Khi sinh thường, hầu hết chị em phụ nữ đều phải thực hiện thủ thuật rạch tầng sinh môn để hỗ trợ quá trình sinh nở. Sau sinh, chị em sẽ được khâu tầng sinh môn để tái tạo lại niêm mạc da đã bị rách và cần 1 thời gian để hồi phục lại. Vậy sinh thường bao lâu thì lành? Mẹ cần làm gì để quá trình phục hồi vết thương nhanh chóng, không gây đau đớn? Mời các mẹ cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây.
Tại sao phải rạch tầng sinh môn khi sinh?
Tầng sinh môn là phần mô nằm giữa âm đạo và hậu môn, có chiều dài khoảng 3 – 5cm. Mặc dù trước lúc sinh, âm đạo của chị em phụ nữ sẽ tự động giãn ra theo cấu tạo sinh lý bình thường, tuy nhiên trong nhiều trường hợp, để tránh em bé bị ngạt và giúp quá trình sinh nở diễn ra dễ dàng, thuận lợi, các bác sĩ sẽ rạch 1 đường nhỏ ở tầng này và khâu lại bằng chỉ tự tiêu thẩm mỹ.
Khi thực hiện khâu tầng sinh môn, các bác sĩ thường dùng chỉ tự tiêu nên sau đó chỉ sẽ tự biến mất mà không cần phải cắt chỉ. Hơn nữa, đây là thủ thuật đơn giản, thực hiện nhanh chóng, nhẹ nhàng, sản phụ thường được gây tê khi thực hiện nên không hề gây bất kỳ khó chịu hay đau đớn nào. Thời gian diễn ra quá trình khâu tầng sinh môn thường kéo dài khoảng 15 – 20 phút tùy thuộc vào độ sâu và rộng của vết rạch cũng như tay nghề của bác sĩ thực hiện.
Sinh thường bao lâu thì lành vết khâu tầng sinh môn?
Sau khi thuốc tê hết tác dụng đa số các mẹ đều cảm thấy hơi đau, bứt rứt khó chịu và cảm giác này thường sẽ hết sau khoảng 1 – 2 tuần sau sinh. Việc cần thiết là phải chăm sóc và giữ vết khâu thật sạch sẽ để vết khâu mau lành và tránh được tình trạng nhiễm trùng.
Sau khoảng 2 – 3 tuần thì vết khâu tầng sinh môn sẽ tự lành và chỉ cũng đã tự tiêu hết, sau 1 tháng là ổn định hoàn toàn và các chị em sẽ cảm thấy bình thường như lúc trước.
Mẹo giúp mau lành vết thương sau sinh thường
Việc chăm sóc đúng cách sau sinh thường sẽ giúp cho mẹ mau chóng phục hồi sức khỏe, tinh thần. Để rút ngắn thời gian của câu trả lời cho câu hỏi “sinh thường bao lâu thì lành?” mẹ không nên bỏ qua các mẹo sau đây để giúp nhanh chóng phục hồi vết thương:
Chườm lạnh
Chườm lạnh sẽ giúp giảm đau, sưng tầng sinh môn. Lý tưởng nhất là chườm trong 24 – 72 giờ đầu tiên, tùy thuộc mức độ giảm sưng. Bạn có thể dùng túi chườm, viên đá được bọc lại hoặc lấy 1 ngón tay của găng tay dùng một lần đổ đầy nước sau đó đông lạnh để chườm. Tránh chườm trực tiếp lên da vì có thể gây bỏng lạnh.
Sử dụng nước ấm
Vết rạch tầng sinh môn không gây đau đớn quá nhiều, nhưng mẹ vẫn sẽ cảm thấy một chút khó chịu, nhất là trong lúc đi tiểu. Sử dụng nước ấm có thể giúp mẹ cải thiện tình trạng này. Dùng vòi sen hoặc đổ nước ấm từ từ giữa 2 chân trong lúc đi tiểu. Nước ấm sẽ giúp trung hòa bớt nồng độ nước tiểu và hạn chế không cho nước tiểu tiếp xúc với “vùng kín”.
Vệ sinh “vùng kín” sạch sẽ
Việc giữ cho âm đạo luôn sạch sẽ, chống nhiễm trùng là điều cực kì cần thiết sau khi bị rạch tầng sinh môn. Rửa nhẹ nhàng “vùng kín” với nước ấm rồi sau đó lau khô bằng khăn mềm, sạch ít nhất 3 lần/ngày. Lựa chọn loại băng vệ sinh chất lượng, an toàn cho vùng nhạy cảm.
Bổ sung chất xơ trong khẩu phần ăn để hạn chế táo bón
Nếu bình thường, táo bón đã khiến mẹ cảm thấy khó chịu thì bây giờ, cảm giác này còn tăng gấp đôi. Khi bị táo bón, mẹ sẽ phải dùng sức nhiều hơn. Việc dùng sức này có thể sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến vết rạch tầng sinh môn và khiến bạn cảm thấy đau đớn. Vì vậy, mẹ nên bổ sung nhiều chất xơ và uống thêm nhiều nước để giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn.
Tránh mặc quần áo quá chật
Sau khi sinh, mẹ nên ưu tiên những bộ quần áo rộng rãi, thoáng mát, nhất là quần chip. Chúng không chỉ giúp bạn cảm thấy dễ chịu mà còn hạn chế các cọ xát với vết thương.
Dùng thuốc đúng chỉ dẫn của bác sĩ
1 trong những cách giúp bạn thoát khỏi những vết đau khó chịu do bị rạch tầng sinh môn là uống thuốc đúng giờ và đúng theo sự chỉ dẫn của bác sĩ. Hầu hết mẹ sẽ được kê đơn dùng paracetamol để giảm đau và các loại thuốc chống sưng, chống viêm khác.
Sử dụng sự hỗ trợ của những chiếc gối
Chọn 1 chiếc gối mềm để lót và dựa lưng mỗi khi phải ngồi dậy cho con bú có thể giúp mẹ giảm bớt phần nào khó chịu. Hạn chế việc phải đứng hoặc ngồi quá lâu trong những ngày đầu sau sinh để tránh “vết thương” bị kích thích.
Nằm nghiêng cũng là phương pháp được nhiều mẹ áp dụng. Cách này sẽ giúp giảm áp lực lên tầng sinh môn và giúp mẹ làm dịu cơn đau.
Hạn chế vận động mạnh
Dù rất muốn lấy lại vóc dáng trước khi sinh nhưng mẹ không nên tập luyện quá sớm. Việc vận động quá mạnh có thể khiến vết rạch tầng sinh môn của bạn bị rách, và lúc này cơn đau sẽ nặng nề hơn nhiều. Các môn thể thao như đi bộ, yoga nhẹ nhàng sẽ thích hợp để mẹ mau chóng phục hồi sức khỏe.
Kiêng quan hệ từ 4 – 6 tuần sau sinh
Chuyện ấy là vấn đề tế nhị, khó nói của tất cả các cặp đôi sau sinh, đặc biệt là những đôi vợ chồng trẻ. Để việc vết thương tầng sinh môn tránh bị nhiễm trùng, bị đau hoặc lâu lành, các cặp đôi nên kiêng quan hệ 4 – 6 tuần để vết thương lành hẳn và không còn đau.
Xem thêm
- Sản phụ sau sinh bao lâu thì tử cung phục hồi bình thường?
- Rặn nhiều khi sinh khiến mẹ bầu có nguy cơ bị rách tầng sinh môn cao hơn đến 700%
- 15 điều mẹ nào cũng cần làm để nhanh chóng phục hồi sau sinh
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!