“Công chúa” bé bỏng ngày một lớn lên và bạn “giật mình” nhận ra con cứ dùng tã/bỉm mãi? Đừng quá vội vàng bạn ạ! Dạy con gái ngồi bô đòi hỏi bố mẹ đầu tư thời gian, sự kiên nhẫn, và sự hợp tác từ con.
May mắn thay, các chuyên gia nghiên cứu rằng thường bé gái ngồi bô sớm hơn bé trai vì bé gái không dễ bị phân tâm. Thêm nữa, bé có thể học hỏi, bắt chước anh/chị lớn hơn trong nhà khi tập làm việc đó.
Thời điểm con có thể bắt đầu tự dùng bô
Mấu chốt để đạt được thành công trong việc rèn cho con gái ngồi bô chỉ có thể đạt được khi con sẵn sàng làm điều đó. Một số bé có thể tự ngồi bô từ 18 tháng, trong khi một số khác không bắt đầu sớm được như thế mà phải khi 3-4 tuổi mới tự ngồi được.
Các nghiên cứu cho thấy rằng khi bố mẹ cố gắng ép con tự ngồi bô trong khi trẻ chưa thực sự sẵn sàng về thể chất cũng như tinh thần, thì bố mẹ chỉ mất nhiều thời gian hơn. Bạn cứ tưởng tượng như con chạy trước nhưng cuối cùng cũng về đích cùng thời gian với bé khác vậy đó. Vì thế, hãy xem con có những dấu hiệu để sẵn sàng tự ngồi bô được chưa, rồi hẵng bắt đầu cho con luyện tập bạn nhé.
9 dấu hiệu cho thấy con đã sẵn sàng cho việc tự ngồi bô
- Hứng thú với việc sử dụng bô
- Bé làm theo được những chỉ dẫn đơn giản của người lớn
- Đã có thể báo với người lớn khi nào bé đi tè hay đi tiêu
- Bé “khô ráo” trong vòng ít nhất 2 tiếng trong giấc ngủ ban ngày
- Đã có thể đi bộ hoặc chạy
- Bé có thể ngồi yên một chỗ từ 2 đến 5 phút
- Có thể tự kéo quần lên hoặc tụt quần xuống
- Không thích cảm giác tã/bỉm bị bẩn
- Nhận ra được thành quả của bản thân
Chọn thời điểm dạy con gái ngồi bô khi bé ít có sự xáo trộn
Nếu con đã có trên một nửa số dấu hiệu, bé đã sẵn sàng cho việc luyện tập rồi đấy. Tuy nhiên, bạn nên chờ thời điểm thích hợp – khi con đang có những thói quen ổn định. Vì nếu bé đang ở thời điểm có nhiều thay đổi như vừa mới đi học trường mầm non, hoặc mới có thêm em, thì bé có thể sẽ khó chấp nhận thêm thay đổi hoặc cảm thấy quá sức với thử thách này.
Bố mẹ nên tránh những lúc con dễ phản kháng như thế, và đợi cho đến khi bé cảm thấy thích nghi được với những điều mới mẻ. Để dạy con gái ngồi bô, hãy làm theo các bước sau đây.
Để con nhìn và học theo
Trẻ ở lửa tuổi này thường bắt chước hành vi của người lớn. Bé sẽ quan sát người lớn sử dụng phòng tắm như thế nào và học theo.
Gọi bộ phận sinh dục với tên chính xác
Khi nói với bé về các bộ phận cơ thể, hãy dạy con một cách chính xác. Nếu bạn gọi vùng kín của bé bằng những từ ngữ giảm nhẹ, nói tránh đi; trong khi những vùng cơ thể khác (ngực, lưng, mông,…) lại được gọi một cách bình thường, thì con sẽ suy luận rằng bộ phận sinh dục là một chỗ rất đáng xấu hổ. Hãy thẳng thắn nói với con: “Chỗ này gọi là ‘bướm’ “. Những lớp học giới tính cho trẻ nhỏ cũng cùng đúng từ này để dạy trẻ về bộ phận sinh dục của con gái, nên bạn đừng ngại nhé.
Để con thử các cách đi vệ sinh khác nhau
Có thể bé đã trông thấy anh trai hoặc bố, hoặc một vài người bạn cùng trường mầm non/ nhà trẻ đứng cao lên khi đi vệ sinh. Nhiều khả năng bé sẽ học theo cách đi vệ sinh này. Hãy cứ để bé thử đi! Chắc chắn bố mẹ sẽ phải lau chùi sau khi để bé thử như vậy. Thế nhưng, con sẽ nhanh chóng nhận ra cách đi vệ sinh ấy rất khó đối với giới tính của mình và sẽ quay về cách tự nhiên nhất.
Trường hợp con vẫn ngang bướng, hãy để con nhìn cách mẹ đi tiểu như thế nào và giải thích cho bé tại sao mẹ và con gái nên ngồi xuống khi đi tiểu.
