Viêm đường hô hấp ở trẻ em có thể gặp quanh năm nhưng lúc chuyển mùa thì trẻ dễ mắc bệnh hơn cả. Đặc biệt khi không khí đang bị ô nhiễm một cách báo động như hiện nay thì trẻ nhỏ thường dễ bị mắc bệnh. Điều này khiến mẹ càng phải cẩn thận hơn khi phòng bệnh hô hấp cho trẻ khi giao mùa!
Cách bệnh viêm đường hô hấp thường gặp ở trẻ
Đây là một bệnh phổ biến lây truyền qua đường miệng, nước bọt, tiếp xúc qua tay và các đồ dùng để ăn uống. Khi mắc bệnh, bé sẽ có các biểu hiện như đột ngột sốt cao, đau đầu, đau họng, lạnh toàn thân, ho, mệt mỏi, chán ăn và đi ngoài nhẹ.
Bệnh của đường hô hấp trên của trẻ gặp nhiều nhất vào lúc chuyển mùa là viêm amiđan, viêm mũi, họng, viêm xoang… Đây là những bệnh có thể xảy ra cấp tính nhưng có thể là bệnh mãn tính, mỗi khi thời tiết chuyển mùa là bệnh xuất hiện. Viêm đường hô hấp trên nếu không chữa trị dứt điểm, rất có khả năng chuyển thành viêm hô hấp dưới (viêm phế quản, viêm phổi). Đặc biệt là dạng viêm phế quản, phổi cấp tính.
Điều kiện thuận lợi gây bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp trên
- Do thời tiết thay đổi đặc biệt là khi giao mùa. Bệnh thường xảy ra vào thời điểm giao mùa (khoảng tháng 9 đến tháng 3). Thời điểm trời bắt đầu trở lạnh, độ ẩm trong không khí giảm thấp.
- Bệnh hay gặp hơn ở trẻ sinh non, nhẹ cân, suy dinh dưỡng, suy giảm miễn dịch hoặc có bệnh mãn tính kèm theo và không được nuôi dưỡng bằng sữa mẹ.
- Trẻ sống trong môi trường chật hẹp, ô nhiễm, vệ sinh kém, nhiều khói bụi, thuốc lá.
- Môi trường có nguồn lây trẻ hít phải dịch tiết có chứa vi khuẩn hay virus do người bệnh bắn ra khi họ, hắt hơi, sổ mũi. Trẻ cầm nắm các vật dụng, đồ chơi nhiễm bẩn bị bám dịch tiết hay có sự hiện diện của các vi sinh vật gây bệnh.
Cách phòng bệnh cho bé khi thời tiết giao mùa
Ăn chín uống sôi
Nghe thì có vẻ là điều đương nhiên, nhưng nhiều mẹ có thói quen thích và hay nấu đồ ăn tái một chút để giữ được độ ngọt của thực phẩm. Tuy nhiên, với bé thì đồ ăn tái không có lợi chút nào! Không nên cho trẻ ăn uống các loại thức ăn đã nguội, lạnh nhất là uống nước lạnh.
Mặc quần áo phù hợp
Thời tiết giao mùa thường diễn biến thất thường, lúc nóng lúc lạnh ngay trong một ngày. Mẹ cần chuẩn bị quần áo cho bé sao cho thật phù hợp. Nếu bé đi học, mẹ nên chuẩn bị sẵn áo khoác mỏng mặc cho bé vào sáng sớm tới trường, quần áo dài tay nếu trời trở lạnh và quần áo cộc mặc khi trời nóng. Mẹ hãy dặn dò bé mặc quần áo sao cho bé thấy thoải mái nhất. Hoặc nhờ cô giáo nhắc bé thay quần áo cho phù hợp là tốt nhất.
Hãy luôn nhắc con rửa tay thật kỹ trước khi ăn
Đây là một việc làm rất đơn giản nhưng thường thì các bé hay “quên”. Vì thế, mẹ hãy nhớ nhắc các con rửa tay bằng xà bông diệt khuẩn trước khi ăn để rửa sạch bụi bẩn và vi khuẩn nhé!
Đeo khẩu trang khi ra ngoài
Không khí khô mang theo nhiều bụi bẩn và vi khuẩn. Vì thế mẹ nên tập cho bé đeo khẩu trang mỗi khi ra ngoài để cản bụi và vi khuẩn, virút lây qua đường hô hấp. Đặc biệt khi tình trạng bụi mịn, ô nhiễm không khí đang ở mức báo động hiện nay do độ ẩm không khí ở mức cao.
Tăng cường dinh dưỡng, chăm sóc đúng
Cho trẻ ăn uống dinh dưỡng đầy đủ, gồm cả vi chất. Tăng cường ra quả. Sau nữa cần tiêm chủng phòng bệnh cho đầy đủ, có rất nhiều vắc-xin phòng các bệnh liên quan đến đường hô hấp…
Khuyến khích các bé tham gia vào những trò chơi vận động
Khi bé được chơi trò chơi, được vận động thì bé sẽ có cảm giác thoải mái, vui vẻ đồng thời sẽ khỏe mạnh hơn rất nhiều. Chơi cùng con để vừa cho bé cảm nhận được sự gắn kết với bố mẹ, vừa xây dựng cho bé một hệ miễn dịch tốt.
Không tự ý dùng kháng sinh
Trẻ bị viêm đường hô hấp trong đó có viêm họng thì hầu hết các trường hợp viêm họng không dùng kháng sinh vì 90% là do virus. Dùng kháng sinh rất có hại cho em bé. Chỉ khi nào nghi do vi khuẩn thì dùng kháng sinh, nếu nghi không phải do vi khuẩn thì không nên dùng.
Không tự ý dùng khí dung
Các bác sĩ phê phán việc phụ huynh tự đặt khí dung cho con tại nhà. Bởi đường ống khí dung nếu không được tiệt trùng theo tiêu chuẩn quốc tế (như tại bệnh viện) thì sẽ là 1 ổ nhiễm khuẩn. Trẻ có nguy cơ ốm nhiều hơn. Chưa kể có thể có những bất thường xảy ra như ngay những giây đầu tiên đã có thể gây phản ứng bất thường làm bé ngừng thở.
Theo theAsianparent
Xem thêm
- Những điều cần biết về bệnh viêm phổi ở trẻ em
- Cha mẹ cẩn thận! Sử dụng thuốc ho không đúng cách có thể khiến trẻ bị suy hô hấp
- Hội chứng rối loạn thần kinh Tourette ở trẻ em gây co giật có nguy hiểm không?
- Những câu hỏi thường gặp về bệnh tai – mũi – họng ở trẻ