Bé 8 tháng tuổi đã có thể tự ngồi dậy, bé bắt đầu bò đến những nơi mà mình muốn đến, cũng có thể ngồi lết để di chuyển. Bé biết bắt chước ngữ điệu của người lớn, biết kêu to và sẽ lên tiếng khi cảm thấy vừa lòng.
Nội dung bài viết:
- Đặc trưng phát triển bé 8 tháng tuổi
- Vận động thô
- Vận động tinh
- Khả năng thích ứng của trẻ 8 tháng tuổi
- Ngôn ngữ
- Hành vi giao tiếp
- Sự phát triển của trẻ 8 tháng tuổi về trí não – giác quan
- Sự phát triển cảm xúc
- Giấc ngủ
- Khả năng ăn của bé
Đặc trưng phát triển bé 8 tháng tuổi
Từ 7 – 8 tháng tuổi | |
Chiều dài | Bé trai:66,5 – 76,5cm; trung bình: 71,5cm; Bé gái: 65,4 – 74,6cm; trung bình:70cm. |
Cân nặng | Bé trai:7,1 – 11kg; trung bình: 9,1kg; Bé gái:6,7 – 10,4kg, trung bình: 8,5kg. |
Vòng đầu | Bé trai:42,5 -47,7cm;trung bình: 45,1cm; Bé gái:41,5 – 46,7cm; trung bình:44,1cm. |
Vòng ngực | Bé trai: 41 – 49,4cm; trung bình: 45,2cm; bé gái: 40,1 – 48,1cm;trung bình: 44,1cm |
Thóp | sau 6 tháng, thóp trước do xương hoá nên tiếp tục thu nhỏ lại, thông thường đến 12 – 18 tháng mới khép lại. |
Vận động thô
– Trẻ 8 tháng tuổi có thể tự ngồi dậy. Tuy đôi lúc đầu vẫn gập về trước nhưng hầu như bé đã có thể dùng hai tay để chống đỡ thân người.
– Khi nằm ở nơi bằng phẳng, bé sẽ vận động liên tục, còn biết cầm chân của mình hoặc bất cứ vật gì ở bên cạnh để cho vào miệng. Nhưng bé lại mau chóng không chịu ở tư thế nằm ngửa và tự động lật người.
– Khi nằm ngửa, bé biết cong lưng lên để mình có thể nhìn được xung quanh.
– Ở trong phòng, bé bắt đầu bò đến những nơi mà mình muốn đến, cũng có thể ngồi lết để di chuyển.
– Cũng có thể vịn vào vật để đứng lên; nhưng sau khi đứng lên, bé cần có sự giúp đỡ của người lớn mới có thể ngồi xuống được.
– Khi bế tay bé để bé đứng lên, một chân của bé sẽ đặt trước chân kia.
– Biết tự vươn tay để lấy đồ chơi, cũng bắt đầu học cách nhặt đồ chơi.
Mẹ đã biết chưa?
Vận động tinh
Trẻ 8 tháng tuổi biết làm gì đối với vận động tinh?
– Có thể dùng ngón trái, ngón trỏ, ngón giữa để cầm khối xếp hình; biết phối hợp ngón cái và ngón trỏ để cầm đồ vật; biết nhặt những vật nhỏ từ dưới đất lên.
– Bé có thể lắc lục lạc ít nhất là 3 phút.
– Khi bé lấy đồ chơi, tay bé cố gắng hướng đến đồ chơi và tập trung toàn bộ tinh thần.
Khả năng thích ứng của trẻ 8 tháng tuổi
– Khi người lớn lắc lục lạc rồi đặt bên cạnh bé, bé sẽ cầm lấy lục lạc và bắt chước lắc theo.
– Khi cầm búp bê để chơi đùa với bé, bé sẽ đuổi theo búp bê trong tay người lớn.
– Và khi đặt khối xếp hình trước mặt bé, hai tay bé sẽ cầm hai khối hơn 1 phút và còn biết đập chúng vào nhau.
– Cho một quả bóng nhỏ vào trong cái lọ miệng rộng, rồi đưa cho bé, bé biết đổ quả bóng từ trong lọ ra; khi thấy quả bóng lăn ra, bé sẽ đưa tay cầm lấy.
Ngôn ngữ
– Khi chơi đùa với người khác hoặc ở một mình bé sẽ tự nhiên phát ra âm thanh.
– Bé biết bắt chước ngữ điệu của người lớn, biết kêu to và sẽ lên tiếng khi cảm thấy vừa lòng.
– Bắt đầu bắt chước động tác ở miệng và cằm của người lớn như ho….
– Khi khi thấy những âm thanh mang ý nghĩa phủ định như “không”, bé sẽ tạm thời ngừng lại nhưng sẽ mau chóng tiếp tục động tác đang dang dở đó.
– Khi nghe những âm thanh quen thuộc như tên mình, tiếng chuông điện thoại… bé sẽ có phản ứng như quay đầu hoặc xoay người lại.
– Bé biết dùng ngôn ngữ thân thể để giao lưu với người khác, như thấy bố mẹ, bé sẽ đưa tay đòi bế, lắc đầu khi không đồng ý, nếu có người lấy đồ chơi bé sẽ khóc.
Hành vi giao tiếp
– Bé sẽ tỏ ra hiếu kì và phấn khích khi nhìn thấy sự vật mới. Khi nhìn thấy mình trong gương, bé sẽ ra phía sau gương để tìm kiếm.
