Những điều cần biết về phương pháp đẻ không đau

Loading...
You got lucky! We have no ad to show to you!
Quảng cáo

Dân gian thường ví cơn đau đẻ như việc bị gãy 23 chiếc xương sườn cùng 1 lúc. Ngày nay, nhờ tiến bộ của khoa học và sự ra đời của các biện pháp giảm đau mới, sản phụ có thể vượt cạn dễ dàng và bớt đau đớn hơn. Việc tìm hiểu và lựa chọn phương pháp đẻ không đau ngày càng được các mẹ quan tâm nhiều hơn để giảm thiểu cảm giác đau đớn, lo lắng khi sinh. Phương pháp này có những ưu, nhược điểm như thế nào? Có phải mẹ bầu nào cũng có thể lựa chọn đẻ không đau?

Thế nào là đẻ không đau?

Đẻ không đau hiện là phương pháp sinh hiện đại được áp dụng rộng rãi hiện nay. Để thực hiện phương pháp này, bác sĩ sẽ tiến hành gây tê ngoài màng cứng mục đích nhằm giảm đau do cơn co thắt tử cung trong quá trình chuyển dạ. Bác sĩ sẽ đặt 1 ống thông rất nhỏ vào khoang ngoài màng cứng, vị trí đặt ở cột sống lưng. Ống thông này sẽ được dán cố định bằng băng keo dọc theo lưng về phía vai của sản phụ. Ngay sau đó, thuốc gây tê được tiêm ngắt quãng hoặc bơm kim điện tự động, truyền liên tục với tốc độ rất nhỏ, ổn định qua ống thông để ngăn chặn sự dẫn truyền thần kinh, ngăn chặn cơn đau trong chuyển dạ cho tới khi em bé chào đời.

Sản phụ sẽ mất cảm giác từ phần bụng đến chân, nhờ vậy, giảm hẳn các cơn đau đớn. Dù không đau nhưng sản phụ vẫn tỉnh táo trong suốt quá trình vượt cạn. Thông thường, thủ thuật gây tê ngoài màng cứng được bắt đầu khi cổ tử cung của sản phụ mở từ 3 – 8cm. Một số trường hợp sản phụ đau nhiều hoặc có bệnh lý có thể được thực hiện sớm hơn. Bác sĩ sản khoa là người quyết định thời điểm tốt nhất để gây tê.

Ưu điểm của phương pháp đẻ không đau

Trước khi gây tê ngoài màng cứng, mẹ sẽ được bác sĩ thăm khám cẩn thận. Bác sĩ cũng sẽ hướng dẫn bạn tư thế thuận lợi nhất cho quá trình gây tê để giúp giảm nguy cơ biến chứng. Ngay khi thuốc tê được bơm vào khoang ngoài màng cứng, cơn đau sẽ giảm hẳn sau khoảng 10 – 15 phút. Phương pháp đẻ không đau bằng gây tê ngoài màng cứng còn đem lại rất nhiều lợi ích:

  • Bác sĩ gây tê dễ dàng kiểm soát giảm đau nhờ việc điều chỉnh linh hoạt loại thuốc, liều lượng và cường độ của thuốc. Từ đó, bác sĩ sản khoa có thể chỉ huy được cuộc đẻ tốt nhất cho mẹ và bé.
  • Vì hiệu quả của thuốc chỉ khu trú ở 1 vùng, bạn sẽ tỉnh táo và ý thức được toàn bộ quá trình chuyển dạ và sinh con của mình. Vì không cảm thấy đau đớn, mẹ có thể nghỉ ngơi thậm chí chợp mắt để dành sức cho việc rặn đẻ khi mọi thứ đã sẵn sàng.
  • Không giống như gây mê, đối với gây tê ngoài màng cứng, chỉ 1 lượng thuốc rất nhỏ có thể tiếp cận với em bé.
  • Tác dụng của thuốc gây tê sẽ kéo dài trong khoảng 45 – 70 phút. Trường hợp mẹ sinh nhanh có thể đủ giảm đau khi có chỉ định can thiệp khác như cắt tầng sinh môn, kiểm soát tử cung sau khi sổ nhau, khâu tầng sinh môn, thắt ống dẫn trứng…
  • Nếu phải mổ lấy thai cấp cứu thì có thể sử dụng ống thông ngoài màng cứng có sẵn làm vô cảm khi mổ và giảm đau sau sinh.

