Hội chứng cuồng con có thể ảnh hưởng tới phát triển tâm lý của trẻ?

Hội chứng cuồng con là tình trạng mà bà mẹ nào cũng có thể "mắc phải" ở mức độ ít nhiều. Nhưng khi sự yêu con thái quá ảnh hưởng đến phát triển tâm lý của trẻ thì mẹ cần hết sức thận trọng.

Hội chứng cuồng con - Ảnh hưởng từ thay đổi tâm lý sau sinh?

Khi em bé chào đời là cả một quá trình nỗ lực lớn lao của người phụ nữ. Tuy nhiên, sau đó lại là cả một hệ lụy cho họ, ảnh hưởng từ sức khỏe cho tới tâm lý. Tâm lý của phụ nữ sau khi sinh vì thế có sự thay đổi, mà nhiều khi cảm thấy “đáng sợ”.

Nguyên nhân chủ yếu làm cho trạng thái cảm xúc, suy nghĩ, tâm lý phụ nữ sau khi sinh có nhiều thay đổi là do hàm lượng hormone nội tiết tố trong cơ thể. Hàm lượng estrogen trong suốt thai kỳ cao nhưng sau khi sinh, hàm lượng đó bị giảm đột ngột. Cơ thể người mẹ chưa quen với sự thay đổi đột ngột này dẫn đến sự thay đổi trong tâm sinh lý.

Hội chứng cuồng con cũng có thể được xếp vào một trong những trạng thái do những thay đổi nói trên gây ra. Mặt khác, với những người lần đầu làm mẹ, những lo lắng thái quá về sự sinh tồn của con (bé còn quá nhỏ, chưa biết nói, liệu con có bị nguy hiểm, liệu con có bị nghẹt thở, ...), tình cảm dành cho em bé đầu tiên của gia đình càng khiến cho nhiều bà mẹ bị "mắc hội chứng này".

Hình ảnh chỉ có tính chất minh họa

Chia sẻ của một người mẹ trẻ

“Con gái tôi được bốn tuổi. Thời điểm này tôi có thể sinh đứa tiếp theo, nhưng tôi không muốn. Con gái tôi như thiên thần từ lúc mới chào đời. Tôi sinh thường rất dễ dàng, đau bụng chỉ hai tiếng đồng hồ là gặp em bé ngay. Mọi sự nuôi dưỡng, chăm sóc con với tôi đều rất nhẹ nhàng, chẳng một ngày căng thẳng.

Nhưng quan trọng, cứ nhìn con là tôi mê đắm mê cuồng. Xa con dăm mười phút tôi chịu không nổi. Ông xã bảo chúng tôi nên sinh đứa nữa để tôi bớt chứng cuồng con. Tôi sợ lắm, sợ trong nhà xuất hiện thêm em bé thì tình cảm của tôi dành cho con sẽ giảm đi”.

Nhận dạng các dấu hiệu hội chứng cuồng con của mẹ sau sinh 

Thực ra, như các bác sĩ tâm lý thường đùa dí dỏm, rằng mọi bà mẹ trên đời này đều có dấu hiệu "cuồng con" từ mức độ nhẹ đến nặng. Hãy cùng xem các dấu hiệu thường gặp của hội chứng "khó chữa" này ở các bà mẹ là gì?

Khoe tất tần tật mọi thứ trên đời về con. Trong mắt mẹ con là số một, con thông minh nhất, nhanh nhẹn nhất, đẹp đẽ nhất. Mọi cử động của trẻ đều được mẹ ghi lại. Chẳng thế mà không ít những hình ảnh bé cởi chuồng, bé đi ị, ... cũng được mẹ nhiệt tình chia sẻ trên mạng xã hội.

Lo lắng thái quá về trẻ. Bất kể bé làm gì, dù đang có người chăm sóc thì mẹ cũng luôn tỏ ra lo lắng không yên tâm. Hệ quả là mẹ sẽ ôm đồm tất cả các việc chăm bé. Thái quá hơn, nhiều mẹ còn không cho người thân được quyền can dự hoặc giúp đỡ mình chăm con.

Không chịu được sự xa cách con. Dù đó chỉ là dăm ba phút. Nếu phải xa con thì sẽ gọi điện hoặc kiểm tra liên tục xem tình hình con mình như thế nào.

Đáp ứng mọi yêu cầu của trẻ. Khi bé dần lớn lên, bắt đầu nhận thức được nhu cầu của mình thì những bà mẹ cuồng con sẽ đáp ứng yêu sách của trẻ một cách mù quáng. Dần dần từ đó hình thành nên sự nuông chiều trẻ một cách thái quá.

Một bà mẹ có thể hội tụ một hoặc đủ các biểu hiện trên

Chuyện mẹ cuồng con, yêu con thái quá, xét về mặt tâm lý người làm mẹ là điều vô cùng bình thường. Nhưng các chuyên gia cũng cảnh báo, khi mức độ yêu trẻ ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ cũng như gây ra tác động tới chính cách cư xử của người mẹ thì bạn cần hết sức thận trọng.

Mẹ cuồng con quá mức - Ảnh hưởng ngầm tới tâm lý trẻ như thế nào?

Dù đã 6 tuổi nhưng bé Mi không thích đi học, mỗi lần chuẩn bị đến trường là kêu khóc, giãy giụa. Nếu cố gắng đưa được con đến lớp thì mẹ bé phải đứng ở cổng trường để con có thể nhìn thấy mẹ qua cửa sổ suốt buổi học.

Mi là một trong số những trẻ mắc hội chứng bám mẹ từng được điều trị tại khoa Tâm bệnh, Bệnh viện Nhi trung ương. Bác sĩ cho biết, quá bám mẹ, bé Mi rơi vào hội chứng rối loạn lo âu chia ly, luôn sợ mẹ đi mất, sợ bị bỏ rơi, có cảm giác bất an khi không có mẹ bên cạnh.

Như vậy có thể thấy, những bà mẹ cuồng con quá mức vô hình chung có thể khiến trẻ  trở nên nhút nhát, sợ hãi, lệ thuộc, cảm thấy mẹ là nhất. Khi trẻ lớn lên sẽ rất khó thích nghi với môi trường mới và hòa đồng với những người xung quanh. Nếu không được điều chỉnh cách giáo dục, những trẻ này khi trưởng thành sẽ là những người kém tự lập, khó hòa nhập, thậm chí ảnh hưởng đến cả cuộc sống hôn nhân sau này.

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa

Mẹ đã biết "yêu con đúng cách"?

Với các bà mẹ thì con cái lúc nào cũng bé bỏng. Nhiều người còn thú nhận không muốn con lớn, bởi trẻ càng lớn người mẹ càng cảm thấy con xa cách. Nhưng thực tế, người mẹ phải học cách chấp nhận điều đó để con có cơ hội trở thành người trưởng thành, độc lập và thành công trong cuộc sống.

Người thân và gia đình nên chia sẻ, giúp đỡ để người mẹ nhận ra điều này cũng như điều chỉnh lại hành vi tâm lý với con. Nếu cần thiết, mẹ nên gặp bác sĩ chuyên môn tâm lý để có hướng điều trị phù hợp bởi đây là điều cần thiết để trẻ có thể phát triển tâm lý một cách khỏe mạnh.

Xem thêm: 

Vào ngay Fanpage ca the Asianparent Vietnam để cùng tho lun và cp nht thông tin cùng các cha m khác!

Bài viết của

Minh Hương