Băng huyết sau sinh là tai biến sản khoa nguy hiểm đối với sản phụ, thậm chí đe dọa đến tính mạng. Có nhiều nguyên nhân gây ra băng huyết sau sinh, trong đó 1 vài nguyên nhân mẹ hoàn toàn có thể phòng tránh được.
Băng huyết sau sinh nguy hiểm thế nào đến sức khỏe sản phụ?
Băng huyết sau sinh là tình trạng âm đạo chảy máu quá nhiều sau khi chuyển dạ. Sau khi sinh, tử cung của mẹ dần co lại. Các cơn co tử cung từ từ tống nhau ra ngoài cùng với máu từ nơi nhau bám xảy ra. Trường hợp tử cung không co hồi được hoặc nhau không tróc và sổ ra ngoài thì sẽ xảy ra băng huyết. Băng huyết sau sinh được phân ra làm 2 dạng: Nguyên phát (sản phụ mất nhiều hơn 500ml máu trong 24 giờ đầu tiên sau sinh) và thứ phát (chảy máu nhiều và bất thường trong khoảng 24 giờ – 12 tuần sau sinh).
Biến chứng do băng huyết sau sinh gây ra có thể ở nhiều mức độ nặng nhẹ khác nhau, tùy thuộc vào mức độ mất máu và kết quả cầm máu, hồi sức ở sản phụ. 1 số biến chứng nguy hiểm của tình trạng này là:
- Giảm thể tích tuần hoàn gây ra suy thận, suy đa cơ quan
- Nhiễm trùng hậu sản
- Thiếu máu
- Viêm tắc tĩnh mạch
- Trường hợp nặng phải cắt bỏ tử cung thì chị em không thể có thêm con
- Tử vong là biến chứng nghiêm trọng nhất.
Đâu là nguyên nhân dẫn đến băng huyết sau sinh?
Rối loạn đông máu
Đông máu là cơ chế vô cùng quan trọng trong quá trình cầm máu. Khi cơ thể có vết thương, thành mạch bị tổn thương làm máu chảy ra, quá trình đông máu sẽ diễn ra liên tục và ngay lập tức tạo thành nhiều cục máu đông bịt kín vết thương, ngăn máu tiếp tục chảy. Khi bị rối loạn đông máu, cơ thể thiếu 1 hoặc 1 số yếu tố làm máu chậm đông, dễ gây chảy máu ồ ạt, khó cầm cự dẫn đến mất máu nhiều.
Sản phụ bị rối loạn đông máu rất dễ bị băng huyết sau sinh, cơ thể có thể mất đi 1 lượng máu khổng lồ dẫn đến thiếu máu nặng, nguy cơ tử vong là rất cao.
Các bệnh lý đông máu di truyền hoặc mắc phải thường gặp ở phụ nữ sau sinh là Hemophilie, xuất huyết giảm tiểu cầu, xơ gan… Phụ nữ đang điều trị thuốc có tác dụng phụ kháng đông cũng rất dễ bị băng huyết sau sinh.
Hiện tượng đờ tử cung ở mẹ sau sinh
Đờ tử cung là nguyên nhân thường gặp nhất gây ra tình trạng băng huyết ở sản phụ. Ở các mẹ sinh thường, cơ tử cung co lại để cầm máu sau quá trình sinh nở. Nếu chất lượng cơ tử cung kém đi, hoạt động co siết không còn hiệu quả như trước thì máu không được cầm kịp thời gây ra băng huyết.
Hoạt động của cơ tử cung kém đi do nhiều yếu tố:
- Cơ tử cung kiệt sức sau chuyển dạ nhanh, chuyển dạ kéo dài, tăng co lâu bằng oxytocin
- Thai quá to làm tử cung giãn quá cỡ, nhão cơ và không co lại được như bình thường
- Mẹ mang đa thai, bị đa ối cơ tử cung phải hoạt động hết công suất để nâng đỡ trọng lượng thai lớn hơn bình thường nên bị giãn quá mức
- Nhiễm trùng ối do vỡ ối sớm
- Sản phụ có tử cung dị dạng, bị u xơ tử cung. Khối u xơ tử cung gây rối loạn co bóp của cơ trơn tử cung, làm niêm mạc tử cung bất thường dẫn đến khả năng sót nhau, băng huyết hoặc tử cung không co chặt thành khối sau sổ nhau…
Bất thường ở bánh nhau là nguyên nhân băng huyết sau sinh phổ biến
- Nhau bám thấp, nhau cài răng lược, nhau tiền đạo, diện tích bánh nhau lớn, phù nhau thai…
- Nhau dính vào lớp nội mạc 1 cách bất thường do viêm, teo bẩm sinh hoặc do nạo thai, u xơ dưới niêm mạc, nguyên nhân nội tiết… gây cản trở tróc nhau sinh lý
- Sót nhau trong quá trình sinh nở do dây nhau ngắn, lấy nhau không đúng quy cách.
