Sau sinh bao lâu thì thay da đổi thịt là một chủ đề hot luôn nhận được nhiều quan tâm, chia sẻ của các chị em hội bỉm sữa. Có mẹ sau sinh đúng chuẩn gái một con trông mòn con mắt. Ngược lại cũng có không ít mẹ bỉm tự nhận thấy mình kém sắc và vẻ ngoài bị ăn gian thêm vài tuổi. Sự khác nhau này là do đâu? Có phải mẹ nào cũng có thể thay da đổi thịt sau sinh hay không? Mẹ đã hiểu rõ từng giai đoạn phục hồi của cơ thể để nắm giữ đúng những bí kíp làm đẹp sau sinh hay chưa? Hãy cùng đi tìm câu trả lời ngay nhé!
Cơ thể phụ nữ thay da đổi đổi thịt như thế nào sau sinh?
Sau sinh, cùng với niềm hạnh phúc đón chào con yêu và chính thức bước vào thời kỳ nuôi con mọn, mẹ bỉm sữa nào cũng nhận ra một sự thật trần trụi là cơ thể mình đã không thể còn được như xưa nữa. Dù vượt cạn theo cách nào thì hầu hết chị em cũng đều phải đối diện và làm quen với những thay đổi bên trong và bên ngoài cơ thể theo một cách hoàn toàn mới.
Đau nhức âm đạo sau sinh
Sự thay đổi này là điều đầu tiên các mẹ sinh thường có thể cảm nhận được ngay sau kỳ sinh nở. Đó là một phản ứng thông thường của cơ thể khi có một em bé vừa chào đời qua đường âm đạo. Thời gian phục hồi âm đạo sau khi sinh tùy thuộc vào việc sản phụ có phải khâu tầng sinh môn nhiều hay không. Thông thường vết thương, sưng sẽ hết trong khoảng 10 ngày nếu mẹ được chăm sóc tốt.
Tương tự như vậy, mẹ cũng sẽ cảm thấy phần tử cung của mình trở nên nặng nề hơn và mất khoảng 2 -6 tuần sau sinh thì các cơ tử cung mới bắt đầu co lại dần như ban đầu. Dịch tiết âm đạo khi tử cung phục hồi cũng sẽ hết dần sau 1 – 2 tháng tùy vào thể trạng và cơ địa của từng người.
Vòng 1 thay đổi – trở nên lớn hơn sau sinh
Ngay sau khi sinh do cơ chế hoạt động của cơ thể khiến nồng độ estrogen và progestrogen giảm, trong khi hormone prolactin giúp tạo sữa mẹ tăng lên đã khiến kích thước vòng ngực sau sinh thay đổi vì lưu lượng máu và sữa nhiều hơn.
Vòng 1 của chị em sẽ trở nên cương đau, tức sữa trong vòng từ 2 -3 ngày sau sinh và giảm dần khi bắt đầu cho con bú. Nếu vì lý do nào đó mà em bé không bú sữa mẹ, cơn đau sẽ tiếp tục cho đến khi tuyến sữa ngừng hoạt động. Tuy nhiên, bé bú mẹ càng nhiều, càng lâu càng dễ khiến cho vòng ngực có xu hướng chảy sệ, kém săn chắc.
Rụng tóc sau sinh, sạm da
Rụng tóc là tình trạng khá phổ biến mà nhiều chị em thường than phiền. Nồng độ estrogen giảm mạnh sau sinh là nguyên nhân khiến mẹ bầu nhận thấy tóc bị rụng đi nhiều, thậm chí xơ xác, kém óng mượt hơn hẳn so với trước đây.
Sự suy giảm hormone nội tiết tố nữ cũng kéo theo sự thay đổi về sắc tố da với những vết thâm nám, làn da sẫm màu, xuất hiện mụn trứng cá và rất dễ bị tổn thương nếu không được chăm sóc và bảo vệ đúng cách.
Đáng lo ngại nhất là vùng da bụng trở thành cơn ác mộng khiến các mẹ sau sinh vô cùng tự ti. Phần cơ bụng khi mang bầu bị căng ra, các vết rạn bắt đầu xuất hiện chằng chịt và lớp da bụng sẽ trở nên tối màu, thâm xỉn. Tình trạng này cũng kéo dài ngay cả khi con yêu đã lọt lòng và tệ hơn nữa còn để lại một lớp da thừa nhăn nheo, sạm màu cùng các vết rạn da xấu xí. Nhiều mẹ bỉm sữa còn cảm thấy muộn phiền vì sau sinh có thêm một chiếc bụng mỡ và vòng eo bánh mì.
