Khóc nhiều sau sinh có ảnh hưởng gì không? Theo các chuyên gia tâm lý, khóc nhiều là một biểu hiện của hội chứng baby blues, nếu để kéo dài có thể dẫn đến trầm cảm.
Khóc nhiều sau sinh – Một trong những tình trạng thay đổi tâm lý của mẹ bỉm sau những ngày bầu bí vượt cạn
“Mình thường ngồi khóc vô cớ mỗi khi chiều về lúc ngồi cho con bú. Đôi khi tự nhiên chảy nước mắt khi thấy đĩa thức ăn chồng nấu không vừa ý. Một lời trách móc của mẹ chồng rằng mình chưa biết chăm con cũng khiến mình thẫn thờ rồi sụt sịt cả tối”, chị Mai, một bà mẹ mới sinh con chia sẻ.
Ngay cả những sao Việt đình đám cũng từng gặp phải tình trạng này trong những tuần đầu tiên mới sinh con. Nữ diễn viên Ngọc Lan từng cho biết, cô đã khóc nguyên tuần đầu vì giận bản thân làm mẹ mà không đủ sữa nuôi con.
Theo TS Nguyễn Mạnh Hùng, GĐ Bệnh viện tâm thần Mai Hương, có thể nói, sinh nở là một trong những cuộc thay đổi lớn của người phụ nữ, sự thay đổi có thể đến từ thể chất, từ tinh thần và tâm lí, hành động của người phụ nữ.
Những thay đổi tâm lý như hay khóc, dễ tủi thân, chán nản, … của các mẹ bỉm sữa thường do:
- Sự thay đổi nồng độ nội tiết trong cơ thể
- Những thay đổi đột ngột khi phải chăm sóc em bé và đảm đương một công việc hoàn toàn mới lạ
- Mệt mỏi do phải chăm sóc con sau sinh
- Thiếu sự quan tâm, chăm sóc từ người thân
Ở một mức độ nào đó, việc khóc nhiều được xem là một biểu hiện của hội chứng “baby blue”.
Baby blues
Đây là tình trạng xảy ra ở hầu hết phụ nữ trong những ngày sau sinh và được coi là bình thường. Một bà mẹ mới sinh con có thay đổi tâm trạng đột ngột như có lúc cảm thấy rất vui sau đó lại cảm thấy rất buồn.
Người mẹ có thể khóc không vì lý do gì và cảm thấy mất kiên nhẫn, nóng nẩy, lo lắng, cô độc và buồn bã. Hội chứng Baby blues có thể kéo dài chỉ vài giờ hoặc 1-2 tuần sau sinh và không cần phải điều trị bởi các chuyên gia chăm sóc sức khỏe.
Khóc nhiều sau sinh có ảnh hưởng gì không?
Việc khóc lóc cũng như các dấu hiệu cảm xúc mang tính tiêu cực khác của phụ sau sinh đều có những ảnh hưởng nhất định tới thể chất và tinh thần.
- Sau khi sinh con, tâm lý phụ nữ rất nhạy cảm, nên việc những áp lực gây ra những suy nghĩ tiêu cực và căng thẳng thần kinh là điều dễ hiểu. Stress khi chăm con, khóc lóc nhiều có thể gây ra chứng hay quên, lẫn lộn mọi thứ, không tập trung và rối loạn về giấc ngủ.
- Ảnh hưởng đến tâm lý và tính cách của người mẹ trong một thời gian nhất định
- Gây ra những rối loạn ăn uống
- Gia tăng nguy cơ mắc bệnh tâm lý khác. Một số bệnh tâm lý có nguy cơ mắc khi mẹ sau sinh khóc nhiều như rối loạn lo âu, trầm cảm sau sinh…
- Ảnh hưởng tới chính trẻ sơ sinh mới chào đời, bé có thể hay quấy khóc hơn và dễ bị căng thẳng.
Các cách giúp mẹ sau sinh vượt qua những cảm xúc tiêu cực
Người chồng đóng vai trò quan trọng trong việc giúp người vợ có thể vượt qua được cảm giác buồn bã, khó chịu sau sinh, chẳng hạn như:
- Lắng nghe và quan sát. Nếu mẹ có bất kỳ biểu hiện mệt mỏi, lo âu quá mức, hãy khích lệ mẹ, bố nhé. Nói với mẹ rằng mẹ rất tuyệt vời, và bố luôn tin mẹ có thể làm tốt mọi việc.
- Hỗ trợ mẹ tối đa những công việc nhà. Thực tế, ngoài việc cho con bú mẹ, những công việc khác đều không thể làm khó bố. Từ thay tã, tắm hay lau dọn nhà cửa, chỉ cần bố chịu làm, tất cả đều có thể.
Ngoài ra người mẹ nên ngủ càng nhiều càng tốt, ăn uống đầy đủ, thư giãn và ra ngoài chơi khi có thời gian. Hãy thử làm mọi việc bạn thích, biện pháp này sẽ giúp bạn dễ dàng quay trở lại cuộc sống sau sinh của mình.
Khóc lóc nhiều sau sinh nếu để kéo dài và có các biểu hiện khác đi kèm có thể gây ra trầm cảm sau sinh. Nếu không được điều trị có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ và con.
Chính vì vậy chị em cần đi khám nếu thấy các triệu chứng như hay khóc, buồn bã tồn tại dai dẳng trên 2 tuần, không thể làm các hoạt động bình thường, có ý nghĩ làm tổn thương bản thân hoặc con hay cảm thấy thực sự lo lắng, sợ hãi và hoảng loạn hầu như cả ngày.
Xem thêm:
- Đồng cảm và quan tâm – Chìa khóa giúp phụ nữ sau sinh dễ khóc bình tâm
- Trầm cảm sau sinh có nguy hiểm không? Nhận biết và điều trị như thế nào?
- Lý giải tâm lý sau sinh bỗng ghét mẹ chồng của các nàng dâu Việt
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác