Sinh non 34 tuần tuổi là điều không bà mẹ nào mong muốn xảy đến với bé yêu của mình. Nếu chẳng may rơi vào hoàn cảnh đó, hẳn mẹ nào cũng đều lo lắng không biết nên chăm sóc em bé thế nào, có cần lưu ý gì đặc biệt không. Hãy cùng xem bài viết dưới đây để tìm ra câu trả lời nhé.
Nguyên nhân gây sinh non 34 tuần tuổi
Thông thường trẻ được sinh ra ở tuần thứ 38 – 40 của thai kỳ. Trẻ sinh ra trước tuần thai thứ 37 được gọi là sinh non. Những em bé này cần được chăm sóc đặc biệt tại cơ sở y tế và sau khi xuất viện.
Mặc dù khoa học hiện đại ngày nay đã giúp ngăn ngừa phần lớn các ca sinh non, vẫn có nhiều yếu tố dẫn đến việc em bé ra đời sớm hơn dự định, trong đó có thể kể đến:
- Mẹ bị viêm nhiễm đường sinh dục, vi khuẩn làm suy yếu màng quanh túi ối, gây ra vỡ ối sớm
- Các vấn đề về nhau thai như nhau tiền đạo, bong nhau hoặc nhau cài răng lược
- Mẹ bị đa ối
- Bất thường ở cấu trúc tử cung hoặc cổ tử cung như suy cổ tử cung
- Thai phụ phải phẫu thuật ổ bụng khi mang bầu để loại bỏ u nang buồng trứng, ruột thừa hoặc túi mật
Thai nhi 34 tuần tuổi sinh non có nguy cơ mắc phải những biến chứng nào?
Trẻ sinh non ở tuần thai thứ 34 có nguy cơ gặp phải những biến chứng sau:
- Vàng da: xuất hiện do máu của bé chứa quá nhiều bilirubin – chất có màu vàng được sinh ra do tế bào hồng cầu bị phá vỡ. Trẻ sinh non có lượng tế bào hồng cầu cao thường xuyên bị phá vỡ và được thay mới trong khi gan chưa đủ hoàn thiện để lọc bỏ, làm da và mắt bé bị vàng.
- Thiếu máu do thiếu tế bào hồng cầu chịu trách nhiệm vận chuyển oxy đến các cơ quan trong cơ thể. Ở bé sinh thiếu tháng, lượng tế bào hồng cầu sinh sản chậm hơn làm trẻ bị thiếu máu.
- Ngưng thở: là tình trạng trẻ sơ sinh ngừng thở trong vài giây trong khi ngủ. Trẻ sinh non có thể được can thiệp hỗ trợ bằng cách thông khí và cho thở oxy.
- Nhiễm trùng: Trẻ rất dễ bị nhiễm trùng do hệ miễn dịch còn non yếu.
- Tồn tại ống động mạch: Ở trẻ bình thường, ống động mạch tự đóng từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 6 sau khi ra đời, nếu đóng sau thời gian này thì gọi là chậm trễ đóng ống động mạch, nếu không đóng thì gọi là tồn tại ống động mạch.
- Chứng loạn phế sản phổi: Trẻ sinh non mắc chứng này cần sự trợ giúp của máy thở để hô hấp.
- Huyết áp thấp: Tồn tại ống động mạch cũng dẫn đến huyết áp thấp do tim trẻ chưa phát triển hoàn thiện
- Viêm ruột hoại tử: bệnh ảnh hưởng chủ yếu đến ruột của trẻ. Thành ruột bị vi khuẩn xâm nhập gây nhiễm trùng và viêm, cuối cùng phá hủy thành ruột.
Cách chăm sóc trẻ sinh non 34 tuần tuổi
Chăm sóc đặc biệt tại cơ sở y tế
Trẻ sinh non sau khi sinh được chuyển đến phòng theo dõi đặc biệt và chăm sóc tại đó trong vài tuần. Trẻ được đặt trong lồng ấp trong suốt với ánh sáng vừa phải. Việc cho ăn và thở có thể được thực hiện qua ống thông. Môi trường bên trong lồng ấp được kiểm soát chặt chẽ với nhiệt độ, độ ẩm và áp suất hợp lý cho sự phục hồi và tăng trưởng của bé.
Cho trẻ sinh non 34 tuần tuổi ăn thế nào?
Trẻ sinh non chưa thể được bú sữa mẹ trực tiếp vì phản xạ bú mút đến lúc này vẫn chưa hình thành. Bé sẽ được cho ăn qua ống thông trực tiếp đến dạ dày qua đường miệng. Lúc này mẹ có thể hút sữa ra để y tá cho bé ăn. Khi bé đã đủ sức khỏe và được đưa ra khỏi lồng ấp thì mẹ có thể cho bé bú sữa trực tiếp như trẻ khác.
Liên kết giữa mẹ và bé có vai trò quan trọng, khi bé đang nằm trong lồng ấp thì điều này có thể bị cản trở. Tuy nhiên đó chỉ là vấn đề thời gian, con sẽ được xuất viện sớm và nhanh chóng nhận ra mẹ thôi. Hãy dành thêm thời gian da tiếp da và chăm sóc em bé của bạn nhé.
Thay lời kết
Trẻ sinh non có tỉ lệ sống sót lên đến 98%. Trừ những trường hợp biến chứng quá phức tạp, hầu hết trẻ sinh non đều sống tốt và nhanh chóng phát triển như trẻ đủ tháng.
Tất cả trẻ sinh non đều phải đạt được 1 số mốc tăng trưởng nhất định trước khi được đưa ra khỏi phòng chăm sóc đặc biệt. Em bé sinh non 34 tuần tuổi có thể phải nằm trong lồng ấp cho đến khi được 36 tuần, khi trẻ đã có thể tự thở, ăn và điều chỉnh thân nhiệt. Sau 1 vài tuần theo dõi, hầu hết trẻ đều phục hồi tốt và có thể được xuất viện.
Theo parenting
Xem thêm
- Điều gì làm tăng nguy cơ sinh non ở mẹ bầu?
- Ứ mật thai kỳ có thể gây sảy thai và sinh non, làm sao để phòng ngừa tình trạng này?
- Tìm hiểu về 9 yếu tố tiềm tàng làm tăng nguy cơ sinh non
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!