Hen phế quản là một loại bệnh ảnh hưởng đến đường dẫn khí của phổi (phế quản) và gây ra bởi quá trình viêm mạn tính (kéo dài) của phế quản. Nó làm cho phế quản, hoặc đường dẫn khí của người bệnh trở nên nhạy cảm với nhiều tác nhân khác nhau. Khi mẹ bầu bị hen phế quản thường có những dấu hiệu như: thở khò khè, tiếng khò khè thường nghe thấy ở thì thở ra, tuy nhiên cũng có thể nghe thấy được ở thì hít vào; không thở được; co nặng ngực; ho và nói khó… Những triệu chứng này có thể xảy ra trong suốt ngày hoặc đêm. Mẹ bầu bị hen phế quản thì sẽ gặp nguy hiểm vì có thể sẽ không cung cấp đủ ôxy cho thai nhi.
Mẹ bầu bị hen phế quản sẽ ảnh hưởng như thế nào đến thai kỳ?
Rất nhiều nghiên cứu về ảnh hưởng của thai nghén đối với tình trạng của bệnh đã được tiến hành, nhưng các kết quả thu được cho đến nay còn có nhiều sự khác biệt và không thống nhất.
Theo những kết quả này, khoảng 35-42% các trường hợp hen phế quản sẽ nặng lên trong thời kỳ mang thai, 33-40% không thay đổi và 18-28% bệnh sẽ nhẹ đi.
Việc dự đoán diễn biến của bệnh trong thai kỳ ở từng cá nhân là hết sức khó khăn, do sự tác động cùng lúc của rất nhiều yếu tố có ảnh hưởng trái ngược nhau.
Nói chung, ở những người hen phế quản mức độ nhẹ, bệnh thường ít có những diễn biến đáng lo ngại trong thời kỳ mang thai. Ngược lại, những trường hợp hen phế quản nặng, bệnh thường diễn biến xấu đi trong thời kỳ này. Một trong những lý do quan trọng làm cho tình trạng bệnh nặng lên trong thai kỳ là do người bệnh tự ý ngừng hoặc giảm liều điều trị, do lo ngại về tính an toàn của thuốc đối với thai nhi.
Bệnh hen phế quản của mẹ bầu có ảnh hưởng như nào tới thai nhi?
Hầu hết các bệnh nhân hen phế quản có thể mang thai và sinh nở một cách bình thường như những người khoẻ mạnh khác. Tuy nhiên, những trường hợp hen nặng, không được kiểm soát tốt, có thể gây ra những tác động tiêu cực trên thai do tình trạng thiếu ôxy máu kéo dài.
Một số nghiên cứu trong khoảng 2 thập kỷ gần đây cho thấy, những bà mẹ bị hen phế quản có nguy cơ đẻ non, thai nhẹ cân hoặc mắc một số bệnh lý (nhịp tim nhanh, co giật, hạ đường huyết…) cao hơn so với những bà mẹ không mắc bệnh. Tuy nhiên, nguy cơ này là rất nhỏ nếu hen phế quản được điều trị ổn định và nó còn có thể được giảm thiểu bằng cách duy trì sự kiểm soát bệnh tối ưu trong suốt thời kỳ mang thai.
Cách điều trị và kiểm soát bệnh cho mẹ bầu bị hen phế quản
Mục đích của việc điều trị hen trong lúc mang thai là ngăn chặn những cơn thiếu ôxy cho mẹ, đồng thời giúp cung cấp ôxy đầy đủ cho thai nhi. Mẹ bầu cần phải chú ý để thực hiện nghiêm ngặt các phương pháp điều trị ngăn chặn các cơn hen bất ngờ.
Điều trị tối ưu bao gồm: kiểm soát chức năng hô hấp; tránh các yếu tố gây kịch phát cơn hen; tư vấn và điều trị bằng thuốc cho từng trường hợp để duy trì chức năng phổi bình thường.
Việc điều trị bằng thuốc cần tuân theo nguyên tắc sử dụng lượng thuốc thấp nhất có hiệu quả để kiểm soát bệnh hen. Nếu làm tốt điều trị dự phòng và không bỏ thuốc giữa chừng thì việc mang thai và sinh con vẫn hoàn toàn bình thường và khỏe mạnh.
Các bác sĩ sẽ lựa chọn những loại thuốc phù hợp với phụ nữ mang thai. Các thuốc điều trị bệnh hen cho phụ nữ mang thai thường ở dạng phụt, xịt nên sẽ hạn chế được sự ảnh hưởng tới thai nhi.
Phụ nữ mang thai hoặc cho con bú tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc.
