Dạy con nghe lời đúng cách không phải là ép buộc, la mắng, đánh đập con trẻ. Thay vào đó, bố mẹ hãy áp dụng các nguyên tắc dạy con từ các chuyên gia giáo dục sau đây.
Trẻ con không thể tránh khỏi những khi bướng bỉnh, khó bảo, thậm chí giận dữ với bố mẹ. Nhưng chuyện sẽ tồi tệ hơn nếu bạn dùng quyền lực để áp chế hoặc quát nạt bé. Theo các chuyên gia giáo dục, điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến tâm lý của trẻ. Vậy phải làm gì trong hoàn cảnh này?
Kiên nhẫn lắng nghe lý do vì sao con nói “Không”
Nếu trẻ đang trong cơn bướng bỉnh, không chịu nghe lời, bố mẹ nên im lặng. Đó là cách để cả bố mẹ và con trẻ giữ bình tĩnh và làm dịu tình hình. Tiếp đó, bạn hãy cố gắng cho trẻ một không gian riêng. Nếu bé vẫn ở xung quanh bạn, hãy xem như bạn không để ý đến sự hiện diện của bé. Chỉ khi cả hai đã lấy lại được bình tĩnh, cha mẹ mới nói chuyện nhẹ nhàng với con. Lúc này, bạn cần thận trọng trong việc giao tiếp, sử dụng giọng điệu và ngôn ngữ cơ thể.
Hãy bắt đầu cuộc trò chuyện với con bằng những câu hỏi quan tâm. Ví dụ:”Con đang bực mình chuyện gì à? Có thể kể cho bố/mẹ nghe được không?”. Câu hỏi đơn giản này sẽ giúp trẻ bình tĩnh và biết được bố mẹ đang quan tâm đến mình.
Thể hiện sự tôn trọng con khi đưa ra yêu cầu với bé
Khi nói chuyện với trẻ, bạn cần hạ thấp cơ thể để mắt bạn ngang tâm với mắt của con. Nếu bạn đang đứng, hãy ngồi xuống hoặc bế bé cùng ngồi với bạn. Chỉ hành động nhỏ này thôi cũng có thể làm bé chịu lắng nghe.
Theo các chuyên gia tâm lý, điều này là do bé đã cảm thấy mình được tôn trọng. Khi trẻ cảm giác tiếng nói của mình được lắng nghe, chắc chắn trẻ sẽ cởi mở hơn. Bạn cần hạn chế tối đa việc dùng câu mệnh lệnh khi đưa ra yêu cầu. Thay vì vậy, bạn hãy chuyển sang câu hỏi “Có/Không” để trẻ cảm thấy dễ chịu và được lựa chọn.
Thời điểm đưa ra yêu cầu cũng phải hợp lý. Không nên bắt ép bé phải ngay lập tức làm những điều mà bé không muốn. Nếu không các bé có thể lên cơn ăn vạ để chống đối. Bạn nên thông báo trước yêu cầu của mình để trẻ chuẩn bị tâm lý. Ví dụ, khi cho trẻ xem tivi, bạn nên thông báo cho bé giờ phải tắt tivi. Khi gần đến giờ, bạn có thể nói: “Còn 5 phút nữa là đến giờ tắt tivi rồi con nhé!”
Không đáp ứng những yêu sách của con
Rất nhiều đứa trẻ trở nên bướng bỉnh và ích kỷ hơn bởi chính sự chiều chuộng quá mức của bố mẹ. Các bé có tính cách này sẽ luôn giận dữ khi không được đáp ứng yêu cầu. Chúng rất hay gào thét, thậm chí la hét, “ăn vạ” với bố mẹ ở nơi đông người.
Nếu trẻ lỡ mang tính cách này, bạn vẫn có cách sửa sai cho con. Khi bé gào toáng hoặc ăn vạ giữa chỗ đông người, bạn nên đưa con đến chỗ ít người qua lại. Sau đó, hãy đợi con bĩnh tĩnh trở lại và giải thích cho con hiểu. Hãy khéo léo giữ nguyên quyết định ban đầu để trẻ hiểu thái độ kiên quyết của bạn.