Nhược điểm mẹ cần biết của phương pháp đẻ không đau

Mặc dù biện pháp gây tê ngoài màng cứng mang lại những lợi ích tuyệt vời trong quá trình hỗ trợ sinh sản, tuy nhiên nó vẫn tiềm ẩn những biến chứng không mong muốn, gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của người mẹ.

Đối với mẹ và bé

  • Khi bác sĩ chuẩn bị tiến hành tiêm thuốc, bạn phải giữ nguyên tư thế cong lưng nhất có thể với bụng bầu phía trước trong 10 – 15 phút.
  • Gây tê ngoài màng cứng thường khiến chuyển dạ kéo dài hơn. Sự mất cảm giác ở phần dưới cơ thể làm yếu phản xạ đẩy xuống khiến bạn sẽ khó khăn hơn khi rặn. Nếu thấy khó khăn khi rặn đẻ, hãy nhờ sự giúp đỡ của các y tá để hướng dẫn bạn 1 cách tốt nhất.
  • 1 số trường hợp phải trợ sinh bằng máy hút và kẹp forcep để lôi em bé ra làm tăng nguy cơ rách âm đạo và có thể làm em bé bị bầm tím. Tuy nhiên, nguy cơ gây các vấn đề nghiêm trọng với bé là khá thấp.
  • Khoảng 1/100 sản phụ phản hồi rằng họ bị đau đầu nghiêm trọng kéo dài vài ngày sau khi được gây tê ngoài màng cứng. Nguyên nhân có thể do rò rỉ dịch não tuỷ. Vì vậy, để hạn chế nguy cơ đau đầu, bạn nên nằm yên trong khi đặt kim.
  • Trong trường hợp rất hiếm, gây tê ngoài màng cứng có thể ảnh hưởng đến khả năng hô hấp, và 1 số trường hợp cực hiếm nó có thể gây tổn thương hoặc nhiễm trùng tế bào thần kinh.

1 số tác dụng phụ của thuốc

  • Thuốc gây tê dùng trong gây tê ngoài màng cứng có thể gây hạ huyết áp tạm thời và giảm lượng máu đến em bé khiến nhịp tim của bé giảm. Vì vậy việc trong khi sinh mẹ luôn được truyền thuốc để giúp ổn định huyết áp và theo dõi tim thai chặt chẽ.
  • 1 số tác dụng phụ khác của thuốc gây mê là có thể gây ngứa, đặc biệt ở vùng mặt kèm với cảm giác buồn nôn và có thể làm mất cảm giác buồn tiểu, vì vậy bạn sẽ được chỉ định đặt ống thông tiểu để hỗ trợ tiểu tiện.
  • Ngộ độc thuốc tê: Đây là hậu quả của việc sử dụng quá liều thuốc tê tại khoang ngoài màng cứng hoặc do ống thông vô tình luồn vào mạch máu trong quá trình tiêm gây nhiễm độc. Vì vậy, cần chú ý hút ống thông trước khi tiêm thuốc tê. Ngoài ra, nếu sản phụ xuất hiện các triệu chứng đau đầu, run, co giật trong quá trình tiêm thì cần dừng ngay việc tiêm thuốc tê lại và điều trị bằng thông khí, sử dụng thuốc an thần chống co giật, có thể tiến hành hồi sinh tim nếu cần.

Những trường hợp không nên áp dụng phương pháp đẻ không đau

Thông thường việc quyết định có áp dụng phương pháp đẻ không đau (gây tê ngoài màng cứng) hay không là quyết định của sản phụ và người thân. Tuy nhiên không phải trường hợp nào cũng có thể thực hiện thủ thuật này. Những trường hợp sau được khuyến cáo không nên áp dụng gây tê ngoài màng cứng:

Loading...
You got lucky! We have no ad to show to you!
Quảng cáo
  • Mẹ bầu bị sốt cao, có nhiễm trùng tại vị trí tiêm ở lưng (mụn mủ, nhiễm trùng da …) viêm cấp tính, nhiễm trùng huyết
  • Bị rối loạn đông máu, đang sử dụng thuốc chống đông máu
  • Dị ứng với thuốc tê nhóm amid
  • Tụt huyết áp nặng chưa điều chỉnh được
  • Trường hợp có bệnh lý về thần kinh, bệnh lý cột sống, đang chảy máu hoặc cấp cứu
  • Chống chỉ định tuyệt đối với trường hợp bị thoát vị đĩa đệm, đau thần kinh tọa, vẹo cột sống.

Xem thêm

Loading...
You got lucky! We have no ad to show to you!
Quảng cáo

Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!

Bài viết của

ZinVi