Ra máu cục khi mang thai tháng đầu có thể là do mẹ ra máu báo thai, cũng có thể là dấu hiệu sảy thai hết sức nguy hiểm. Để đảm bảo an toàn, khi gặp tình trạng này, mẹ nên đến bác sĩ để kiểm tra ngay nhé!
Ra máu cục khi mang thai tháng đầu là hiện tượng gì?
1. Mẹ ra máu báo thai
Trên thực tế, chảy máu khi mang thai tháng đầu là hiện tượng rất phổ biến. Đó được gọi là ra máu báo thai. Nguyên nhân là do khi phôi thai di chuyển từ buồng trứng vào tử cung và cấy ghép vào niêm mạc tử cung để phát triển sẽ khiến cho một vài mạch máu nhỏ bị vỡ ra, gây tổn thương và chảy máu. Đây là hiện tượng hết sức bình thường của phụ nữ mang thai.
Thông thường, máu báo thai sẽ xuất hiện từ tuần thai thứ 10 – 12, tuy nhiên, vẫn có đến 25 – 35% mẹ bầu mang thai bị ra máu báo thai ngay từ tuần thai đầu tiên.
Máu báo thai thường có màu nâu, hồng nhạt hoặc đỏ tươi với số lượng máu rất ít, thường chỉ vài giọt máu, có khi là máu cục đông như máu kinh nguyệt nhưng hoàn toàn không có mùi hôi hoặc dịch nhờn.
2. Ra máu cục khi mang thai tháng đầu có thể do sảy thai
Thai phụ có thai rồi bị ra máu bất ngờ và âm đạo tự nhiên lọt ra ngoài một cục máu thì đó có thể là túi thai đã bị lọt ra ngoài. Tình trạng chảy máu này thường kéo dài trong khoảng từ 1 – 2 tuần.
Nếu mẹ bị ra máu cục khi mang thai tháng đầu kèm theo các triệu chứng như đau bụng nhiều giống như hành kinh, trong người cảm thấy bất an, lo lắng đồng thời mẹ mất đi những dấu hiệu nghén,… thì có thể mẹ đã bị sảy thai. Khi đó, mẹ cần chủ động đến khám bác sĩ ngay để được kiểm tra và xử lý kịp thời nhé.
Mẹ cần làm gì khi bị ra máu cục ở tháng đầu thai kỳ?
1. Theo dõi mức độ và tần suất ra máu
Khi bị ra máu cục ở tháng đầu thai kỳ, các chuyên gia sản phụ khoa khuyên mẹ bầu hãy cố gắng giữ bình tĩnh, không hốt hoảng. Bị ra máu cục khi mang thai tháng đầu có thể là tình trạng lành tính nhưng cũng có thể là dấu hiệu nguy hiểm cho thấy mẹ đã bị sảy thai.
Để biết được nguyên nhân chính xác là gì, trước khi đi khám bác sĩ, mẹ cần theo dõi thật kỹ về mức độ và tần số xuất hiện các cục máu, lượng máu mẹ chảy nhiều hay ít và đặc điểm máu như thế nào, có màu gì, loãng hay đặc,…
Nếu máu chảy ít, nhỏ giọt, chỉ xuất hiện vài lần và không kèm theo bất kỳ triệu chứng nguy hiểm nào khác thì mẹ không cần quá lo lắng, đây thường là dấu hiệu lành tính.
2. Vệ sinh vùng kín sạch sẽ
Nội tiết tố của người phụ nữ thay đổi nhiều khi mang thai nên vùng kín rất dễ bị viêm nhiễm, tỷ lệ mắc bệnh phụ khoa cũng cao hơn, đặc biệt là khi mẹ bị ra máu trong thai kỳ. Vì vậy, việc tiếp theo mẹ cần làm là chú ý vệ sinh vùng kín sạch sẽ bằng các loại dung dịch vệ sinh phụ nữ chuyên dùng hoặc có thể dùng nước muối với độ pH phù hợp để kháng khuẩn cho vùng kín, từ đó hạn chế tình trạng viêm nhiễm.
Lưu ý là khi vệ sinh, mẹ tuyệt đối không thụt rửa quá sâu sẽ gây viêm nhiễm âm đạo, làm ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ bầu cũng như thai nhi nhé.
3. Nghỉ ngơi nhiều hơn
Tháng đầu tiên của thai kỳ là giai đoạn vô cùng nhạy cảm với sự phát triển cũng như tính mạng của thai nhi. Khi thấy dấu hiệu chảy máu, mẹ tốt nhất nên hạn chế các hoạt động thể chất nặng, đặc biệt là hoạt động chân, không tập thể dục trong giai đoạn này, không làm việc quá sức, không ngồi hoặc đứng lâu ở một tư thế và không mang vác vật nặng.
Đồng thời, hãy giữ cho tinh thần luôn được thoải mái, ăn uống tẩm bổ nhiều thực phẩm dinh dưỡng và tốt nhất là không nên quan hệ tình dục trong giai đoạn này mẹ nhé.
4. Đi khám bác sĩ
Trường hợp mẹ quá lo lắng về tình trạng của con, để có kết luận chính xác nhất, hãy tìm gặp bác sĩ chuyên khoa để được kiểm tra cụ thể, siêu âm xác định nguyên nhân và hạn chế tối đa những hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra như: Thai ngoài dạ con, sảy thai, sinh non, tử vong,…
Như vậy, ra máu cục khi mang thai tháng đầu có thể tiềm ẩn nhiều mối nguy hại cho cả mẹ và thai nhi. Vì vậy, mẹ bầu nên chú ý quan sát, lắng nghe cơ thể mình thật kỹ để phát hiện sớm những bất thường. Ngoài việc khám thai và siêu âm định kỳ theo chỉ định của bác sĩ, nếu mẹ lo lắng về bất kỳ những bất thường nào trong cơ thể, hãy đến khám bác sĩ ngay để cảm thấy an tâm hơn.
Để phòng ngừa tình trạng ra máu khi mang thai tháng đầu hoặc trong thai kỳ do các nguyên nhân bất thường, mẹ có thể khám phụ khoa trước và trong khi mang thai để phát hiện những bệnh lý về phụ khoa, từ đó có thể theo dõi và điều trị bệnh tốt hơn.
Xem thêm:
- Nhật ký thai kỳ theo tuần – Bạn và bé ở tuần 1-3
- Sự phát triển của thai nhi và những điều mẹ cần biết trong 3 tuần đầu thai ký
- Dấu hiệu mang thai 3 tuần cho biết chắc chắn bạn đã có thai