Làm sao để nhanh hết sản dịch sau sinh mổ là điều mà các mẹ bỉm rất quan tâm. Bạn có thể áp dụng một số cách như: vệ sinh vùng kín sạch sẽ, bổ sung chất dinh dưỡng từ thực phẩm, vận động và nghỉ ngơi hợp lý,… để sản dịch sớm thoát ra ngoài, giúp cơ thể mau hồi phục. Trường hợp sản dịch có mùi hôi, ra nhiều máu như tuần đầu, có nhiều cục máu,… dù đã nghỉ ngơi và ăn uống đầy đủ, bạn nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị phù hợp.
Bạn nên đọc bài viết này để biết:
- Làm sao để nhanh hết sản dịch sau sinh mổ?
- Các sai lầm cần tránh sau sinh
- Khi nào mẹ nên gặp bác sĩ?
Làm sao để nhanh hết sản dịch sau sinh mổ?
Sau sinh mổ, việc chăm sóc cơ thể để nhanh hết sản dịch là rất quan trọng, giúp các mẹ sớm hồi phục cũng như ngăn ngừa các vấn đề về hậu sản như: sa tử cung, mất máu nhiều, nhiễm trùng. Dưới đây là một số cách giúp sản dịch nhanh hết sau sinh mổ:
Bạn có thể chưa biết:
Sau sinh 2 tháng vẫn còn sản dịch có phải là dấu hiệu nguy hiểm?
1. Vệ sinh vùng kín sạch sẽ
Sau khi sinh, tử cung vẫn co bóp để đưa sản dịch ra ngoài. Điều này “vô tình” tạo cơ hội để vi khuẩn bên ngoài xâm nhập vào tử cung qua đường sinh dục, làm tử cung trở thành môi trường lý tưởng, gây viêm nhiễm âm đạo.
Do đó, việc vệ sinh vùng kín là điều rất quan trọng. Mỗi ngày, chị em nên thay băng vệ sinh từ 4 đến 6 giờ/lần, khi thay băng cần vệ sinh vùng kín bằng nước ấm rồi lau khô. Ngoài ra, bạn cần tắm gội hàng ngày nhưng phải tắm nhanh trong phòng kín gió, lau khô người và sấy tóc.
2. Vận động và nghỉ ngơi hợp lý
Sau sinh, sản phụ cần nghỉ ngơi để hồi phục năng lượng, nhưng không nên nằm nhiều. Với các mẹ sinh mổ, ngay sau khi ống thông tiểu được lấy ra, sản phụ có thể bước xuống giường để tập đi bộ trở lại. Mặc dù bạn sẽ cảm thấy rất đau ở vết thương sinh mổ nhưng không nên lười vận động. Việc lười vận động sẽ làm nhu động ruột chậm phục hồi, dẫn đến tình trạng táo bón sau khi sinh. Vì vậy, bạn có thể đi bộ ngắn để giúp cơ thể sớm hồi phục và giảm nguy cơ mắc các biến chứng sau phẫu thuật như viêm tắc tĩnh mạch, dính ruột,…
3. Uống nước chè vằng
Nước chè vằng có rất nhiều công dụng tốt như: đẩy sản dịch ra ngoài, giảm cân, bổ máu, hỗ trợ hệ tiêu hóa và lợi sữa. Vì vậy, nhiều sản phụ sau sinh đã uống nước chè vằng trong thời gian ở cữ. Cách pha nước chè vằng rất đơn giản. Bạn chỉ cần dùng 30 gram chè vằng, pha cùng 2 lít nước nóng. Sau đó, mẹ uống nước chè vằng thay nước lọc liên tục trong một tuần để thấy rõ tác dụng.
4. Ăn rau ngót
Rau ngót là một trong những thực phẩm giúp sản dịch sau sinh mau hết. Ngoài ra, thực phẩm này còn trị sót rau và giúp tử cung phục hồi nhanh chóng. Mẹ có thể làm nước rau ngót để uống với cách thực hiện rất đơn giản. Đầu tiên, bạn rửa sạch rau ngót, để ráo nước. Sau đó, mẹ cho rau vào máy xay sinh tố, thêm một ít muối và nước rồi xay cho nhuyễn, dùng mỗi ngày một ly. Nếu không uống được nước rau ngót, bạn có thể chế biến thành canh rau ăn hàng ngày.
