Dây rốn quấn cổ 1 vòng sinh thường được không tuỳ vào thời điểm mẹ được phát hiện và tình trạng dây rốn quấn như thế nào. Nhưng nhìn chung, hầu hết nhiều trường hợp đều có thể sinh thường và em bé hoàn toàn khoẻ mạnh.
Nguyên nhân gây nên dây rốn quấn cổ 1 vòng
Dây rốn quấn cổ, hay dân gian còn được gọi là tràng hoa quấn cổ, là thuật ngữ được các chuyên gia y tế sử dụng khi thai nhi bị dây rốn quấn quanh cổ. Điều này có thể xảy ra trong khi mang thai, chuyển dạ hoặc sinh nở.
Hiện tượng dây rốn quấn cổ thai nhi có thể là 1 vòng, hay nhiều vòng hơn nữa.
Dây rốn là nguồn sống của em bé. Nó cung cấp máu, oxy và chất dinh dưỡng mà thai nhi cần. Bất kỳ vấn đề nào với dây rốn của thai nhi cũng có thể rất đáng lo ngại, nhưng phần lớn không quá nguy hiểm.
Nguyên nhân gây ra hiện tượng này:
- Do thai nhi khá “năng động”, thường xuyên cử động, xoay chuyển trong không gian tử cung chật hẹp nhưng dây rốn lại dài, khiến cho dây rốn bị rối và vô tình quấn vào thân hay cổ con.
- Khi thai quay đầu để xuống dưới (gọi là thai thuận), dây rau mềm trơn nên cũng dễ bị quấn vào thai nhi
- Lớp dịch nhầy Wharton’s jelly có tác dụng giúp giữ cho dây rốn không bị thắt khi em bé di chuyển và nhào lộn trong bụng mẹ. Nhưng đôi khi, phần dịch nhầy lại không đủ và tăng khả năng thai nhi bị dây rốn quấn cổ.
- Mẹ mang thai sinh đôi hoặc ba
- Nước ối quá nhiều
- Dây rốn đặc biệt dài
- Cấu trúc của dây không đủ chất lượng
Các triệu chứng và chẩn đoán phát hiện hiện tượng này như thế nào?
Không có triệu chứng rõ ràng nào cho mẹ bầu thấy em bé trong bụng đang bị dây rốn quấn cổ 1 vòng hay nhiều vòng. Cơ thể của mẹ cũng như các triệu chứng trong quá trình mang thai sẽ không có gì thay đổi. Người mẹ không thể biết con mình có bị dây rốn quấn cổ hay không ngoại trừ có can thiệp bởi các biện pháp y tế.
Dây rốn quấn quanh cổ thai nhi chỉ có thể được chẩn đoán bằng siêu âm. Và đôi khi, thậm chí sau đó, vì một vài lý do thì trường hợp này có thể rất khó phát hiện. Ngoài ra, siêu âm chỉ có thể xác định được dây rốn. Các bác sĩ không thể xác định qua siêu âm xem dây rốn có gây rủi ro gì cho em bé hay không.
Và câu hỏi thường xuyên nhất các bác sĩ nhận được cho trường hợp này là:
- Dây rốn quấn cổ 1 vòng sinh thường được không?
- Có cách nào tháo gỡ ngay lập tức dây tràng hoa quấn cổ không?
Dây rốn quấn cổ 1 vòng sinh thường được không?
Nếu được chẩn đoán thai nhi đang bị dây rốn quấn cổ 1 vòng sớm trong thai kỳ thì điều quan trọng là không được hoảng sợ. Thai nhi lớn lên, tự di chuyển và có thể làm rối dây rốn thì cũng có thể tự tháo được. Do đó, trước tiên là mẹ phải hết sức bình tĩnh, biết đâu tháng sau hay khi gần sinh bác sĩ siêu âm lại thì con đã tự tháo ra.
Tùy vào trường hợp cụ thể mà bác sĩ chỉ định có nên mổ hay không. Thông thường, với các trường hợp thai nhi và mẹ khỏe mạnh hoặc tràng hoa quấn cổ ít (1 vòng), bác sĩ có thể chỉ định sinh thường. Và trong hầu hết các trường hợp, thai nhi sinh ra đều khỏe mạnh.
Hơn thế nữa, một yếu tố khác quyết định liệu dây rốn quấn cổ 1 vòng sinh thường được không là quấn chặt hay lỏng. Những trường hợp dây rốn quấn cổ lỏng không ảnh hưởng nhiều đến tuần hoàn thai nhi và có thể sinh thường được.
Trong quá trình chuyển dạ, có những cơn gò tử cung gây co thắt và thúc đẩy đầu thai nhi xuống tiểu khung, khi đó có thể ảnh hưởng đến tuần hoàn nhau thai. Và điều này có thể thể hiện bằng nhịp tim thai nhi bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, chị em cũng không phải căng thẳng quá mức cần thiết vì thường bệnh viện có máy để theo dõi nhịp tim thai, nếu có chèn ép rốn hoặc giảm lượng máu đến thai khi cổ tử cung chưa mở trọn, cuộc sinh còn kéo dài thì sẽ được mổ lấy thai ngay.
Thai phụ có thể làm gì khi em bé gặp tình trạng này?
- Hãy hít thở sâu và bình tĩnh, và hỏi thêm bác sĩ nếu có thêm thắc mắc nào khác.
- Điều quan trọng lúc này là theo dõi sát cử động thai (thai máy) và càng phải quan sát con kỹ hơn nữa. Khi phát hiện thấy bé đạp quá ít hoặc quá nhiều thì cần đến bệnh viện kiểm tra ngay.
- Tuân thủ theo đúng lịch hẹn tái khám của bác sĩ.
- Duy trì chế độ sống lành mạnh và tinh thần tích cực, thoải mái và hạnh phúc.
- Nếu có muốn thực hiện các mẹo tháo dây rốn thì nên hỏi ý kiến bác sĩ và đảm bảo các biện pháp an toàn khi thực hiện.
Theo thống kê thì khoảng 12% tình trạng này xảy ra ở thai từ 24-26 tuần, 37% ở thai đủ tháng. Và hầu hết các trường hợp dây rốn quấn cổ 1 vòng không có nhiều nguy hiểm đe doạ tính mạng bé.
Xem thêm:
- Dây rốn quấn cổ 1 vòng tuần 38 có nguy hiểm không, làm cách nào gỡ dây rốn cho bé?
- Thực hư chuyện em bé thông minh vượt trội khi có dây rốn quấn cổ
- Dây rốn quấn cổ 4 vòng, bé gái vẫn ra đời khỏe mạnh
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!