Ốm nghén khi mang thai là do hormone có sự thay đổi và các giác quan trở nên nhạy cảm hơn. Tuy nhiên, đây là triệu chứng bình thường trong thai kỳ nên mẹ đừng quá lo lắng. Trường hợp ốm nghén có biểu hiện nặng hơn như: nôn ra máu, mất ngủ, không thể ăn hay uống gì, căng thẳng kéo dài,… thì mẹ nên đến khám bác sĩ ngay.
Bạn nên đọc bài viết này để biết:
- Lý do khiến mẹ bị ốm nghén khi mang thai?
- Ốm nghén khi mang thai là cơ chế có lợi cho em bé
- Ốm nghén khi mang thai đôi khi có thể gây nguy hiểm
- Các triệu chứng ốm nghén nặng
- Làm thế nào để vượt qua cơn ốm nghén?
- Ốm nghén nặng nên ăn uống gì cho đỡ?
Lý do khiến mẹ bị ốm nghén khi mang thai?
Số phụ nữ bị ốm nghén khi mang thai chiếm tới 80% của các mẹ bầu. Theo các nghiên cứu, nguyên nhân của hiện tượng ốm nghén khi ở mẹ bầu phần lớn là do:
Sự thay đổi của hoóc môn
Bạn có thể chưa biết:
Hoóc môn nữ giới Estrogen
Vào thời kỳ có bầu, lượng hoóc môn này sẽ tăng lên rất nhanh. Do đó khiến mẹ bầu cảm thấy buồn nôn. Các triệu chứng nôn ọe này có biểu hiện khá giống với khi mẹ dùng một số lại thuốc tránh thai.
Hoóc môn Human chorionic gonadotropin (HCG)
Quá trình hình thành nhau thai rất cần cơ thể sản xuất hoóc môn này với một lượng lớn. Điều này sẽ khiến mẹ bầu bị ốm nghén nhiều hơn, đặc biệt là với các mẹ mang thai đôi.
Hoóc môn Progesterone
Sự thay đổi của loại hoóc môn này có ảnh hưởng tới hoạt động của dạ dày, khiến ruột không co bóp nhiều. Vì lý do đó mà thức ăn bị dồn ép lại trong dạ dày, khiến mẹ bầu có cảm giác buồn nôn.
Các giác quan nhạy cảm hơn
Việc nhạy cảm hơn trước khi mang thai, đặc biệt là khứu giác và vị giác. Chính vì thế mà mẹ bầu trở nên rất mẫn cảm với các mùi vị xung quanh mình.
Ốm nghén khi mang thai là cơ chế có lợi cho em bé
Dù ốm nghén là một trong những biểu hiện của quá trình bầu bí khiến các mẹ không thấy thích thú gì nhưng tự nhiên đã tạo ra cơ chế này để đem lại lợi ích cho em bé trong bụng mẹ.
Một số công trình nghiên cứu gần đây đã cho thấy, khi mẹ bầu ốm nghén, tỉ lệ sảy thai trong thời gian đầu sẽ ít hơn so với các mẹ không hề có hiện tượng này. Các nhà khoa học tin rằng, ốm nghén chính là một cơ chế của cơ thể nhằm bảo vệ thai nhi trước rủi ro. Nhờ ốm nghén, người mẹ sẽ không thể ăn các loại thức phẩm nguy hiểm, độc hại cho quá trình đang lớn lên của phôi thai.
Hiện tượng ốm nghén thường bắt đầu vào tuần thứ 6 và kết thúc vào tuần thứ 12. Đây cũng là khoảng thời gian não bộ của thai nhi đang hình thành. Do đó, có nhiều chuyên gia cho biết, hiện tượng ốm nghén có thể liên quan tới chỉ số IQ của thai nhi.
Ốm nghén khi mang thai đôi khi có thể gây nguy hiểm
Trên thực tế, một số mẹ phải đối mặt với hiện tượng ốm nghén nghiêm trọng hoặc kéo dài quá mức bình thường. Những điều này hoàn toàn có thể gây ra các nguy hiểm đối với thai nhi.
Mẹ bầu nôn ọc quá nhiều khiến mẹ hầu như không thể ăn được gì. Từ đó cơ thể sẽ bị thiếu muối khoáng, gây ra tình trạng kiệt sức, mệt mỏi, chán ăn và mất ngủ. Do đó, tác động xấu tới tình trạng sức khỏe của người mẹ và thai nhi.
Các triệu chứng ốm nghén nặng
- Cân nặng giảm xuống 5% của tổng số trọng lượng cơ thể.
- Nôn ra máu.
- Người quá yếu ớt
- Không thể ăn hay uống bất cứ thứ gì (thậm chí là nước lọc).