Động viên và khen ngợi con khi cần thiết
Thái độ, cách đối xử của người lớn cũng là nguyên nhân khiến trẻ trở nên khó bảo. Muốn dạy con nghe lời, bố mẹ nên thực hiện chính sách mềm mỏng. Trong sinh hoạt hằng ngày, hãy khen ngợi trẻ thay vì chỉ trích. Đặc biệt bạn tuyệt đối không được so sánh con với người khác. Các chuyên gia giải thích rằng điều này có tác động rất xấu đến trẻ. Không ít bé vì bị bố mẹ so sánh mà mang tính cách nhút nhát, tự ti và sợ kết bạn với mọi người.
Ba mẹ nên khuyến khích khi bé có các hành vi tốt, tích cực. Bố mẹ cũng có thể tặng cho các con phần thưởng nhỏ để bé thêm hào hứng hơn. Hãy đồng hành và giúp đỡ con khi con cần. Điều đó sẽ làm bé thấy nể phục và chịu lắng nghe lời nói của bạn một cách tự nhiên.
Quy tắc trong gia đình phải được mọi thành viên trong gia đình tôn trọng
Mọi luật lệ trong gia đình đều phải có sự nhất trí giữa ba mẹ và con cái. Luôn nói chuyện với bé về việc bé sẽ bị phạt thế nào khi vi phạm. Hãy chọn hình thức phạt hợp lý, khiến trẻ “tâm phục khẩu phục”. Ngược lại, ba mẹ cũng phải tôn trọng các luật lệ này. Nếu không, trẻ sẽ cảm thấy bị đối xử bất công. Thậm chí bé sẽ nảy sinh tâm lý nghi ngờ, không tin tưởng vào lời nói của bố mẹ.
Hãy cho trẻ được sống trong một gia đình yên ấm, hạnh phúc
Khoa học đã chứng minh quan hệ căng thẳng giữa bố mẹ ảnh hưởng rất xấu đến con trẻ. Trong đó tâm trạng, hành vi của bé sẽ nhận những tác động tiêu cực nhất. Trẻ em học hỏi rất nhiều thông qua hành vi ứng xử hàng ngày của bố mẹ. Nếu các con nhìn thấy cha mẹ hay cãi nhau, dùng lời lẽ thô tục, chúng rất dễ học theo.
Giữ lời hứa và trở thành tấm gương tốt cho con
Ngoài ra, lời hứa của cha mẹ rất quan trọng nếu muốn dạy con nghe lời bạn. Bởi lẽ theo các nghiên cứu gần đây, trẻ sẽ nhớ mọi lời hứa của bạn. Vì thế, cha mẹ nên cố gắng giữ lời hứa với con ở mức cao nhất. Nếu có những việc quan trọng đột xuất, hãy xin lỗi trẻ và cam kết thực hiện vào một lần khác.
Trẻ em là hình ảnh phản chiếu rất rõ của bố mẹ, những người gần gũi với các bé nhất. Bạn không thể dạy con nghe lời nếu bản thân liên tục vi phạm các nguyên tắc đã đặc ra. Trẻ khó trở thành một người tốt nếu bố mẹ của bé luôn làm những điều không tốt. Bạn hãy trở thành một tấm gương tốt để con yêu của mình noi theo. Theo các chuyên gia giáo dục, đó mới là bí quyết dạy con nghe lời hiệu quả nhất từ xưa đến nay.
Xem thêm
- 10 cách đơn giản mà hiệu quả để bé chịu nghe lời cha mẹ
- Con không nghe lời mẹ vì 5 lý do này và cách hóa giải diệu kỳ
- Tại sao trẻ không nghe lời? Trẻ thực sự ương bướng hay còn lý do khác?