Dạy con theo phương pháp Shichida từ 0-3 tuổi

Dạy con theo phương pháp Shichida, mẹ đã bao giờ nghe đến? Ngay từ khi trẻ vừa chào đời, mẹ đã có thể dạy con theo cách này để giúp trẻ phát triển trí não tốt hơn.

Dạy con theo phương pháp Shichida, giai đoạn từ 0-6 tuổi là giai đoạn quan trọng giúp trẻ phát huy được khả năng trí tuệ vô hạn. Trong đó, thời kỳ 0-3 tuổi là lúc khả năng hấp thu kiến thức của trẻ ở mức cao nhất. Bé có thể tiếp nhận mọi điều ba mẹ dạy, từ ngôn ngữ, âm nhạc đến vẽ hay viết. 3-6 tuổi lại là thời kỳ để trau dồi và bồi dưỡng những tố chất mà trẻ có để phát triển đúng hướng.

Tiếp cận với phương pháp & dạy con theo phương pháp Shichida dành cho bé sơ sinh và mầm non từ 0-3 tuổi, mẹ có thể thực hành theo những cách sau để giúp con phát triển trí não toàn diện.

1/ Dạy con cảm thụ âm, phát triển thính giác

Tác dụng: Giúp trẻ cảm thụ âm tốt, thúc đẩy năng lực nhận thức, thúc đẩy năng lực biểu hiện.

Dạy con theo phương pháp Shichida – Cảm thụ âm nhạc

Cho trẻ sơ sinh nghe nhạc, hoặc tiếp xúc với môi trường âm nhạc càng nhiều càng tốt. Ngoài nghe nhạc, mẹ có thể mua những đồ chơi phát ra âm thanh, thường xuyên nhún nhảy theo bài hát cùng trẻ khi nghe. Khi chơi cùng bé, mẹ kết hợp cùng các bài nhạc hoặc dụng cụ phát ra âm thanh để tăng không khí vui vẻ.

2/ Sử dụng flash card, hình ảnh minh họa

Tác dụng: Rèn luyện trí nhớ trong thời gian ngắn, năng lực nhận thức, vốn từ vựng cho trẻ.

Dạy con theo phương pháp Shichida – Flashcards

Phương pháp chơi cùng trẻ flash card này rất tốt cho phát triển não phải của trẻ vì nó đáp ứng được 2 yêu cầu là luyện được phản xạ nhớ rất nhanh và dung lượng nhớ vô hạn. Chơi cùng các tấm flash card bằng cách: Mua những tấm bìa cứng hay mảnh giấy nhỏ, viết lên các chữ cái, chữ số, từ vựng rồi cho trẻ nhìn. Mẹ cứ giơ ra cho trẻ xem và đồng thời đọc từ vựng có ghi trên tấm bìa đó cho trẻ nghe, khoảng 1giây /1 tấm. Cứ lặp đi lặp lại nhiều lần và nhiều ngày. Trò chơi này phát huy trí nhớ và tốc độ tư duy lẫn khả năng nhớ không lồ của trẻ.

3/ Nhận biết màu sắc

Tác dụng: Rèn luyện khái niệm về màu sắc, cảm thụ nghệ thuật, năng lực biểu hiện.

Khi mới bắt đầu, mẹ cho trẻ nhìn những màu sắc đơn giản như trắng, đen; sau đó tăng dần về số lượng. Lấy 1 thùng rồi mua thật nhiều những quả cầu nhỏ có đủ các màu sắc, mẹ sẽ nhặt từng quả cầu lên và nói tên màu sắc cho trẻ, số lượng màu sắc sẽ tăng dần lên, mới đầu chỉ là xanh, đỏ, vàng…dần dần nhiều hơn nữa.

Giúp con nhận biết màu sắc qua đồ chơi

4/ Phân biệt hình dáng

Tác dụng: Rèn luyện khái niệm về hình khối, năng lực tưởng tượng, năng lực nhận thức không gian.

Cho trẻ học nhận biết các hình học như vuông, chữ nhật, tam giác, hình thang, tròn, bình hành, thoi, lập thể…khoảng 10 hình học cơ bản nhất. Cách áp dụng rất đơn giản: Mẹ cắt tấm bìa thành các hình khác nhau, kèm theo các màu sắc đa dạng và cho trẻ chơi trò đoán hình là gì, kết hợp luyện luôn nhớ tên màu sắc. Hoặc mẹ có thể kết hợp dạy trẻ các đồ vật trong nhà hình gì…

5/ Nhận biết kích thước

Tác dụng: Luyện khái niệm to, nhỏ; khái niệm theo thứ tự, trình tự; năng lực giải quyết vấn đề.

Đặt trước mặt trẻ thật nhiều đồ với kích thước khác nhau, mẹ chỉ cho trẻ cái nào là to, cái nào là nhỏ. Sau khi trẻ đã định nghĩa được thế nào là to, nhỏ, mẹ có thể chơi cùng trẻ bằng cách giơ hai vật ra để trẻ so sánh chọn cái nào to hơn, nhỏ hơn rồi sau đó tiến lên là trong 3, 4 vật chọn ra 1 vật to nhất hay nhỏ nhất. Với các bé nhỏ, giơ hình các con vật, thú nhồi bông để so sánh to nhỏ sẽ làm bé hứng thú hơn.

6/ Rèn luyện các ngón tay

Tác dụng: Luyện độ khéo léo, kĩ xảo, năng lực tập trung.

Ngón tay hay bàn tay được ví như bộ não thứ 2 của con người bởi vì nó đóng vai trò quan trọng nhất đối với mọi hành động hay suy nghĩ. Đầu tiên là luyện cho trẻ cầm nắm. Khoảng 2-3 tháng tuổi, trẻ đã có thể ngay lập tức cầm nắm rất chặt những thứ trong phạm vi tầm với.

Mới bắt đầu, mẹ luyện cho trẻ cầm 5 ngón, rồi 4 ngón, rồi đến 3 ngón, rồi đến 2 ngón bằng cách cho trẻ cầm quả bóng hay viên bi nhỏ bỏ vào hộp hay lấy từ hộp ra. Có thể thời điểm khởi đầu sẽ khá khó khăn, trẻ không cầm được, nhưng chỉ cần luyện dần dần, trẻ sẽ thành thạo.

7/ Phát triển toàn diện 5 giác quan

Tác dụng: Rèn luyện cảm giác, cảm âm, điều hòa được cảm xúc.

Theo phương pháp Shichida, ba mẹ nên thường xuyên dẫn trẻ đi dạo trong ngõ, xóm để trẻ tiếp xúc với thiên nhiên vào cả bổi sáng lẫn buổi tối, vừa đi vừa chỉ cho trẻ tên các loài cây, hoa lá…Cho trẻ ngửi các mùi thơm, loài hoa đồng thời nói cho trẻ biết đó là hoa gì. Nếu được thì khi đi dạo ta sẽ ngắt bông hoa, mở ra rồi chỉ các bộ phận bên trong của hoa là gì…để kích thích trí tò mò, ham hiểu biết của trẻ. Cho trẻ tiếp xúc sớm với động vật là một cách giúp trẻ hướng thiện, biết yêu thương người khác, yêu thương động vật.

Việc dạy con theo phương pháp Shichida này hoàn toàn thuận theo tự nhiên và sự phát triển của bé, áp dụng đúng phương pháp sẽ giúp bé phát triển trí não toàn diện hơn.

Các bài viết có liên quan:

Cách dạy con ngoan của người Nhật.

Làm thế nào tăng cường tư duy cho trẻ từ hai tuổi?

 

Bài viết của

MeKrobis