Quấn chũn cho bé đến mấy tháng? Việc cai quấn, dùng quấn cho mỗi em bé đến thời điểm nào sẽ phụ thuộc vào chính mốc phát triển của trẻ. Quan trọng nhất là ba mẹ cần đọc được dấu hiệu kịp thời, giúp trẻ cai quấn và tự lập ngủ ngoan như thời còn dùng quấn.
Cùng tìm hiểu nội dung bài viết:
- Quấn chũn cho bé đến mấy tháng thì nên bỏ quấn?
- Quấn bé không đúng cách ảnh hưởng thế nào?
- Gợi ý một số mẹo dành cho mẹ
Quấn chũn cho bé đến mấy tháng thì nên bỏ quấn?
Khái niệm quần chũn cho trẻ sơ sinh đã không còn quá xa lạ với các mẹ bỉm sữa hiện nay. Mặc dù tên gọi khá mới mẻ nhưng đây lại là một phương pháp lâu đời từ thời xa xưa, ông bà ta đã biết cách dùng khăn quấn cho bé.
Tuy nhiên, việc quấn khăn đôi lúc không phù hợp với sự cựa quậy của trẻ do chất vải dày, không có sự co giãn và dễ bung, nếu không trông chừng trẻ có thể phủ lên mặt gây ngợp cho trẻ. Vì thế đã có sự ra đời của những chiếc chũn quấn em bé với chất liệu thun mát, co giãn làm cho trẻ thoải mái và không bí bách, lại có dây kéo hoặc miếng dán không gây nguy hiểm cho trẻ.
Vì vậy chiếc quấn chũn đã được xem là “trợ thủ đắc lực” cho biết bao bà mẹ Việt giúp con không giật mình, ngủ ngon và sâu giấc ngay từ thuở bé lọt lòng.
Nhưng nên dùng quấn chũn cho bé đến mấy tháng thì dừng là hợp lý? Trả lời cho câu hỏi phổ biến này của các mẹ, chị Hachun, chủ nhân của chính quấn chũn và cũng là đồng tác giả cuốn sách Nuôi con không phải là cuộc chiến khuyên rằng:
“Khi bé biết lật sấp lần đầu tiên, đó là mốc để bé có thể không cần dùng quấn nữa”.
Điều này nghĩa là, việc cai quấn, dùng quấn cho mỗi em bé đến thời điểm nào sẽ phụ thuộc vào chính mốc phát triển của trẻ. Quan trọng nhất là ba mẹ cần đọc được dấu hiệu kịp thời, giúp trẻ cai quấn và tự lập ngủ ngoan như thời còn dùng quấn.
Mẹ có thể quan tâm:
Cách đọc vị các dấu hiệu của con
Bước sang tháng thứ 3-4, hầu hết các bé được quấn và luyện ngủ đã có thể tự đưa vào giấc ngủ thông qua các dụng cụ hỗ trợ như ti giả, quấn, … Đồng thời ở giai đoạn này trẻ sơ sinh cũng cử động linh hoạt hơn, bắt đầu biết di chuyển cơ thể để khám phá xung quanh. Kết hợp giữa xem xét con trong lúc ngủ, mẹ có thể dừng dùng quấn cho trẻ khi thấy:
- Bé cựa mình, muốn lẫy nhiều ngay cả trong lúc ngủ
- Con tự rút tay ra khỏi quấn, một số trẻ tự đưa tay lên mút
- Bé giãy giụa nhiều thậm chí khóc lóc không chịu ngủ khi được quấn (dù trước đó chịu cho quấn rất ngoan)
- Nếu thử bỏ quấn, con vẫn ngủ ngon
Một số bé cai quấn từ rất sớm (3-4 tháng khi bắt đầu lẫy) nhưng cũng có một số khác tiếp tục thích dùng quấn cho tới tận 6-7 tháng. Vậy nên mẹ cần dựa vào con là chính để xem xét việc dừng quấn chũn mẹ nhé!
Mẹ có thể quan tâm:
Bí kíp dỗ con hay quấy dành cho ba mẹ, giúp bé vui vẻ hết quấy khóc
Quấn chũn không đúng cách ảnh hưởng đến bé thế nào?
Nhiều mẹ nghĩ rằng phải quấn chặt, quấn thật nhiều khăn vì sợ bé ốm, lạnh, giật mình… Nhưng hành động này có thể gây hại cho con. PGS Nguyễn Tiến Dũng – Nguyên trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, đối với trẻ nhỏ, cha mẹ không được quấn quá chặt, buộc kỹ làm cho bé dễ bị viêm phổi vì mồ hôi không thoát được lại thấm ngược. Vì thế cha mẹ nên để trẻ mặc thoáng mát để tránh trẻ mắc phải bệnh lý này.
Với những trẻ được quấn trong tư thế nằm nghiêng hoặc nằm sấp thì tần suất xuất hiện hội chứng tử vong đột ngột ở trẻ sơ sinh còn nhiều hơn. Đối với trẻ trên 6 tháng tuổi, đặt trẻ ở tư thế nằm sấp làm tăng gấp đôi nguy cơ này.
Theo Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Mỹ Linh – Bác sĩ Nhi sơ sinh – Khoa Nhi – Sơ sinh – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng: Khi quấn tã, phần chân của trẻ thường được giữ thẳng và chính điều này sẽ làm tăng nguy cơ gặp phải các vấn đề về khớp háng. Bên cạnh đó, nếu vật dùng để quấn cho bé bị lỏng và rời rạc thì khi trẻ cử động rất dễ dẫn đến tình trạng nghẹt thở.
Gợi ý một số mẹo dành cho mẹ
Quấn giúp con ngủ ngon và không giật mình. Tuy vậy mẹ cần phải lưu ý về cách dùng quấn đúng cách thì những tác dụng tuyệt vời này mới thực sự phát huy hiệu quả. Dưới đây là một số típ dành cho mẹ sẽ và đang dùng quấn Chũn:
- Chỉ quấn bé với nhiệt độ phòng từ 20-24 độ C, trên 25 độ bé bị nóng sẽ rất nguy hiểm. Khi quấn mẹ thử sờ xem bé có ra mồ hôi không, sờ vào vùng da sau đầu ấm ổn.
- Mặc cho bé một lớp quấn áo mỏng, thấm hút mồ hôi tốt khi quấn là đủ.
- Bé làm tuột quấn mà vẫn ngủ ngon thì cứ để kệ con, không sao cả.
Ngoài ra, mẹ có thể kết hợp giữa quấn với ti giả và tiếng ồn trắng để giúp con sớm tự ngủ được tốt hơn mẹ nhé!
Nguồn thông tin: Cách quấn tã cho bé – Vinmec; bachmai.gov.vn
Xem thêm:
- Cách quấn cho trẻ sơ sinh vừa an toàn lại giúp con không giật mình, ngủ sâu giấc
- Giúp mẹ tìm hiểu về phương pháp EASY để bé sơ sinh ăn ngoan ngủ ngoan, sớm tự lập
- Dạy con thông minh vượt trội từ tuổi chập chững với 30 cách siêu đơn giản của mẹ Nhật
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!