– Bắt đầu quan sát hành vi của người lớn, khi người lớn đứng trước mặt bé và đưa hai tay để gọi bé, bé sẽ cười và đưa tay ra để đòi bế.
– Biết bắt chước hành vi của người lớn, khi người lớn mi gió và yêu cầu bé làm lại, bé sẽ làm theo. Khi chơi trò vỗ tay với bé, bé sẽ tích cực phối hợp và cố bắt chước.
– Có thể nghe hiểu lời nói và tình cảm của người lớn, dần dần biết cách phân biệt tâm trạng của người lớn, như khi được khen, bé sẽ cười vui sướng, khi bị mắng, bé sẽ xịu mặt xuống, khi thấy mẹ vui vẻ thì bé sẽ cười, khi nghe bố trách mắng thì bé sẽ cười…
– Bắt đầu có cảm giác sợ, sợ xa bố mẹ
Sự phát triển của trẻ 8 tháng tuổi về trí não – giác quan
Thị giác gần hoàn thiện như lúc trưởng thành cho phép trẻ nhận ra người và vật ở xung quanh phòng. Trẻ cũng bắt đầu nhận biết được tên của mình và quay về phía bạn khi được gọi tên.
Bên cạnh đó, trẻ tiếp tục tìm hiểu về sự tồn tại của vật thể, hiểu được rằng người và vật vẫn hiện hữu dù không nằm trong tầm mắt của mình. Khi đánh rơi một vật bất kì, trẻ biết rằng nó vẫn còn ở đó và khóc đòi hoặc cố gắng với tới.
Khi chơi trò “ú òa”, trẻ biết rằng khuôn mặt bạn vẫn còn ở phía sau các ngón tay và háo hức được nhìn thấy bạn một lần nữa.
Sự háo hức này đồng nghĩa rằng trẻ đã biết bạn vẫn đang ở gần khi bạn ra khỏi tầm nhìn của trẻ hoặc sang phòng bên cạnh. Ngoài ra, khi não bộ phát triển, trẻ dần nhận ra rằng mình có thể làm cho một số đồ vật hoạt động (“Nếu con nhấn vào nút này, đồ chơi của con sẽ sáng lên!”)
Mẹ đã biết chưa?
Sự phát triển cảm xúc
Trẻ biết rất rõ những người thân thuộc xung quanh và tỏ ra vui thích khi gặp họ. Điều này có nghĩa rằng trẻ cũng có thể phân biệt được những người lạ mặt và tỏ ra cảnh giác hoặc sợ hãi khi tiếp xúc với họ, ví dụ như hàng xóm hoặc bảo mẫu mới. Đây là biểu hiện của hành vi sợ người lạ. Bạn có thể dỗ dành bằng cách ôm lấy trẻ và cho trẻ từ từ làm quen với những người mới gặp.
Giấc ngủ
Bé có nhu cầu ngủ 2-3 cữ/ngày, mỗi giấc khoảng 1-3 tiếng. Hoạt động của bé đang dần “vào khuôn” hơn nên bạn sẽ dễ sắp xếp công việc xung quanh chuyện cho bé bú và ngủ. Mỗi khi buồn ngủ, bé sẽ rất cáu gắt và quấy. Bạn sẽ không làm được gì cả cho tới khi dỗ bé ngủ xong. Cũng đừng quá lo khi thấy những thay đổi này từ bé, mọi việc sẽ dần ổn định hơn.
Khả năng ăn của bé
Giai đoạn này bé sẽ ăn 2-3 bữa thức ăn đặc mỗi ngày. Sữa vẫn là thức ăn quan trọng giúp cho bé tăng trưởng. Nhưng thức ăn đặc sẽ giúp bổ sung thêm dinh dưỡng và năng lượng. Nếu bé bú mẹ, bạn sẽ thấy bé không đòi bú nhiều như trước. Vì lúc này, thức ăn đặc giúp bé no lâu hơn. Nhưng dù là bú bình hay bú mẹ, bạn vẫn nên duy trì khoảng 4 cử bú/ngày cho bé 8 tháng tuổi nhé.
Bác sĩ nội trú Hồ Thị Hồng Tho – Bác sĩ Nhi sơ sinh – Khoa Nhi – Sơ sinh – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc cho biết trẻ 8 tháng tuổi cần 5mg kẽm nguyên tố/ngày để ăn ngon miệng, đạt chiều cao và cân nặng đúng chuẩn. Kẽm là vi chất quan trọng, tác động đến hầu hết các quá trình sinh học diễn ra trong cơ thể. Nếu thiếu kẽm sẽ dẫn đến một số bệnh lý như rối loạn thần kinh, dễ sinh cáu gắt.
Bên cạnh đó, bé cũng cần được bổ sung các vitamin và khoáng chất quan trọng khác như lysine, crom, vitamin nhóm B,…Con được bổ sung đủ các vi chất này sẽ ăn ngon, có hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng.
Qua đây hi vọng mẹ đã biết bé 8 tháng biết làm gì và sự phát triển của trẻ 8 tháng tuổi để có thể chăm sóc con tốt hơn rồi nhé.
Nguồn – TH – ST, Lịch trình ăn, ngủ tham khảo cho trẻ 7-8 tháng tuổi – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec
Xem thêm
- Cẩm nang phát triển bé 9 tháng tuổi
- Cẩm nang phát triển bé 10 tháng tuổi
- Cẩm nang phát triển bé 11 tháng tuổi