Sang chấn cơ quan sinh dục
- Trong trường hợp sinh thường, sản phụ có thể bị vỡ tử cung, rách cổ tử cung do thủ thuật bóc nhau. Nếu gặp phải các ca sinh khó, sinh thủ thuật thì tình trạng này còn thường gặp hơn.
- Vết cắt tầng sinh môn quá rộng hoặc sâu
- Lộn tử cung do kéo dây rốn quá mạnh trong thời kỳ sổ nhau (hiếm gặp).
Sản phụ có vấn đề về sức khỏe
Suy nhược, suy dinh dưỡng, thiếu máu, huyết áp cao trong thai kỳ… cũng là nguyên nhân băng huyết sau sinh thường gặp. Nguyên nhân này hoàn toàn có thể khắc phục được nếu chị em ăn uống và bổ sung đầy đủ dưỡng chất thiết yếu, nghỉ ngơi và vận động hợp lý cũng như tránh xa các yếu tố gây hại như rượu bia, thuốc lá, chất kích thích…
Ngoài ra băng huyết sau sinh còn có thể bắt nguồn từ các bệnh lý phụ khoa nguy hiểm liên quan đến cổ tử cung, buồng trứng, ống dẫn trứng, viêm nhiễm nặng hay thậm chí là u lạc nội mạc cổ tử cung, ung thư cổ tử cung, buồng trứng, viêm lộ tuyến, viêm cổ tử cung. Nguy cơ băng huyết sau sinh cũng tăng trong các trường hợp sau:
- Phụ nữ có tiền sử sảy thai, nạo hút thai nhiều lần và không được chăm sóc kỹ càng hậu phá thai/sảy thai
- Sản phụ sinh con nhiều lần, sinh con khi đã lớn tuổi
- Thai phụ bị béo phì (chỉ số khối cơ thể BMI > 35)
- Tiền sản giật, sản giật
- Thai phụ có tiền sử mổ trên cơ tử cung, từng bị băng huyết sau sinh hoặc bị ra máu trong thai kỳ
- Thai chết lưu…
Phòng tránh biến chứng băng huyết ở phụ nữ sau sinh
Băng huyết có thể xảy ra ở bất cứ chị em nào sau sinh tuy nhiên tình trạng này không phải là không thể ngăn ngừa được. Để phòng tránh băng huyết, chị em nên:
- Khám tiền sản để loại bỏ các nguy cơ sức khỏe trước khi quá trình mang thai bắt đầu
- Khám thai đầy đủ để kiểm tra tình trạng sức khỏe định kỳ
- Bổ sung sắt theo chỉ định của chuyên gia y tế trong suốt thai kỳ để giảm nguy cơ thiếu máu
- Thiết lập chế độ dinh dưỡng lành mạnh, khoa học, kết hợp với nghỉ ngơi hợp lý
- Tránh xa thực phẩm gây béo phì, cao huyết áp như đồ ăn chiên rán nhiều dầu mỡ, thuốc lá, rượu bia, caffein, đồ ăn mặn…
- Sản phụ có vấn đề về đông máu nên lưu sẵn địa chỉ, số điện thoại của cơ sở y tế gần nhất đề phòng trường hợp khẩn cấp
- Khi có bất kỳ dấu hiệu nào của việc băng huyết, hãy đến ngay cơ sở y tế để được hỗ trợ kịp thời.
Xem thêm
- Nguy cơ sinh non và băng huyết nguy hiểm nếu mẹ bầu bị dư ối
- Cô gái suýt mất mạng vì băng huyết sau khi phá thai bằng thuốc tại nhà
- Sự thật về bước đẻ cuối cùng giúp mẹ phòng tránh biến chứng băng huyết
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!