Ngâm chân cho bà bầu được xem là hoạt động giúp cải thiện tình trạng đau nhức xương, sưng phù, mẹ bầu sẽ cảm thấy khoan khoái, dễ chịu, giấc ngủ cũng tốt hơn và giảm stress trong thai kỳ. Đây là những nội dung trong bài viết này:
- Lợi ích sức khoẻ của việc ngâm chân cho bà bầu
- Cách pha nước ngâm chân bà bầu
- Bà bầu ngâm chân nước muối có tốt không?
- Lưu ý khi ngâm chân cho bà bầu
Lợi ích sức khoẻ của việc ngâm chân cho bà bầu
Giảm thiểu các bệnh đau nhức, sưng phù
Theo Bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Thị Hiên – Bác sĩ Sản phụ khoa – Khoa Sản phụ khoa – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang, phù chân trong thai kỳ là hiện tượng sinh lý bình thường và có thể xuất hiện ở bất cứ thời điểm nào. Tuy nhiên phần lớn mẹ bầu ở những tháng cuối sẽ bị phù chân do trọng lượng thai tăng cao, tạo sức ép lên tĩnh mạch chân làm máu khó lưu thông, gây phù nề.
Biểu hiện phù chân sẽ rõ ràng từ phần cổ chân xuống phần bàn chân. Bàn chân bị sưng lên, phù nề, tuy không gây đau đớn nhưng bất tiện và khiến mẹ bầu không thoải mái trong hoạt động hàng ngày.
Để cải thiện tình trạng này, ngâm chân cho bà bầu sẽ là giải pháp hữu hiệu. Đổ nước ấm vào bồn ngâm chân, sau đó thêm một chút gừng và muối vào. Ngâm chân trong 15 – 20 sẽ giúp cải thiện tình trạng đau nhức xương, sưng phù.
Lưu thông khí huyết
Do khi bà bầu ngâm chân, khí huyết được lưu thông, dưới tác động của nhiệt, mạch máu tại bàn chân giãn nở và tăng cường lưu thông máu. Do vậy mà mẹ bầu sẽ cảm thấy khoan khoái, dễ chịu, giấc ngủ cũng tốt hơn.
Ngủ ngon giấc hơn
Mẹ bầu nếu thường xuyên ngâm chân vào buổi tối trước khi đi ngủ thì sẽ dễ ngủ hơn, giấc ngủ sẽ sâu hơn.
Cải thiện tình trạng căng thẳng, mệt mỏi
Đối với những mẹ bầu mà cả ngày phải đi lại, làm việc nhiều. Công dụng tuyệt vời của việc ngâm chân đối với mẹ bầu rất có lợi. Nó sẽ giúp xoa dịu mệt mỏi, khôi phục sức khỏe. Bởi nước ấm tác động vào các huyệt đạo dưới da và mang đến tác dụng thư giãn tích cực.
Trị các bệnh ngoài da và khử mùi hôi chân
Kể cả với phụ nữ sau sinh, đây là thời điểm cơ thể đang yếu (theo cách nói của người xưa). Rất dễ bị bệnh vậy nên mọi người thường khuyên phụ nữ sau sinh đi tất suốt thời gian ở cữ (khoảng 1 tháng). Cũng chính là nhằm giữ ấm đôi bàn chân. Bởi suốt thời kì mang thai 9 tháng 10 ngày và khi sinh nở làm cho người phụ nữ hao tổn khí huyết.
Cách pha nước ngâm chân bà bầu
Các mẹ bầu nên ngâm chân thường xuyên mỗi ngày. Theo đông y, mẹ bầu có thể lựa chọn 3 cách pha nước ngâm chân bà bầu như sau:
Cách 1
Mẹ bầu có thể ngâm chung với gừng và muối.
Cách 2
Ngâm chân với muối, lá lốt hoặc lá ngải cứu để tăng hiệu quả của việc ngâm chân.
Cách 3
Sử dụng thảo dược ngâm chân. Thành phần thảo dược ngâm chân gồm: ngô thù du, thiên niên kiện, quế khâu, lá sen. Lấy thảo dược đun lên, sau đó pha thêm nước lạnh là có một chậu nước ngâm chân rất tốt cho sức khỏe.
Bà bầu ngâm chân nước muối có tốt không?
Cuối tam cá nguyệt thứ hai, không ít mẹ bầu sẽ phải đối mặt với triệu chứng phù chân, đau nhức cơ chân do áp lực tĩnh mạch gây ra. Điều này góp phần làm thai phụ trở nên mệt mỏi, nặng nề mỗi khi đi lại hoặc ngay khi nghỉ ngơi cũng trở nên khó khăn.
Vào lúc này, bà bầu ngâm chân nước muối có tốt không? Thực tế thì hương pháp ngâm chân nước muối không những rất tốt mà còn giúp mẹ bầu tiết kiệm chi phí thay vì dùng thảo dược hay tinh dầu.
Nước muối có tác dụng kháng khuẩn, giảm viêm, tăng cường hoạt động lưu thông máu nên đặc biệt tốt cho mẹ bầu bị giãn tĩnh mạch, hoặc bị phù chân cuối thai kỳ.
Khi dùng nước muối ấm rửa chân mỗi ngày sẽ tạo các kích thích lành tính để tạo kích thích cho dây thần kinh và thư giãn đầu óc, đem lại cảm giác thư thái cho thai phụ sau thời gian mệt mỏi và căng thẳng. Ngoài ra, bà bầu ngâm chân với nước muối cũng có những công dụng như đã nêu ở trên.
Lưu ý khi ngâm chân cho bà bầu
Mặc dù ngâm chân có công dụng tuyệt vời đối với mẹ bầu nhưng các chị cũng nên lưu ý một số điều sau để việc ngâm chân đạt được tác dụng tuyệt đối.
- Nhiệt độ phù hợp cho mẹ ngâm chân là từ 38 – 43 độ C, và tốt nhất là không vượt quá 45 độ C vì mẹ có thể bị bỏng hoặc dị ứng da.
- Mẹ bầu không nên ngâm chân hay xông hơi quá 15 – 30 phút, thời gian kéo dài gây thiếu máu não ở thai phụ. Ngâm chân cho đến khi cơ thể thấy nóng và đổ mồ hôi nhẹ thì kết thúc được rồi.
- Mẹ bầu nên ngâm chân vào lúc 5 – 7 giờ tối, lúc này hoạt động thận sẽ diễn ra mạnh mẽ nhất. Nếu mẹ mới vừa ăn xong, hãy đợi khoảng 1 tiếng sau hãy ngâm chân vì hoạt động lưu thông máu sẽ làm ảnh hưởng đến đường tiêu hóa.
- Một lưu ý nữa là những phương pháp chữa trị dân gian này đem lại kết quả rất chậm. Thế nên mẹ bầu hãy thật sự kiên nhẫn, sử dụng hằng ngày để cải thiện sức khoẻ.
Trên đây là những gợi ý về cách ngâm chân cho bà bầu thư giãn, giảm phù nề và cải thiện nhiều triệu chứng khác khi mang thai. Chúc bạn có một thai kỳ khoẻ mạnh!
Nguồn thông tin: Những điều cần biết về phù chân ở bà bầu – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec
Xem thêm
- Mách mẹ bầu cách ngâm chân để tránh sưng phù, ngủ ngon giấc
- Bà bầu bị đau đầu nhũ hoa khi mang thai tháng cuối cần lưu ý điều này
- Ra dịch màu vàng khi mang thai tháng cuối có phải dấu hiệu nguy hiểm?