Hiện tượng bóng đè khi ngủ trưa không phải là một tình trạng hiếm gặp, có thể xuất hiện ở bất cứ ai và bất cứ độ tuổi nào. Khi bị bóng đè, hầu hết mọi người đều cảm thấy bản thân vẫn hoàn toàn tỉnh táo nhưng có cảm giác hai hàm cứng lại như đóng băng, tay chân nặng trịch.
Họ không thể nhúc nhích được và rất muốn kêu cứu để ai đó giúp mình thoát khỏi trạng thái này. Cho đến khi kiệt sức thì bạn giật mình tỉnh giấc. Có lẽ đó thực sự là một cơn ác mộng.
Hiện tượng bóng đè khi ngủ trưa có phải là một dạng bệnh lý hay cảnh báo một vấn đề nào đó về sức khỏe hay không? Nguyên nhân nào gây ra tình trạng này? Làm sao để xua đi nỗi sợ bóng đè? Tất cả sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây!
Bóng đè là gì? Dấu hiệu khi bị bóng đè
Bóng đè hay ma đè là chứng liệt thân khi ngủ (sleep paralysis) xảy ra khi cơ thể chuyển giao giữa các giai đoạn thức và ngủ. Đây là hiện tượng rối loạn giấc ngủ không gây nên những tổn thương thực thể.
Theo khảo sát của ngành tâm thần học, khoảng hơn 10 – 40% dân số thế giới ít nhất một lần đã từng bị bóng đè.
Đối tượng bị bóng đè thường xuất hiện ở một người mới ốm dậy, cơ thể suy nhược, những người thường xuyên phải thay đổi chỗ ở hoặc ngay cả những người khỏe mạnh cũng có thể gặp tình trạng này trong những giấc ngủ thông thường.
Những người bị hiện tượng bóng đè khi ngủ trưa đều rơi vào trạng thái nửa tỉnh nửa mê, các ảo giác xuất hiện liên tục như một thước phim tua nhanh. Lúc đó, dù ngủ mà vẫn có thể nghe thấy âm thanh xung quanh nhưng toàn thân không thể cử động hay mở mắt được để thoát ra khỏi cơn ác mộng.
Trên thực tế có rất nhiều kiểu bóng đè với những ảo giác khác nhau ở mỗi người nhưng điểm chung thường gặp đó là sự tức ngực, ngạt thở, toát mồ hôi.
Dấu hiệu này y như những triệu chứng lâm sàng của một cơn ngừng tim, suy hô hấp nhưng không vùng vẫy hay kêu la để thoát khỏi cái bóng vô hình đè nặng đó được. Khá nhiều người gặp phải hiện tượng bóng đè khi ngủ trưa sau khi tỉnh giấc mà vẫn còn sợ đến mức rùng mình và ám ảnh vài giờ sau đó.
Nhận biết các trạng thái của hiện tượng bóng đè khi ngủ trưa
Đừng nhầm lẫn giữa hiện tượng bóng đè khi ngủ trưa với một giấc mơ ác mộng. Các cơn ác mộng có thể kéo dài theo chu kì của một giấc ngủ còn hiện tượng bị bóng đè chỉ diễn ra từ vài giây đến vài phút.
Hiện tượng bóng đè khi ngủ gây nên nỗi ám ảnh lớn, nguyên nhân chính là do sự xuất hiện của những ảo giác chân thực đến đáng sợ. Những người gặp phải hiện tượng bóng đè khi ngủ trưa thường rơi vào 3 trạng thái ảo giác chính đó là
Ảo giác thăng bằng
Những người bị bóng đè dạng này sẽ thấy như mình vừa bị bước hụt, mất thăng bằng và rơi xuống vực sâu hoặc bị ngã từ trên những tòa nhà cao tầng xuống với một tốc độ chóng mặt nhưng không bao giờ thấy mình chạm đáy.
Khi tỉnh dậy, bạn vẫn còn nguyên cảm giác quay cuồng, vã mồ hôi, chân tay co quắp và thở gấp với cảm giác y như thật và phải mất vài phút mới có thể trấn tĩnh lại được.