Ngoài việc tuân thủ chặt chẽ chỉ định điều trị của bác sĩ, phụ nữ mang thai cần phải chú ý tránh tiếp xúc với các yếu tố kích phát cơn hen như: khói thuốc lá, thuốc lào; lông súc vật chó, mèo, khói bếp. Đặc biệt là khói bếp than, các loại mùi hương mạnh như: phấn hoa, nước hoa, thuốc xịt côn trùng, tránh ăn các thức ăn lạ có nguy cơ gây dị ứng. Luôn giữ cho không khí trong nhà thoáng, khô.
Phụ nữ mang thai không được hút thuốc hay cho người khác hút thuốc trong nhà. Khói thuốc là yếu tố dễ kích thích các cơn hen cấp.
Chế độ dinh dưỡng cũng đặc biệt quan trọng trong giai đoạn này.
Phụ nữ mang thai nên ăn đồ ấm, hạn chế tối đa đồ để lâu trong tủ lạnh. Đồng thời cũng phải giữ ấm cơ thể, nếu bị cảm cúm, cảm lạnh thì sẽ càng nguy hiểm hơn. Khi ra ngoài nên đeo khẩu trang để tránh các tác nhân bất ngờ gây các cơn hen.
Đối với những phụ nữ khi biết mình bị bệnh hen phế quản hoặc có tiền sử bị bệnh, trước khi có ý định mang thai cần đến bệnh viện để được bác sĩ chuyên khoa tư vấn, điều trị và dự phòng để đảm bảo sức khỏe cho mẹ và thai nhi. Bên cạnh đó, tiêm phòng vắc-xin cúm trước khi mang thai để ngăn chặn tăng nguy cơ hen phế quản vì viêm hô hấp do virut cúm.
Điều trị cơn hen cấp:
Cũng giống như với điều trị kiểm soát bệnh, việc điều trị cơn hen phế quản cấp ở những phụ nữ mang thai không có nhiều khác biệt so với những người không mang thai. Những loại thuốc thường dùng trong xử trí cơn hen cấp như cường bêta 2 đường khí dung hoặc tiêm truyền, Diaphyllin, corticosteroid tiêm truyền và thở ôxy đều có thể được chỉ định một cách an toàn ở những phụ nữ có thai.
Việc chụp X-quang lồng ngực nên được hạn chế tối đa ở những người này để tránh cho thai nhi phải tiếp xúc với các bức xạ ion hóa.
Điều trị hen phế quản ở phụ nữ cho con bú
Những phụ nữ bị hen phế quản được khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ. Nguy cơ mắc các bệnh dị ứng cơ địa ở những đứa con của các bà mẹ bị hen là khoảng 10% và nguy cơ này có thể giảm xuống nhờ được nuôi bằng sữa mẹ. Tất cả các thuốc được dùng trong điều trị hen như corticosteroid, cường bêta 2 đường uống hoặc khí dung, theophyllin đều có thể được sử dụng một cách an toàn ở phụ nữ đang cho con bú.
Ưu tiên hàng đầu của việc điều trị này là giảm đến mức tối đa các triệu chứng của bệnh. Tất cả các thuốc điều trị hen đều an toàn với thai.
Cuối cùng, một điều quan trọng cần được nhấn mạnh: nguy cơ đối với thai nhi nếu bệnh hen không được kiểm soát tốt sẽ là cao hơn rất nhiều so với độc tính của thuốc. Do đó, những bệnh nhân hen phế quản khi có thai không nên tự ý ngừng hoặc giảm liều điều trị mà không có ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa.
Khi mang thai, mẹ bầu cần đi khám thai đầy đủ, có lịch làm việc, nghỉ ngơi và chế độ dinh dưỡng hợp lý. Điều quan trọng là luôn luôn phải đảm bảo bệnh hen đã được điều trị và kiểm soát tốt dưới sự tư vấn, hướng dẫn điều trị của bác sĩ chuyên khoa hô hấp và được quản lý và theo dõi tốt của bác sĩ chuyên khoa sản. Sự phối hợp giữa hai chuyên khoa này là yếu tố quyết định cho sự an toàn của mẹ bầu và em bé trong quá trình mang thai, khi chuyển dạ và trong giai đoạn sau sinh.
-Ele Luong-
Các bài viết liên quan:
Vật dụng cần thiết cho mẹ bầu – 3 món đồ cực hay giúp thời kỳ mang thai không còn đau nhức, mệt mỏi
Thâm nách khi có bầu – 5 mẹo hay giúp da trắng hồng, mẹ bầu tự tin
Chăm sóc bà bầu – Cùng tìm hiểu về massage giúp mẹ bầu thư giãn