Mua loại bô/bệ ngồi toilet phù hợp với bé
Các chuyên gia về trẻ em khuyên rằng người lớn nên mua một chiếc bô có kích thước phù hợp với trẻ nhỏ để con cảm thấy dụng cụ đó là dành riêng cho con, sẽ an toàn hơn khi ngồi bồn cầu lớn. (Nhiều trẻ em có cảm giác sợ sẽ rơi xuống hố vệ sinh và sự lo lắng này có thể cản trở việc luyện tập của bé). Điều quan trọng nữa là bạn nên giám sát mỗi lần con đi vệ sinh, vì bé ở lứa tuổi này rất tò mò và có thể gặp nguy hiểm trong phòng vệ sinh đó.
Nếu bạn mua bệ ngồi toilet cho con gái, hãy chắc chắn là nó đem lại sự thoải mái và an toàn cho bé. Bạn có thể để thêm một chiếc ghế để bé có thể tự trèo lên/ trèo xuống bồn cầu mỗi khi bé cần. (Trên thị trường hiện nay cũng bán rất nhiều loại ghế ngồi bồn cầu kết hợp thang vịn dành cho bé.) Chiếc ghế này cũng có tác dụng đỡ chân khi bé “gồng mình” đi đại tiện.
Bạn cũng có thể gián tiếp “giới thiệu” cho con cách đi vệ sinh mới này bằng cách cho bé xem vài cuốn sách ảnh hoặc video dễ thương dành cho trẻ nhỏ hướng dẫn bé sử dụng bồn cầu.
Giúp con thích nghi với việc dùng bô/ bệ ngồi
Hãy bắt đầu tập cho con thích nghi với việc dùng bô/ bệ ngồi bằng cách giải thích cho con biết chiếc bô/ bệ ngồi đó là của con, dành riêng cho con. Bạn có thể viết tên con gái lên trên chiếc bô/bệ ngồi hoặc để con tự trang trí bằng nhãn dán rồi bảo con thử ngồi lên đó khi vẫn mặc quần áo xem cảm giác của con thế nào.
Sau khi con gái thử ngồi được khoảng 1 tuần trở lên (vẫn mặc quần), bạn có thể bắt đầu để con ngồi bô sau khi kéo quần xuống. Nếu con phản kháng, hãy cứ bình tĩnh và tránh gây áp lực tiếp cho con. Chỉ cần bạn quá sốt sắng, con có thể không muốn cố gắng như vậy nữa.
Bạn có thể minh hoạ việc ngồi bô cho bé bằng việc sử dụng búp bê hoặc thú bông yêu thích của con. Con sẽ học từ các chuyển động của đồ chơi rất nhanh, hơn là việc chỉ ngồi nghe bố mẹ nói. Một số phụ huynh thậm chí còn mua thêm đồ chơi hình bồn cầu cho búp bê hoặc thú bông của bé. Trong khi búp bê “ngồi” bồn cầu thì con cũng đang ngồi trên bô/bệ ngồi của mình. Bé sẽ cảm thấy có người đồng hành hơn.
Động viên bằng cách cho con chọn đồ lót “thật ngầu”
Khi dạy con tập tự đi vệ sinh, bố mẹ hãy thử động viên con bằng cách rất đặc biệt này: Cho con tự chọn quần lót. Con có thể chọn cho mình chiếc quần in hình nhân vật yêu thích hoặc có thiết kế hợp mắt bé. Bố mẹ có thể giải thích kèm theo về việc bé đã đủ tuổi để bắt đầu tự sử dụng bô và mặc đồ lót giống mẹ hoặc chị gái. Bé lúc này sẽ rất hứng khởi đó!
Phối hợp hành động với nơi dạy trẻ
Bạn có thể thông báo với cô giáo ở trường bé rằng bạn đang bắt đầu dạy con gái ngồi bô để các cô phối hợp trong việc rèn luyện cho trẻ.
Có 2 phương án mà các bác si nhi đưa ra khi bé đến lớp mầm hoặc nhà trẻ: Hoặc trẻ mặc loại tã/bỉm có thể kéo lên xuống giống đồ lót; Hoặc bạn cho con bỏ bỉm luôn, chỉ mặc đồ lót, để con cảm nhận khi bị ướt nhanh hơn. Bạn sẽ phải quyết định phương án nào phù hợp nhất với con mình bởi mỗi bé lại có cá tính và phản ứng khác nhau.
Khi về nhà, bạn có thể tiếp tục để con chỉ mặc đồ lót để tập dần thói quen tự đi vệ sinh. Tuy nhiên, vào ban đêm, có thể thời gian đầu bạn sẽ muốn con tiếp tục mặc tã. Sau một thời gian con quen dần thì bạn hẵng bỏ hẳn tã đêm.
Còn tiếp: Dạy con gái tự ngồi bô: tưởng dễ mà không phải vậy (Phần 2)
Xem thêm: