Mang thai 3 tháng đầu mệt mỏi như thế nào và bí kíp giúp mẹ bầu vượt qua giai đoạn này

Loading...
You got lucky! We have no ad to show to you!
Quảng cáo

Mẹ bầu thường có cảm giác mệt mỏi khi mang thai 3 tháng đầu và muốn thoát khỏi tình trạng đó càng nhanh càng tốt. Bài viết dưới đây sẽ tổng hợp tất tần tật thông tin về những khó khăn mà mẹ bầu phải trải qua trong tam cá nguyệt thứ nhất để chị em có cái nhìn tổng quát về giai đoạn này.

Triệu chứng mệt mỏi khi mang thai 3 tháng đầu

Biểu hiện của mỗi bà bầu ở giai đoạn mang thai 3 tháng đầu này rất khác nhau vì còn tuỳ vào những yếu tố sức khoẻ, gen di truyền, môi trường tiếp xúc... của mỗi người. Tuy nhiên, hầu hết các chị em thường thấy những thay đổi về sinh lý và tâm lý như sau:

  • Cảm thấy người dễ mệt mỏi, uể oải hơn trước
  • Nhạy cảm với mùi, đặc biệt là mùi thức ăn hoặc thuốc tẩy...
  • Buồn nôn và nôn (thường từ tuần thứ 6 trở đi biểu hiện sẽ rõ hơn)
  • Dễ bị táo bón
  • Có thể thấy chóng mặt, xây xẩm mặt mày
  • Buồn ngủ nhiều hơn hoặc mất ngủ/rối loạn giấc ngủ
  • Tâm lý thay đổi thất thường, dễ buồn bã và xúc động
  • Hay lo lắng hoặc sợ hãi

Tác nhân gây nên mệt mỏi khi mang thai 3 tháng đầu ở mẹ bầu

Nguyên nhân dẫn đến việc các chị em cảm thấy mệt mỏi khi mang thai 3 tháng đầu rất phong phú. Tuy nhiên các mẹ có thể "điểm danh" những điểm sau để hiểu về cơ thể mình hơn nhé!

  • Sự thay đổi nội tiết tố progesterone

Khi mang thai, nồng độ hormone progesterone trong máu người mẹ tăng cao. Progesterone được coi là một hormone an thai do có tác dụng ngăn chặn các cơn co tử cung, giúp cổ tử cung của người mẹ luôn đóng kín, bảo vệ thai nhi phát triển bình thường, tránh đẻ non, hỗ trợ tuyến vú tạo sữa...

Tuy nhiên, việc nồng độ hormone này tăng dẫn đến những "tác dụng phụ" không mong muốn như nghén, nôn và buồn nôn; làm giãn cơ trơn ở ruột non, ruột già khiến mẹ bị táo bón. Chỉ cần cảm giác buồn nôn thường trực và tình trạng táo bón dễ xảy ra cũng đã làm cơ thể người mẹ dễ rơi vào tình trạng mệt mỏi và khó chịu trong thời kỳ này.

  • Hormone estrogen trong cơ thể tăng lên

Một dạng của hormone estrogen có tên là Estriol (E3) sẽ hoạt động mạnh mẽ khi người phụ nữ có thai. Điều này ảnh hưởng đến khứu giác của các chị em, khiến chị em trở nên vô cùng nhạy cảm với mùi. Ví dụ như mùi cá giờ trở nên tanh hơn, mùi hành tỏi sẽ nồng hơn, mùi thịt xào thơm mọi khi cũng có khi trở thành nỗi khó chịu... Chính điều này khiến các mẹ cảm thấy chán ăn và sợ ăn.

  • Hệ tuần hoàn và các hệ khác thay đổi khi mang thai

Khi bầu bí, nhịp tim và cung lượng tim của mẹ tăng lên; cơ thể tăng chuyển hóa, trao đổi chất; các hệ khác trong cơ thể cũng thay đổi để thích hợp với việc mang thai. Tất cả những điều này khiến mẹ bầu mất sức nhanh hơn và vì thế cũng chóng mệt hơn,

Loading...
You got lucky! We have no ad to show to you!
Quảng cáo
  • Thiếu máu (sắt) gây mệt mỏi khi mang thai 3 tháng đầu

Em bé trong bụng đòi hỏi cơ thể mẹ cần nhiều máu hơn để nuôi em phát triển bình thường. Trong khi đó, cơ thể người mẹ trước khi mang thai đã thường thiếu hụt sắt do hiện tượng kinh nguyệt hàng tháng, nay lại phải tổng hợp sắt nuôi bào thai, nên việc thiếu sắt càng xảy ra trầm trọng hơn. Mẹ có thể sẽ thấy mất sức rất nhanh (đặc biệt khi lên cầu thang hoặc leo dốc), xây xẩm mặt mày, mệt mỏi hoặc thậm chí ngất xỉu...

  • Lo lắng, suy nghĩ nhiều

Những thay đổi sinh lý của cơ thể và những lắng lo về đứa con trong bụng dễ làm mẹ bầu cảm thấy mệt và tủi thân trong giai đoạn này. Một số chị em thậm chí còn bị trầm cảm khi mang thai, rất dễ có hành động gây nguy hại cho bản thân và em bé.

