Sau thai lưu, chị em phải làm sao để lần mang thai tiếp theo được an toàn? Tham khảo ngay kinh nghiệm điều trị sau thai lưu ngay trong bài viết này bạn nhé!
Thai lưu là gì? Đâu là nguyên nhân thai lưu?
Thai lưu hay còn gọi thai chết lưu là tình trạng thai ngừng phát triển sau tuần thứ 20 của thai kỳ và lưu lại trong tử cung trên 48 tiếng. Thông thường thai chết lưu ở tuần thai càng lớn (từ 28 – 37 tuần) thì thời gian lưu lại tử cung của thai càng ngắn.
Nguyên nhân thai lưu
Thai chết lưu nguyên nhân có thể xuất phát từ phía người mẹ hoặc từ phía bào thai. Dưới đây là một số nguyên nhân thai lưu phổ biến ở nhiều mẹ bầu:
- Thai có bất thường về nhiễm sắc thể, có dị tật bẩm sinh hoặc thai yếu nên không tiếp tục duy trì được
- Mẹ có các bệnh lý trong vùng tử cung khiến thai không làm tổ được
- Sức khỏe mẹ yếu do làm việc quá lao lực
- Mẹ thường xuyên ở trong môi trường có nhiều hóa chất
- Nhiễm virus, siêu vi
Thai lưu có ảnh hưởng đến lần mang thai tiếp theo không?
Theo ThS. BS. Ngô Thị Yên, khoa Khám bệnh – BV Từ Dũ cho biết, khi bị thai lưu, chị em sẽ được kê thuốc gây sảy thai để tống thai ra ngoài. Loại thuốc này có thể gây rối loạn chu kỳ kinh nguyệt tạm thời. Chị em nào muốn quan hệ ngay thời điểm rụng trứng để tăng khả năng thụ thai thì có thể sẽ không hiệu quả. Còn lại, tình trạng thai lưu hoàn toàn không liên quan gì đến vấn đề hiếm muộn hay vô sinh. Mẹ bầu đã từng bị thai lưu vẫn hoàn toàn có thể mang thai lại như bình thường.
Tuy nhiên, để việc mang thai lần tiếp theo được an toàn, thuận lợi thì mẹ cần lưu ý về cách chăm sóc sức khỏe trước và trong quá trình mang thai. Dưới đây là một số kinh nghiệm điều trị sau thai lưu để mẹ chuẩn bị cho lần mang thai tiếp theo được tốt nhất.
Kinh nghiệm điều trị sau thai lưu để sinh con khỏe mạnh
1. Khám trước khi mang thai
Một trong những kinh nghiệm điều trị sau thai lưu để lần mang thai tiếp theo thành công là mẹ cần đi khám và thực hiện các xét nghiệm sàng lọc trước khi mang thai để xác định nguyên nhân thai dễ bị lưu và đưa ra hướng khắc phục phù hợp. Cụ thể:
- Bác sĩ sẽ khám xem mẹ có bị viêm nhiễm phần phụ không
- Siêu âm cơ quan sinh sản xem tử cung dày hay mỏng
- Theo dõi chu kỳ kinh nguyệt xem có đều không
- Xét nghiệm xem mẹ có mắc bệnh lây qua đường tình dục hay không
- Thực hiện nhiễm sắc thể đồ để tìm nhiễm sắc thể bất thường ở cả bố và mẹ
- Xét nghiệm phát hiện bất đồng nhóm máu RH
2. Tiêm phòng các bệnh truyền nhiễm trước khi mang thai
Để ngăn ngừa tình trạng sảy thai, thai lưu do các bệnh truyền nhiễm như viêm gan B, sởi – quai bị – rubela, cúm, HPV,… mẹ cần tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin này trước khi mang thai. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ xem nên tiêm những vắc xin gì vì có một số loại vắc xin mẹ đã tiêm trong lần mang thai trước vẫn còn tác dụng. Ngoài ra, sau khi tiêm vắc xin, bác sĩ cũng sẽ cho mẹ biết thời gian có bầu trở lại khi nào là thích hợp và an toàn nhất.
3. Quan hệ đúng lúc, đúng thời điểm
Sau thai lưu, sức khỏe và cả tinh thần của người phụ nữ đều bị giảm đi đáng kể khiến nhu cầu tình dục cũng không còn. Với mẹ đang mong con, không nên nôn nóng có thai mà quan hệ lại quá sớm sau thai lưu.
Điều mẹ cần làm là phải nghỉ ngơi thật tốt và đợi ít nhất 3 tháng sau mới hãy bắt đầu lên kế hoạch quan hệ và mang thai trở lại. 3 tháng là khoảng thời gian tối thiểu để tử cung và âm đạo của người phụ nữ được bình phục và quay về tình trạng khỏe mạnh như ban đầu.
4. Bồi bổ nhiều thực phẩm dinh dưỡng
Theo kinh nghiệm điều trị sau thai lưu của nhiều chị em, một chế độ dinh dưỡng lành mạnh và cân bằng sẽ giúp cơ thể mẹ sớm phục hồi sức khỏe để sẵn sàng cho lần mang thai kế tiếp. Các chất dinh dưỡng quan trọng mẹ cần bổ sung sau thai lưu gồm có chất sắt (thịt bò, thịt lợn, thịt dê, bí đỏ, các loại hạt,…), axit folic (bông cải xanh, súp lơ, bắp cải, nấm, các loại đậu,…) vitamin từ rau củ, trái cây để tăng đề kháng cho cơ thể,…
Ngoài ra, mẹ cũng cần chủ động kiêng các loại thực phẩm có hại cho cơ thể như rượu, bia, thực phẩm đóng hộp, cà phê, thuốc lá,…
Vừa rồi là những kinh nghiệm điều trị sau thai lưu để mẹ nhanh chóng phục hồi sức khỏe và chuẩn bị tốt nhất cho lần mang thai tiếp theo. Ngoài những điều trên, mẹ cũng cần dành thời gian luyện tập thể dục thể thao để nâng cao sức khỏe, đồng thời giữ cho tinh thần lạc quan, vui vẻ thì khả năng thụ thai sẽ cao hơn.
Xem thêm:
- Nguyên nhân thai lưu liên tiếp và làm sao để chấm dứt tình trạng này?
- Nguy cơ thai chết lưu – Những dấu hiệu cảnh báo mẹ bầu cần chú ý
- Khoa học ủng hộ bạn có thai lại sau thai lưu 2 tháng
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!