5. Bổ sung thêm các vitamin và khoáng chất từ bên ngoài
Bên cạnh chế độ ăn uống hàng ngày, bạn cần bổ sung thêm vitamin và khoáng chất từ bên ngoài. Nguyên nhân là do chất dinh dưỡng trong thực phẩm không đủ hoặc khiến cơ thể khó hấp thu. Nếu bạn đang không biết nên bổ sung những chất gì và khi nào cần uống thì có thể tham khảo một số vitamin, khoáng chất dưới đây nhé!
- Canxi: Mẹ nên uống canxi vào buổi sáng, sau bữa ăn sáng khoảng 1 giờ, hoặc uống vào buổi trưa với lượng nước nhiều. Điều này giúp bạn tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, tăng khả năng hấp thu canxi hiệu quả.
- Sắt: Bạn cần uống sắt trước ăn 30 phút vì sắt hấp thu tốt nhất khi dạ dày rỗng.
- Vitamin A, vitamin D: Mẹ nên uống vitamin A, vitamin D trong bữa ăn vì chất béo trong thức ăn sẽ hòa tan các chất này, giúp cơ thể hấp thu hiệu quả.
6. Cho bé bú thường xuyên
Thông thường, nhiều sản phụ nghĩ rằng không nên cho bé bú ngay sau sinh mổ vì sợ sữa còn chứa thuốc mê ảnh hưởng đến bé, sữa không kịp về,… Tuy nhiên, đây là suy nghĩ không đúng. Theo các chuyên gia y tế, thời điểm mẹ có thể cho con bú là ngay trong 1 giờ đầu sau sinh mổ, nếu dùng gây tê cục bộ. Với những mẹ mổ bằng gây tê toàn thân, sau khoảng 4-6 tiếng khi thuốc gây tê bớt tác dụng, mẹ có thể cho bé bú. Việc cho bé bú sớm không chỉ làm tăng sức đề kháng cho cơ thể mà còn giúp tử cung nhanh phục hồi, giảm nguy cơ băng huyết.
Bạn có thể chưa biết:
Khi nào hết sản dịch, ra sản dịch kéo dài có ảnh hưởng gì không?
Sản dịch có mùi hôi – Cách xử lý hiệu quả tránh viêm nhiễm cho mẹ sau sinh
Các sai lầm cần tránh sau sinh
- Không nằm gác chân lên nhau: Việc nằm chéo chân sẽ “vô tình” ngăn sản dịch thoát ra ngoài. Một khi sản dịch còn nằm trong cơ thể thì sẽ gây bế sản dịch, rất nguy hiểm cho mẹ.
- Không nịt bụng quá chặt sau sinh: Việc nịt bụng chặt sau sinh sẽ làm tăng áp lực bên ngoài thành bụng, khiến thành bụng khó phục hồi sớm, cản trở cơ quan sinh sản về vị trí ban đầu. Một khi vị trí của cơ quan sinh sản thay đổi sẽ làm sản dịch không thoát hết ra bên ngoài, khiến sức khỏe của sản phụ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Khi nào mẹ nên gặp bác sĩ?
- Cảm thấy ớn lạnh hoặc sốt trên 38 độ C
- Sản dịch có mùi hôi khó chịu, kéo dài hơn 45 ngày
- Máu chảy nhiều, làm đầy băng vệ sinh mỗi giờ
- 4 ngày sau khi sinh, máu vẫn chảy nhiều và có màu đỏ tươi dù bạn đã nghỉ ngơi đầy đủ
- Có nhiều cục máu, trong một miếng băng có thể thấy hơn 50 cục máu
- Chóng mặt, cảm thấy cơ thể bắt đầu yếu ớt
- Nhịp tim không đều hoặc bắt đầu đập nhanh
Nếu có những triệu chứng trên, khả năng cao là bạn đã bị bế sản dịch, sản dịch còn ứ đọng trong tử cung hoặc bị một số bệnh lý trong giai đoạn hậu sản. Lúc này, chị em cần đi khám phụ khoa gấp để biết nguyên nhân và có biện pháp xử trí kịp thời.
Qua bài viết trên, bạn đã biết những cách để nhanh hết sản dịch sau sinh mổ rồi đấy! Nếu đã nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ mà sản dịch vẫn ra nhiều máu, có mùi hôi, cơ thể mệt mỏi,… thì bạn nên nhanh chóng đến gặp bác sĩ để được khám và điều trị phù hợp.
Xem thêm:
- Sau sinh mổ bao lâu thì hết sản dịch? Lưu ý cho mẹ trong thời kỳ hậu sản
- Mẹ có biết sinh mổ bao lâu thì hết sản dịch?
- Bế sản dịch sau sinh mổ là gì? Điều trị thế nào để đảm bảo an toàn cho sản phụ?