Hiện tượng bóng đè khi ngủ trưa mà rơi vào ảo giác thăng bằng sẽ thường gặp ở những người có liên quan đến chứng rối loạn tiền đình.
Ảo giác thực thể
Đây là dạng ảo giác bóng đè phổ biến nhất, phần lớn thường xuất hiện khoảng gần cuối giấc ngủ. Cảm giác được mô tả lại là dường như có một ai đó hoặc một vật nào đó đè nặng lên vùng ngực, bụng khiến họ như tê dại, không thở được.
Đến khi thiếu oxy lên não những người gặp hiện tượng bóng đè khi ngủ trưa mới giật mình tỉnh dậy sau khi đã cố vùng vẫy thoát ra. Khi thức giấc, phần lớn sẽ thấy mình đang thở hổn hển, ra nhiều mồ hôi.
Ảo giác đột nhập
Những người bị bóng đè dạng này, họ thấy mình ngủ mà lại mở mắt và nhìn thấy những người lạ vào phòng, đi xung quanh hoặc ngồi ngay lên giường ngủ.
Hình ảnh đấy cứ chập chờn, lúc ẩn, lúc hiện không rõ hình hài gây ra cảm giác sợ hãi đến mức cơ thể tê cứng, khó thở. Lúc tỉnh dậy toàn thân mỏi nhừ, đó là kết quả của những cơn co cơ.
Nguyên nhân nào khiến bạn rơi vào tình trạng bị bóng đè?
Đứng dưới góc độ y học, hiện tượng bóng đè khi ngủ trưa được giải thích theo nguyên nhân liên quan đến:
Chu kì của giấc ngủ
Khi bắt đầu giấc ngủ, cơ thể sẽ thư giãn và thả lỏng dần cơ bắp. Khi ngủ cơ thể sẽ luân phiên trải qua hai giai đoạn chuyển động mắt nhanh (REM) và giai đoạn không chuyển động mắt nhanh (NREM). Một chu kỳ giấc ngủ thường kéo dài trong 90 phút và phần lớn thời gian cơ thể ở giai đoạn NREM.
Những giấc mơ thường xuất hiện trong giai đoạn mắt chuyển động nhanh (REM) nhưng cơ thể vẫn thư giãn. Tình trạng bị bóng đè sẽ liên quan đến việc giấc ngủ mắt chuyển động nhanh (REM) bị gián đoạn.
Quá trình chuyển đổi cơ thể ở 2 trạng thái từ REM sang NREM và ngược lại không được não đồng bộ. Do đó, mặc dù ý thức vẫn tỉnh táo nhưng cơ thể vẫn ở trạng thái bất động.
Như vậy hiện tượng bóng đè khi ngủ trưa chính là hệ quả của sự rối loạn giấc ngủ mà nguyên nhân là do khả năng điều tiết vòng tuần hoàn của não bộ bị đứt quãng gây ra trạng thái này.
Những nguyên nhân khác
Hiện tượng bóng đè khi ngủ trưa hoặc vào những giấc ngủ khác không phải là một dạng bệnh lý, cũng không liên quan đến các vấn đề tâm linh như nhiều người lầm tưởng.
Ngoài nguyên nhân do rối loạn giấc ngủ, còn có một số yếu tố khác tác động khiến cơ thể chịu áp lực cũng có thể gây bóng đè như:
- Môi trường ngủ chật chội, ngột ngạt, bí bách dẫn đến thiếu không khí, thiếu oxy, nhiều CO2.
- Thông thường giấc ngủ trưa thường bị ánh sáng và mọi yếu tố xung quanh tác động nên ngủ không sâu. Vì vậy, nếu thời gian ngủ giấc trưa quá lâu, kéo dài đến khoảng xế chiều làm cơ thể lâm vào tình trạng mệt mỏi, nửa thức nửa ngủ cũng khiến nhiều người dễ bị bóng đè.
- Tư thế ngủ cũng có thể gây ra hiện tượng bị bóng đè như nằm nghiêng bên trái, đặt tay hoặc vật gì đó lên ngực, nằm sấp… khiến tim bị chèn ép. Nhiều người còn cho rằng nếu vị trí ngủ nằm dưới xà nhà cũng có thể dẫn đến hiện tương này.
