các chức năng của các cơ quan trong cơ thể như dễ bị nhiễm bệnh do suy giảm miễn dịch, dễ bị bệnh tim mạch, di chứng xương khớp.
Mẹ có thể xem thêm:
Thai 36 tuần bị suy dinh dưỡng: Mẹ bầu cần phải làm gì để con tăng đủ cân?
Dấu hiệu nhận biết bào thai bị suy di dưỡng như thế nào?
Chẩn đoán phát hiện suy dinh dưỡng rất dễ dàng. Đó là qua những lần thăm khám thai định kỳ, bác sĩ kiểm tra và đánh giá tình trạng thai nhi. Bác sĩ dựa vào chỉ số về chiều cao tử cung và vòng bụng để xem thai có bị suy dinh dưỡng hay không?
Bên cạnh đó, chúng ta còn có thể căn cứ vào mức độ tăng cân của mẹ bầu trong quá trình mang thai. Thông thường, trong suốt thai kỳ, mẹ bầu tăng từ 10 đến 12kg. Nếu cuối thai kỳ mà cân nặng của mẹ chỉ tăng xấp xỉ 6kg, nguy cơ trẻ bị suy dinh dưỡng bào thai là khá cao.
Nguyên nhân thai suy dinh dưỡng
Có rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng thai suy dinh dưỡng như:
Dinh dưỡng trong thai kỳ
Đầu tiên, chế độ ăn chính là yếu tố quan trọng quyết định đến sự phát triển toàn diện về cả trí tuệ và thể chất cho bé. Mẹ bầu không phải cứ cố gắng ăn nhiều là đúng, số lượng phải đi kèm với chất lượng. Thức ăn của mẹ bầu nên được đáp ứng cung cấp đầy đủ các nhóm dinh dưỡng: tinh bột, chất đạm, chất béo, Vitamin và khoáng chất.
Sức khỏe của mẹ ảnh hưởng đến thai nhi
Sức khỏe của mẹ bầu có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của bé. Trong thời gian mang thai, nếu mẹ bị cúm, mắc các bệnh nhiễm khuẩn cấp hay sốt phát ban,… thì bé sinh ra có nguy cơ bị dị tật bẩm sinh.
Nếu như mẹ bầu có tiền sử mắc các bệnh lý nội khoa như bệnh tim mạch, bệnh thận, bệnh lao, cao huyết áp, tiền sản giật, sốt rét, bệnh nội tiết,… thì đó cũng là một trong những nguyên nhân gây suy dinh dưỡng thai. Mẹ nên kiểm tra để điều trị dứt điểm bệnh trước khi có ý định mang thai nhé.
Môi trường làm việc của mẹ bầu
Môi trường làm việc của mẹ bầu có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của bé. Tình trạng sẽ vô cùng xấu nếu mẹ làm những công việc nặng nhọc, căng thẳng trong môi trường bị áp lực hay ô nhiễm… Mẹ bầu cần chọn những công việc vừa phải, biết sắp xếp thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn giúp đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và con.
Do phần phụ của thai
Trẻ có thể bị suy dinh dưỡng từ trong bụng mẹ nếu như bị các bệnh lý về bánh rau (dày, rau cài răng lược, rau tiền đạo…), dây rốn bám màng, dây rốn một động mạch…
Do thai
Thai dễ bị suy dinh dưỡng nếu như bị nhiễm trùng bào thai, các rối loạn do bệnh lý di truyền hoặc mang đa thai.
Có thể mẹ chưa biết:
Bầu 37 tuần bác sĩ bảo con bị suy dinh dưỡng, nào ngờ bố chăm sóc 5 ngày con lên đc 500g
Cách phòng tránh việc bé bị suy dinh dưỡng trong bào thai
- Để ngăn ngừa suy dinh dưỡng bào thai, khi mang thai, mẹ cần được ăn uống đầy đủ dinh dưỡng khi mang bầu, ưu tiên chế độ nghỉ ngơi hợp lý, làm việc nhẹ nhàng, tránh căng thẳng, Stress để giúp cơ thể phục hồi năng lượng, tránh việc giảm sức đề kháng.
- Ăn đủ chất: Mẹ khi mang thai cần ăn đủ chất, ăn đa dạng hóa các loại thực phẩm, đặc biệt là ăn nhiều trái cây tươi, rau củ, hạt và thực phẩm giàu Protein. Có thể ăn 4 đến 5 bữa một ngày để đảm bảo rằng thai nhi có đầy đủ các chất dinh dưỡng trong bụng.
- Ăn các thức ăn có nhiều đạm, Canxi như cua, tôm, trứng, sữa. Trong cả quá trình mang thai mẹ cần tăng từ 9 đến 14kg, nếu mang đa thai thì cần tăng từ 15 đến 20kg.
- Không được uống rượu, bia, chất kích thích như cà phê khi đang mang thai, đặc biệt là nếu hít khói thuốc lá nhiều.
- Mẹ bầu nên bỏ chút thời gian để hít vào thở ra và bộ môn Yoga, thường xuyên đi bộ nhẹ khi thai được 7 tháng tuổi trở lên.
- Cũng cần chú ý bổ sung thêm các loại Vitamin như Vitamin B1, B6, Vitamin E, sắt, Canxi, Folate… theo chỉ dẫn của bác sĩ.
- Khám thai theo định kỳ thường xuyên.
Kết luận phòng tránh suy dinh dưỡng bào thai là thật sự cần thiết
Trên đây là một số thông tin về suy dinh dưỡng bào thai mà Bác sĩ Điệp – Bệnh viện Từ Dũ muốn giải đáp cho các mẹ bầu. Khi đang mang thai, mẹ nên thường xuyên thăm khám bác sĩ, để được kiểm tra và xác định tình trạng thai kỳ, giúp ngăn ngừa cũng như phát hiện sớm thai suy dinh dưỡng để được tư vấn biện pháp khắc phục.
Nguồn tham khảo: Suy dinh dưỡng bào thai là gì? – Bệnh viện Từ Dũ.
Xem thêm:
- Dinh dưỡng bà bầu theo từng tháng cho một thai kỳ khoẻ mạnh
- Bổ sung dinh dưỡng để tăng đề kháng cho bé trong tiết giao mùa
- Bạn có biết thai nhi hấp thụ dinh dưỡng từ mẹ như thế nào?
Vào ngay Fanpage của TheAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!