Biện pháp khắc phục cho sự mệt mỏi khi mang thai 3 tháng đầu

Vậy là mẹ đã hiểu rõ được nguyên nhân và triệu chứng cho những mệt mỏi mà cơ thể phải chịu đựng trong thời gian mang thai 3 tháng đầu ở trên rồi, việc mẹ cần làm là có những hành động tích cực sau đây để giúp bản thân trở nên thoải mái hơn.

  • Khắc phục tình trạng ốm nghén

Điều cấp bách nhất trong giai đoạn này chính là việc làm thế nào để giảm tình trạng ốm nghén. Mẹ nên nhớ là mặc dù ốm nghén là một phần tất yếu đối với hầu hết các bà mẹ, nhưng nếu không có biện pháp mạnh tay với điều này, cơ thể mẹ bầu sẽ thường xuyên mệt mỏi, chán ăn, thiếu hụt chất dinh dưỡng và ảnh hưởng đến sức khoẻ cả mẹ và bé.

  • Điều trị thiếu máu

Việc ăn uống hàng ngày chưa chắc đã cung cấp đủ lượng sắt cho cơ thể mẹ bởi lượng sắt mà cơ thể tổng hợp từ thức ăn sẽ bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác. Lúc này mẹ bầu nên đi khám và hỏi ý kiến bác sĩ xem nên uống thêm viên sắt hàm lượng bao nhiêu, loại nào là phù hợp với thể trạng của mình mà không gây táo bón.

Loading...
You got lucky! We have no ad to show to you!
Quảng cáo

  • Cân nhắc những thực phẩm có thể làm giảm mệt mỏi khi mang thai 3 tháng đầu

Ngoài việc cân bằng chế độ dinh dưỡng trong thai kỳ, các chị em có thể chú ý bổ sung thêm những thực phẩm sau đây vì chúng chứa nhiều sắt và các loại vitamin khác tốt cho cơ thể: các loại hạt (hướng dương, hạnh nhân, hạt óc chó,...); bí ngô; các loại rau xanh đậm màu (rau bina, rau súp lơ xanh...); các loại thịt đỏ, lòng đỏ trứng, ngao... 

  • Cấp đủ nước cho cơ thể hàng ngày

Mẹ bầu hãy nhớ uống đủ nước mỗi ngày. Trung bình cơ thể mỗi người cần 2 lít nước/ngày. Nếu thấy việc uống nước quá khó khăn, hãy pha vào nước chút si-rô ít đường hoặc thay thế bằng loại nước quả yêu thích, sữa chua, sữa tươi .. Tuy nhiên mẹ nhớ chọn loại ít đường và tránh những loại có chứa chất kích thích như cafe, trà...).

  • Đi ngủ sớm và có chế độ nghỉ ngơi hợp lý

Các mẹ nên đi ngủ sớm hơn so với bình thường 1-2 tiếng và tránh uống nhiều nước trước khi đi ngủ tối. Bên cạnh đó hãy cố gắng nghỉ ngơi nhiều hơn bất cứ lúc nào có thể, đừng quá cố gắng làm điều gì khi đã mệt mỏi. Đôi khi nghỉ ngơi một chút cũng khiến mẹ hồi sức và khỏe hơn.

Loading...
You got lucky! We have no ad to show to you!
Quảng cáo
  • Tập thể dục nhẹ nhàng

Hãy tìm một hoạt động thể thao mà mình thấy thoải mái nhất. Vận động cơ thể nhẹ nhàng sẽ giúp các cơ trên cơ thể mẹ được thư giãn hơn và tránh được mệt mỏi. Các chị em có thể tham khảo và thực hành một số bài tập phù hợp với bà bầu như đi dạo vào sáng sớm hít thở không khí trong lành, tập yoga theo hướng dẫn, tập gym với sự hướng dẫn của những huấn luyện viên có kinh nghiệm dạy bà bầu...

  • Tâm sự với người bạn có thể tin tưởng được

Việc ôm những suy nghĩ và lo lắng một mình thường gây ra những hậu quả không lường trước được. Vì vậy, hãy chia sẻ những gì mẹ đang băn khoăn lo lắng trong lòng với người mà các chị em có thể tin tưởng như mẹ, bạn thân, chồng... và chị em sẽ cảm thấy tâm trạng tốt hơn trông thấy.

Lời kết

Đừng để những mệt mỏi khi mang thai 3 tháng đầu làm mẹ nhụt ý chí và xuống tinh thần. Tất cả mọi việc đều có giải pháp và hãy cố gắng khắc phục tình trạng này càng sớm càng tốt. Hãy lạc quan và tích cực lên, vì một tương lai mẹ khoẻ đẹp và con xinh, các mẹ nhé!

Loading...
You got lucky! We have no ad to show to you!
Quảng cáo

Xem thêm:

Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!

Loading...
You got lucky! We have no ad to show to you!
Quảng cáo

Bài viết của

ZinVi