- Nếu cơ thể đang có sẵn các bệnh lý về hô hấp, tim mạch, thiếu máu, đau nửa đầu, rối loạn lo âu, hen suyễn, viêm mũi, viêm xoang … hoặc mặc đồ ngủ quá chật cũng là nguyên nhân ngăn cản quá trình đưa ô-xy lên não.
- Áp lực cuộc sống về công việc, gia đình, con cái gây quá sức chịu đựng, khiến cơ thể rơi vào trạng thái căng thẳng, mệt mỏi cũng có thể chính là nguyên nhân làm không ít người gặp hiên tượng bóng đè khi ngủ trưa.
Xua đi nỗi sợ bóng đè khi ngủ trưa để có giấc ngủ ngon
Bóng đè không phải là một dạng bệnh lý, không gây nguy hiểm cho cơ thể nên không cần điều trị bằng các loại thuốc tây y hoặc quá tin vào tâm linh mà làm theo những liệu pháp thiếu khoa học.
Tuy nhiên, bị bóng đè thường gây ám ảnh tâm lý và nếu tình trạng không được kiểm soát có thể khiến cơ thể rơi vào trạng thái suy nhược do thiếu ngủ, trầm cảm, âu lo.
Việc kiểm soát căng thẳng, giữ thói quen sinh hoạt tốt có thể làm giảm khả năng bị hiện tượng bóng đè khi ngủ trưa và khiến giấc ngủ ngon hơn.
Những việc bạn nên làm là:
- Cải thiện môi trường ngủ yên tĩnh, dễ chịu, hạn chế ánh sáng bên ngoài. Duy trì nhiệt độ trong phòng điều hòa từ 26-28 độ. Nằm ngủ ở tư thế thoải mái, không nên nằm sấp hoặc gối quá cao.
- Mặc quần áo rộng rãi khi ngủ. Nếu ngủ trưa tại nơi làm việc nên nới lỏng trang phục, tháo bỏ thắt lưng, thả nịt ngực và đắp 1 chiếc chăn mỏng ngang người.
- Để điện thoại và các thiết bị điện tử ra xa người.
- Chỉ nên ngủ trưa từ 15-30 phút mỗi ngày giúp ổn định thần kinh và tốt cho sức khỏe. Không nên ngủ nướng giấc trưa với thời gian kéo dài hoặc ngủ sau 15 giờ chiều.
- Không nên ăn quá no trước khi ngủ hoặc sử dụng các chất kích thích có hại cho sức khỏe như cà phê, thuốc lá….
- Giảm tải công việc, sắp xếp cuộc sống một cách khoa học, giữ cho tinh thần thoải mái và tránh được hiện tượng bóng đè.
Lời kết
Hiện tượng bóng đè khi ngủ trưa sẽ không còn là nỗi lo lắng, sợ hãi nếu chúng ta hiểu rõ về những nguyên nhân gây ra nó và biết cách xử trí khi tình huống này xảy ra.
Ngoài ra, ngay khi bị bóng đè, đừng cố gắng vùng vẫy nếu không muốn cơ thể tiếp tục hoảng loạn và những cơn ảo giác bủa vây. Hãy dùng lý trí để điều khiển cơ thể thả lỏng, hít thở sâu, cử động tay chân để cơ thể trở về trạng thái bình thường.
Nếu hiện tượng bóng đè khi ngủ trưa kéo dài thường xuyên với nguyên nhân xuất phát từ những bệnh lý của cơ thể, hãy nhờ đến sự tư vấn của bác sĩ để điều trị dứt điểm những vấn đề này. Chúc bạn luôn có giấc ngủ ngon mỗi ngày!
Xem thêm:
- Cùng chị em giải mã những giấc mơ thấy chồng ngoại tình
- Những giấc mơ cảnh báo bệnh tật nên hết sức lưu ý
- Bà bầu nằm mơ thấy rắn là báo hiệu điềm gì?
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!