Khi mang thai, bà bầu được khuyên là nên hạn chế uống thuốc để tránh gây hại cho thai nhi. Vậy làm sao để giảm ho cho bà bầu? Bà bầu bị ho có được uống thuốc không? Có mẹo dân gian nào để giảm ho cho bà bầu hiệu quả mà vẫn an toàn cho bé không? Mời bạn đọc cùng theAsianparent tham khảo ngay trong bài viết này.
Vì sao bà bầu dễ bị ho khi mang thai?
Sức đề kháng yếu
Khi mang thai, mẹ bầu có sức đề kháng yếu và nhạy cảm hơn bình thường, đây là điều kiện thuận lợi để các loại vi khuẩn, virus gây bệnh xâm nhập vào cơ thể, khiến mẹ dễ bị viêm nhiễm đường hô hấp gây nên các bệnh viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi,…
Ngoài ra, khi thời tiết, khí hậu thay đổi, mẹ sẽ càng dễ mắc các bệnh đường hô hấp hơn nếu không giữ gìn chăm sóc cẩn thận.
Áp lực ở vùng bụng
Khi mang thai, vùng bụng mẹ phải chịu áp lực nặng nề từ tử cung và từ thai nhi. Điều này dẫn đến hiện tượng trào ngược dạ dày và có thể gây triệu chứng ho cho mẹ bầu.
Dị ứng với môi trường bên ngoài
Khi đường hô hấp của mẹ bị kích ứng bởi một số tác nhân từ môi trường bên ngoài như bụi bẩn, khói thuốc lá, lông động vật, phấn hoa,… bà bầu sẽ dễ dàng bị ho.
Bà bầu bị ho có nguy hiểm không?
Đối với bà bầu
Nếu mẹ bầu chỉ ho khan, ho ít, điều này không quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu mẹ ho nhiều, ho dai dẳng, thậm chí suốt đêm có thể khiến cơ thể suy nhược và mỏi mệt. Nếu không được điều trị kịp thời, ho có thể dẫn đến viêm đường hô hấp cùng nhiều biến chứng nguy hại khác.
Đối với thai nhi
Những cơn ho gây tác động lớn đến vùng bụng, thậm chí khiến vùng bụng bị căng cứng. Tuy nhiên, chúng lại không tác động nhiều đến thai nhi trong bụng mẹ. Nếu mẹ có những cơn ho dữ dội và kéo dài mà không kìm được, mẹ bầu có thể dùng tay đỡ dưới bụng khi ho để hạn chế sự ảnh hưởng lên vùng bụng.
Tuy nhiên, mẹ không nên để ho quá nhiều, quá mạnh, ho kéo dài và liên tục, vì lúc này tử cung mẹ bị co thắt có thể gây động thai, dẫn đến nguy cơ sảy thai, sinh non,…
Nếu nguyên nhân mẹ bị ho là do nhiễm trùng đường hô hấp, mẹ không phát hiện và chữa trị kịp thời sẽ gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi, thậm chí gây mất tim thai đột ngột.
Bà bầu bị ho có được uống thuốc không?
Vẫn có một số thuốc trị ho dành riêng cho phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, bạn cần tham khảo và thực hiện đúng lời dặn của thầy thuốc, không tự ý mua thuốc và uống thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Việc sử dụng thuốc bừa bãi có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi, đặc biệt là đối với thai 3 tháng đầu. Vì vậy, mẹ hết sức thận trọng nhé.
Cách làm giảm cơn ho cho bà bầu
Nếu triệu chứng ho của mẹ chỉ ở mức độ nhẹ, mẹ bầu không nhất thiết phải điều trị bằng thuốc. Có rất nhiều bài thuốc dân gian trị ho cho bà bầu từ nguyên liệu tự nhiên, vừa an toàn cho cả mẹ và bé, vừa lại rất hiệu quả.
Cách giảm ho cho bà bầu với tắc & mật ong
- Mẹ bầu rửa sạch tắc, bỏ hạt, để nguyên vỏ rồi cắt lát mỏng, rải vào lọ hoặc chén thủy tinh.
