Thiếu chất đạm sẽ dễ làm trẻ bị suy dinh dưỡng, nhưng tiêu thụ quá nhiều cũng gây ảnh hưởng tiêu cực cho sức khỏe. Vậy nhu cầu chất đạm của bé theo độ tuổi là như thế nào?
Chất đạm là gì?
Chất đạm hay còn gọi là protein là chất căn bản của sự sống trong mọi tế bào. Đạm là thành phần của các mô cấu tạo và bảo vệ cơ thể cũng như tế bào mềm ở các cơ quan.
Ở mỗi giai đoạn, độ tuổi khác nhau, nhu cầu chất đạm là khác nhau, nên mẹ cũng cần thiết lập một kế hoạch bổ sung đạm cho bé khác nhau.
Vai trò của đạm với cơ thể trẻ
Bổ sung đạm đóng vai trò rất quan trọng đối với trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ trong giai đoạn ăn dặm. Chất đạm là thành phần quan trọng để duy trì cân năng, phát triển não bộ và thể chất ở trẻ.
Nếu cơ thể bị thiếu chất đạm, hệ miễn dịch của trẻ sẽ yếu kém dẫn đến hậu quả là trẻ thiếu sức đề kháng, và thường hay bị bệnh. Thiếu chất đạm cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển toàn diện của não bộ trẻ.
Ngược lại, nếu mẹ bổ sung đạm cho trẻ quá nhiều, trẻ sẽ có vấn đề về tiêu hóa, trong quá trình tiêu hóa, chất đạm tạo ra nhiều sản phẩm trung gian gây độc. Nó làm tăng gánh nặng cho gan và thận, khiến cơ thể trẻ mệt mỏi. Thức ăn trẻ hấp thu sẽ khó tiêu hóa, dẫn táo bón, chán ăn…
Nhu cầu chất đạm của bé theo độ tuổi
– Ăn dặm tuần thứ 2 -12 tháng tuổi cần 1.1 gr/kg/ngày (khoảng 11-12 gr/ngày).
– Từ 1-3 tuổi cần 15-18 gr/ngày
– Bé từ 4-6 tuổi cần 20-23 gr/ngày
– Từ 7-10 tuổi cần 28-32 gr/ngày
– Bé từ 11-14 tuổi cần 42-45 gr/ngày
Mẹ cần lưu ý, mẹ cần phân biệt lượng thịt với lượng chất đạm. Chẳng hạn như 30gr thịt lợn không đồng nghĩa với 30gr chất đạm, mà trong 30gr thịt lợn chỉ chứa khoảng 6.4gr chất đạm.
Bảng quy đổi lượng thịt ra lượng chất chất đạm, để bổ sung đạm cho bé chính xác trong ngày, theo từng độ tuổi:
- Trong 20-30gr thịt cá tươi có chứa 4-5gr chất đạm.
- Và trong 20-30gr thịt lợn tươi có chứa 4-6gr chất đạm
- Trong 20-30gr thịt bò tươi có chứa 4-6gr chất đạm
- 20-30gr thịt gà tươi có chứa 5-7gr chất đạm
- Trong 20-30gr thịt thỏ tươi có chứa 4-6gr chất đạm
Mẹ đã biết được nhu cầu chất đạm của bé theo độ tuổi. Lượng chất đạm của bé nên được chia đều cho mỗi bữa ăn trong ngày, và nên ăn đa dạng các nguồn chất đạm để thay đổi khẩu vị và cung cấp lượng đủ các vitamin và khoáng khác.
Nguồn bổ sung đạm cho bé
Nguồn đạm tự nhiên, mẹ có thể bổ sung cho bé, được chia làm 2 loại chính :
+ Đạm thực vật: có trong các loại đỗ, đậu nành, bơ thực vật, các loại hạt (hạnh nhân, hạt óc chó, hạt điều…), ngũ cốc nguyên hạt…
+ Đạm động vật: có trong các loại thịt, cá, trứng, sữa. Đây là loại chất đạm ưu việt hơn đạm thực vật vì đạm động vật có nhiều loại axit amin thiết yếu, cơ thể trẻ sẽ dễ hấp thu hơn đạm thực vật.
Những thắc mắc thường gặp khi bổ sung đạm cho trẻ
Nếu bé không chịu ăn thịt cá, mẹ có thể bổ sung đạm cho bé như thế nào?
Đạm tồn tại trong rất nhiều thực phẩm khác như các loại đậu tương, đậu xanh, đậu đen, hạt dẻ, hạt điều và các chế phẩm đa dạng từ sữa. Mẹ hãy lên thực đơn bữa ăn của bé bằng các loại thực phẩm thay thế cho thịt.
Những loại cá có hàm lượng thủy ngân cao như cá thu, cá kiếm… có cần loại khỏi thực đơn cho bé không?
Cá là món ăn bổ dưỡng với trẻ nhỏ nhất là ở thời kỳ ăn dặm. Tuy nhiên, mẹ không nên cho bé ăn những loại cá như cá thu (loại lớn), cá mập, cá kiếm… có hàm lượng thủy ngân khá cao. Chất này sẽ gây tổn thương đến não bộ và hệ thần kinh còn non yếu của bé. Các nhà khoa học đều khuyến cáo không nên cho bé ăn những loại cá này.
Xem thêm:
- Cho bé ăn hải sản đúng cách để bé đủ chất đạm và canxi
- Thực phẩm dinh dưỡng cho bé 6 tháng tuổi
- Hướng dẫn dinh dưỡng về 4 nhóm thực phẩm cho trẻ từ 1-3 tuổi