- Mất ngủ là một trong những biểu hiện ốm nghén nặng ở mẹ bầu
- Căng thẳng kéo dài
- Trầm cảm
- Thấy ảo giác
- Không thể làm việc một cách bình thường.
- Hệ bài tiết hoạt động bất thường (có thể không tiểu tiện được).
Thuốc điều trị ốm nghén liệu có nguy hiểm cho mẹ bầu?
Với các mẹ bị ốm nghén nhiều và có xu hướng sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ và con, lúc này mẹ sẽ được bác sĩ kê đơn thuốc để làm giảm tình trạng này.
Thông thường bác sĩ sẽ kê loại thuốc có thành phần của dimenhydrinate và vitamin B6. Theo số liệu nghiên cứu của Hoa kỳ, loại thuốc này an toàn, không gây ra dị tật cho thai nhi.
Bác sĩ sẽ kê thuốc điều trị ốm nghén cho mẹ từ 1-2 viên trước khi đi ngủ. Thuốc thường có tác dùng kéo dài hết đêm cho đến sáng hôm sau. Tuy nhiên tác dụng phụ của nó là mẹ sẽ cảm thấy buồn ngủ. Vì thế, sau khi uống thuốc, mẹ bầu tuyệt đối không được lái xe hoặc sử dụng các loại máy móc để tránh gây ra nguy hiểm. Ngoài ra mẹ bầu cần lưu ý không nên tự tiện mua thuốc nếu không có đơn hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Bạn có thể chưa biết:
Hội chứng ốm nghén nặng khi mang thai – Dấu hiệu, triệu chứng và cách điều trị
Làm thế nào để vượt qua cơn ốm nghén?
Mẹ bầu có thể áp dụng các cách sau để hạn chế các triệu chứng không mong muốn của tình trạng ốm nghén:
- Nguyên tắc cơ bản là mẹ bầu không bao giờ được để bụng rỗng không. Ngay khi thức dậy, hãy ăn một lát bánh mì hoặc một ít bánh quy.
- Cần chia bữa ăn chính thành các bữa nhỏ. Một ngày có thể ăn từ 6-7 bữa với một lượng ít. Đây là một trong những cách giảm nghén cho bà bầu mà mẹ nên lưu ý.
- Không ăn đồ ăn quá cay và các món muối chua, lên men.
- Sử dụng các loại thực phẩm như gừng, chanh, quất có thể giúp giảm thiểu mùi vị nhạy cảm.
- Bấm huyệt có thể giúp giảm tình trạng ốm nghén rất hiệu quả.
- Không uống nước ngay sau ăn mà nên đợi từ 20-30 phút hãy uống.
- Nếu qua mệt mẹ bầu nên uống nước điện giải.
- Nếu uống nước lọc mà thấy buồn nôn, mẹ bầu có thể đổi sang các loại nước hoa quả và thảo dược như nước gừng, chanh, cam, …
Ốm nghén nặng nên ăn uống gì cho đỡ?
Nước mía
Thai phụ bị nghén nặng cần chuẩn bị: 300 gram mía tím và 5 gram gừng tươi. Cách làm như sau:
- Bước 1: Nướng mía tím cho nóng, bỏ vỏ rồi ép lấy nước
- Bước 2: Giã nhỏ gừng cho vào nước mía, khuấy đều. Sau đó, chắt hết nước gừng, bỏ bã, chia 3 lần uống trong ngày. Uống trước khi ăn 30 phút, dùng nước mía liên tục từ 3 đến 5 ngày.
Nước ô mai
Mẹ cần chuẩn bị các nguyên liệu như: 20 gram ô mai, 5 gram gừng tươi, 30 gram đường đỏ. Sau đó, cho tất cả nguyên liệu vào nồi, thêm 400 ml nước đã đun sôi, chắt lấy nước. Bạn chia nước làm 3 lần uống trong ngày, uống trước khi ăn 20 phút. Mẹ nên dùng liền từ 3-5 ngày để giảm ốm nghén nặng.
Mẹ bầu yên tâm rằng ốm nghén khi mang thai chỉ là triệu chứng tạm thời. Phần lớn các mẹ sẽ khỏi hoàn toàn khi bước vào thai kỳ thứ 2. Do đó, mẹ bầu không cần quá lo lắng và căng thẳng. Mẹ chỉ cần chú ý đến các quy tắc cơ bản về vấn đề ốm nghén thì mẹ sẽ cảm thấy dễ chịu hơn trong thai kỳ.
Theo The Asianparents Thái Lan
Xem thêm:
- 5 dấu hiệu có thai tháng đầu tiên dễ nhận thấy nhất dành cho chị em
- Ra dịch màu nâu khi mang thai 8 tuần có sao không?
- Có thai 1 tháng bụng đã to chưa và dấu hiệu có thai sớm mẹ cần biết