- Đổ mật ong phủ đều lên trên
- Chưng cách thủy trong 15 phút.
- Ngậm hỗn hợp này mỗi ngày 3 – 4 lần cho đến khi hết ho. Hiệu quả đã được nhiều mẹ kiểm chứng chỉ sau 2 – 3 ngày
Lê với gừng hấp đường phèn
- Lê rửa sạch, để nguyên vỏ cắt hạt lựu.
- Gừng đập dập
- Cho lê và gừng vào chén rồi thêm đường phèn với lượng vừa phải
- Chưng cách thủy trong 30 phút rồi để nguội
- Chắt lấy phần nước cốt để uống mỗi ngày 3 lần, mỗi lần khoảng 15ml
Chanh đào, mật ong, đường phèn
- Chanh đào mẹ rửa sạch, để cho ráo nước rồi cắt lát mỏng sau đó xếp vào hũ xen kẽ với đường phèn
- Cho gừng giã nhỏ vào, bỏ thêm 2 muỗng muối trắng vào để tăng độ kháng khuẩn
- Đổ thêm mật ong vào, đậy kín hũ, ngâm càng lâu càng hiệu quả
- Uống nước hỗn hợp này giúp trị ngứa cổ họng và trị ho rất tốt.
Lá húng chanh, đường phèn
- Lấy 15 – 20 lá húng chanh tươi rửa sạch
- Xay nhuyễn lá húng chanh với 4 quả tắc
- Hấp cách thủy hỗn hợp trên với đường phèn trong 20 phút
- Mỗi ngày lấy nước uống khoảng 2 – 3 lần cho đến khi hết hẳn ho
Trà gừng
Mẹ có thể mua gói trà gừng pha sẵn hoặc tự sắc trà gừng để uống. Mỗi ngày uống 1-2 tách trà gừng giúp mẹ thông cổ họng, giảm ngứa cổ chỉ sau 2-3 ngày. Ngoài ra, mẹ cũng có thể cho thêm ít mật ong vào trà gừng để có vị ngon và dễ uống hơn. Mật ong cũng có tác dụng kháng khuẩn và chống viêm rất tốt.
Ăn tỏi
Nếu mẹ không bị nghén khi nghe mùi tỏi, hãy thêm chút gia vị tỏi trong bữa ăn hàng ngày. Tỏi có tác dụng chống viêm, kháng khuẩn, trị viêm họng rất tốt.
Nước củ cải
Củ cải có tác dụng thanh nhiệt, bổ phổi, làm dịu cổ họng. Bà bầu bị ho có thể luộc hoặc ép củ cải tươi lấy nước uống.
Dầu khuynh diệp
Ngoài các cách trên, còn một cách đơn giản là bạn thoa một ít dầu khuynh diệp vào vùng mũi, cổ họng xuống ngực. Cách này giúp làm giảm các cơn ho và tình trạng cảm lạnh của mẹ bầu rất hiệu quả. Ngoài ra, mẹ cũng có thể xông hơi với nước nhỏ vài giọt dầu khuynh diệp để giải cảm, thông mũi, thông cổ họng.
Nước muối
Dung dịch nước muối giúp làm lỏng chất nhầy, cuốn trôi các vi khuẩn và nấm từ cổ họng, giúp bạn giảm các triệu chứng ho và đau họng một cách hiệu quả. Khi bị ho, hãy súc miệng với nước muối ấm khoảng 3 – 4 lần mỗi ngày để nhanh chóng lành bệnh nhé.
Vừa rồi là những thông tin cũng như cách xử lý khi bà bầu bị ho. Hy vọng các mẹ đã trang bị được cho mình những kiến thức bổ ích để giảm ho cho bà bầu. Chúc mẹ sẽ có một thai kỳ khỏe mạnh và sinh được em bé thật kháu khỉnh và đáng yêu nhé.
Xem thêm:
- Đau lưng khi mang thai tháng đầu – Những điều mẹ bầu cần biết
- Mẹ bầu sốt cần làm gì? Đâu là nguyên nhân và cách xử lý an toàn?
- 16 bệnh thường gặp khi mang thai mẹ bầu cần biết
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!