Thay đổi cân nặng sau sinh
Số đo cân nặng thay đổi khiến mẹ sau sinh bị ám ảnh nhiều nhất. Có mẹ bị giảm cân mất kiểm soát đến mức gầy mòn, thiếu sức sống vì nhiều lý do như điều kiện chăm sóc không tốt, con quấy khóc, mẹ bị stress hoặc làm việc sớm. Ngược lại, một số mẹ có chế độ ăn uống chưa hợp lý, ít vận động nên cân nặng có chiều hướng tăng lên, lượng chất béo dự trữ thêm nhiều ở chân, mông, vùng bụng, làm chị em luôn cảm thấy tự tin vì khó có thể tìm được lại những số đo lý tưởng như thời con gái.
Ngoài những thay đổi thường gặp kể trên, nhiều mẹ sau sinh còn gặp phải những vấn đề và thay đổi phiền toái khác như ra nhiều mồ hôi, sưng phù tay chân, táo bón, giãn tĩnh mạch, thay đổi tính khí… khiến chị em có lúc nhìn mình trong gương và tự hỏi sau sinh bao lâu thì thay da đổi thịt? Làm sao để vóc dáng, làn da có thể trở lại như xưa?
Sau sinh bao lâu thì thay da đổi thịt và những mốc thời gian mẹ nên biết
Trên nhiều diễn đàn, hội nhóm làm đẹp, các chị em bỉm sữa vẫn thường hỏi nhau sau sinh bao lâu thì thay da đổi thịt nhưng lại không có nhiều mẹ biết rõ được 3 giai đoạn phục hồi của cơ thể sau kỳ vượt cạn để có phương thức chăm sóc bản thân đúng cách mà không quá vội vàng.
Giai đoạn 4 tuần ở cữ sau sinh: Mẹ đã thay da đổi thịt chưa?
4 tuần lễ đầu tiên sau khi sinh là thời gian để cơ quan sinh sản của người mẹ phục hồi. Để chăm sóc sức khỏe một cách tốt nhất, các chuyên gia khuyên mẹ:
- Nghỉ ngơi hoàn toàn ít nhất 2 tuần đầu để cơ thể được phục hồi sau cơn vượt cạn. Giữ cho tinh thần vui vẻ, thoải mái, chia sẻ tâm trạng suy nghĩ với mọi người và để người thân cùng tham gia chăm sóc em bé trong giai đoạn đầu
- Giữ cho cơ thể sạch sẽ nhất là vệ sinh âm hộ bằng các dung dịch vệ sinh phụ nữ thích hợp. Chăm sóc vết rách và vết khâu tầng sinh môn với các dung dịch sát trùng để vùng kín luôn được khô thoáng, đề phòng viêm nhiễm sau khi sinh
- Chăm sóc tốt bầu vú để đảm bảo nguồn sữa dồi dào cho bé cũng như tránh tình trạng tắc tuyến sữa có thể dẫn đến áp- xe vú
- Vào tuần lễ thứ 2 sau sinh, chị em sinh thường hay sinh mổ có thể sử dụng nịt bụng để bắt đầu lấy lại vóc dáng. Nếu kiên trì, vòng bụng của các mẹ có thể được cải thiện đáng kể, dần trở nên thon gọn và giảm thiểu mỡ thừa, không còn tình trạng chảy xệ sau khi sinh.Ngoài ra, một số mẹ áp dụng phương pháp làm đẹp với rượu nghệ gừng cũng có hiệu quả trong việc làm tan mỡ, săn chắc vòng 2 một cách tự nhiên và an toàn hoặc thực hiện các bài tập Kegel để lấy lại sự đàn hồi, se khít nơi vùng kín âm đạo
Giai đoạn 2: 6 tuần sau sinh
Giai đoạn 4 – 6 tuần sau sinh, các bộ phận trong cơ thể đã dần phục hồi và trở lại trạng thái bình thường. Sản phụ vẫn cần tiếp tục giữ gìn vệ sinh thân thể sạch sẽ, ăn uống các loại thực phẩm đa dạng, dồi dào dinh dưỡng giúp thể trạng và sức lực hồi phục dần cũng như duy trì đủ lượng sữa mẹ cho bé. Chị em cũng được khuyến cáo nên tái khám sản phụ khoa, xem xét vết khâu tầng sinh môn hay vết mổ đồng thời siêu âm tổng quát để đánh giá mức độ hồi phục của sức khỏe.
