Hướng dẫn cách ly tại nhà dành cho người đi từ vùng dịch hoặc có tiếp xúc với người nhiễm, nghi nhiễm virus Covid-19 dưới đây sẽ giúp bạn có kế hoạch sinh hoạt hợp lý khi đang trong thời gian cách ly.
Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn cách ly tại nhà phòng chống dịch Covid-19
Những người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với trường hợp bệnh xác định nhiễm COVID-19 và người thuộc đối tượng cách ly tập trung có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế và một số đối tượng khác cần thực hiện theo hướng dẫn cách ly tại nhà này, thông tin được đăng tải trên trang Lá chắn Virus Corona.
Với số lượng bệnh nhân dương tính với COVID-19 tăng nhanh như hiện nay, những người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với trường hợp bệnh xác định; người thuộc đối tượng cách ly tập trung có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 và các đối tượng khác theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ hoặc Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cần thiết phải tự cách ly tại nhà để bảo vệ sức khỏe cho người thân và cộng đồng.
Trước tình hình đó, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 879/QĐ-BYT ngày 12/3/2020 Hướng dẫn Cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú phòng chống dịch COVID-19.
Chi tiết hướng dẫn cách ly tại nhà
Bộ Y tế khuyến cáo các nhóm đối tượng nêu trên cần tự cách ly trong 14 ngày kể từ ngày tiếp xúc lần cuối với nguồn nghi ngờ nhiễm bệnh tại nhà, tốt nhất có phòng riêng, nếu không có phòng riêng thì giường ngủ của người được cách ly nên cách xa giường ngủ của các thành viên khác trong ít nhất 2m và xa khu sinh hoạt chung.
Phòng cách ly nên đảm bảo thông thoáng khí, không sử dụng điều hòa nhiệt độ, thường xuyên vệ sinh, hạn chế các đồ đạc trong phòng. Nếu có điều kiện nên chọn phòng ở cuối dãy, cuối hướng gió, xa khu vực đông người qua lại, có nhà vệ sinh, xà phòng rửa tay, nước sạch và thùng rác có nắp đậy.
Người được cách ly tại nhà cần làm gì?
Quan trọng nhất là người được cách ly tại nhà cần phải nắm rõ những thông tin, quy tắc an toàn trong cách ly để đảm bảo sức khỏe cho mình và gia đình.
– Chấp hành việc tự cách ly tại nơi ở, nơi lưu trú đúng thời gian quy định và có cam kết với chính quyền địa phương.
– Tự đo thân nhiệt và tự theo dõi sức khỏe hàng ngày. Ghi lại kết quả đo và tình trạng sức khỏe chung vào phiếu theo dõi sức khoẻ hàng ngày. Thông báo hàng ngày cho nhân viên y tế cấp xã về kết quả đo nhiệt độ và tình hình sức khỏe của bản thân.
– Thông báo ngay cho nhân viên y tế cấp xã được phân công phụ trách theo dõi ngay khi có một trong các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh: sốt, ho, đau họng, khó thở.
– Hạn chế ra khỏi phòng riêng, hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người trong gia đình, nơi lưu trú cũng như những người khác.
– Không ra khỏi nơi ở, nơi lưu trú trong suốt thời gian cách ly.
– Thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn khác. Không dùng chung các đồ dùng vật dụng cá nhân: bát, đũa, thìa, cốc, bàn chải đánh răng, khăn mặt…
– Thu gom khẩu trang, khăn, giấy lau mũi, miệng đã qua sử dụng vào túi đựng rác thải riêng để xử lý theo quy định.
– Không ăn chung, không ngủ chung cùng với những người khác trong gia đình, nơi ở, nơi lưu trú.
– Đảm bảo ăn uống đủ chất dinh dưỡng, uống đủ nước, vận động cơ thể, tập thể dục nhẹ nhàng tại chỗ.
Người thân của người được cách ly cần làm gì?
– Hạn chế tiếp xúc với người được cách ly, đeo khẩu trang và giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét khi cần tiếp xúc.
– Lau nền nhà, bề mặt dụng cụ, tay nắm cửa ở nơi ở, nơi lưu trú hàng ngày bằng các chất tẩy rửa thông thường hoặc dung dịch khử trùng.
– Cung cấp suất ăn riêng cho người được cách ly…
– Giúp đỡ, động viên, chia sẻ với người được cách ly trong suốt thời gian cách ly.
Theo Kenh14
Xem thêm:
- Dân văn phòng cần chuẩn bị gì khi làm việc từ xa nhằm hạn chế nguy cơ lây lan Covid-19?
- Hoa hậu Ngọc Hân quyết định hoãn đám cưới vì COVID-19
- Ăn gì để tăng sức đề kháng chống dịch virus Corona?
Vào ngay Fanpage của TheAsianParent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!