Thời điểm này, các mẹ bỉm sữa cũng cần tư vấn về sau sinh bao lâu thì thay da đổi thịt. Do đó, lời khuyên của các bác sĩ là chị em nên bắt đầu vận động trở lại bằng các hoạt động thể chất phù hợp với sức khỏe như đi bộ nhẹ nhàng, tập một số động tác yoga hay đăng ký liệu trình chăm sóc sau sinh như massage body, điểm huyệt… Thói quen rèn luyện sau sinh không chỉ tốt cho sức khỏe mà còn đem lại kết quả bất ngờ trong việc cải thiện vóc dáng và ngoại hình cho các chị em.
Giai đoạn từ 6 tuần trở đi đến 1 năm sau sinh, mẹ thay da đổi thịt như thế nào?
Sau khi sinh 8 tuần, cơ thể người phụ nữ đã hoàn toàn hồi phục và chị em đã có thể trở về nhịp sống quen thuộc hàng ngày như trước đây mà không cần phải quá kiêng cữ. Tuy nhiên, đây vẫn là thời kỳ cho con bú nên mẹ vẫn nên ưu tiên duy trì chế độ nghỉ ngơi, hạn chế công việc nặng nhọc hay trong môi trường độc hại.
Cũng nên lưu ý về các biện pháp ngừa thai và quan hệ tình dục an toàn, tránh trường hợp vỡ kế hoạch, sinh nở sát nhau càng khiến mẹ không có thời gian chăm sóc bản thân và em bé thật tốt. Việc tập luyện thể dục thể thao lấy lại vóc dáng và thay da đổi thịt với các bí quyết làm đẹp sau sinh rất được khuyến khích. Dù điều kiện chăm sóc bản thân của từng mẹ là khác nhau nhưng điều quan trọng là hãy cố gắng duy trì những biện pháp chăm sóc cơ thể đúng cách và đón nhận thành quả xứng đáng.
Đi tìm câu trả lời chung cho sau sinh bao lâu thì thay da đổi thịt?
Phụ nữ nuôi con nhỏ luôn bộn bề với một ngàn công việc không tên. Nhưng trong thâm tâm các chị em luôn có một băn khoăn rằng sau sinh bao lâu thì thay da đổi thịt bởi đó là một mong mỏi chính đáng của phái đẹp. Mỗi mẹ sau sinh đều ít nhiều có sự thay đổi cả về thể chất và tinh thần nhưng theo 2 chiều hướng khác nhau cả tích cực và tiêu cực.
Các chuyên gia đều chỉ ra rằng bất cứ sản phụ nào cũng đều phải trải qua 3 giai đoạn phục hồi sau kỳ sinh nở nhưng không phải ai cũng có thể thay da đổi thịt nếu mẹ không hiểu rõ cơ thể ở từng thời điểm để chăm sóc bản thân thật tốt. Vậy nên, phụ nữ hiện đại muốn lột xác sau sinh chỉ có thể bằng cách không nên bỏ bê chính bản thân mình trong giai đoạn này. Mẹ sẽ trở thành gái một con trông mòn con mắt hay biến mình thành những bà bổi luôn tự ti vì vóc dáng ngoại hình hoàn toàn phụ thuộc vào việc có dành thời gian cho chính mình hay không.
Nếu biết chăm sóc cơ thể đúng cách, mẹ không chỉ lấy lại được vóc dáng, nhan sắc ban đầu mà thậm chí còn mặn mà hơn. Ngược lại, nếu hời hợt với chính cơ thể mình, chuyện thay da đổi thịt sẽ chẳng bao giờ xảy ra và mẹ có thể sẽ phải sống chung với việc xuống sắc trong thời gian khá dài.
Lời kết
Vậy là các chị em đều đã có thể tìm được câu trả lời cho riêng mình về nỗi niềm sau sinh bao lâu thì thay da đổi thịt rồi phải không? Yêu chiều bản thân không phải là suy nghĩ ích kỷ. Điều quan trọng là chị em có đủ động lực và kiên nhẫn cũng như tìm hiểu đúng những cách thức làm đẹp, chăm sóc bản thân an toàn, hiệu quả và cân bằng được thời gian với công việc khác trong đó ưu tiên hàng đầu là chăm sóc em bé của mình.
Đừng mải mê chạy theo những cuộc đua làm đẹp bằng mọi cách hay quá coi trọng ngoại hình, nhan sắc bởi những ám ảnh vì vẻ bên ngoài. Hình ảnh của phụ nữ sau sinh trong thiên chức của một người mẹ luôn toát lên vẻ đẹp đặc biệt mà không phải ai cũng có cơ hội trải nghiệm.
Xem thêm:
- 5 bí quyết giúp mẹ thay da đổi thịt sau sinh để “trông mòn con mắt”
- Thay da sau sinh: cơ hội cho mẹ bỉm “đẹp lại từ đầu”
- 3 loại mặt nạ sữa tươi chăm sóc da sau sinh cực “vi diệu”
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!