“Dấu hiệu mang thai ai cũng có” là từ khóa thường xuyên được các chị em phụ nữ tìm kiếm để chuẩn bị sẵn sàng cho một thai kì khỏe mạnh. Đa số các chị, các mẹ thường dựa vào việc trễ kinh như một dấu hiệu nhận biết có thai. Nhưng thật bất ngờ là cơ thể đã ngầm thông báo cho chúng ta một vài dấu hiệu khác còn sớm hơn cả việc “đèn đỏ” đến muộn ngay khi bạn mang trong mình một mầm sống. Hãy cùng tìm hiểu 10 dấu hiệu mang thai ai cũng có nhưng không phải ai cũng biết cùng The AsianParent nhé!
Sau quan hệ bao lâu thì xuất hiện dấu hiệu đã có thai?
Nếu quan hệ không sử dụng phương pháp tránh thai thì sau 45 phút kể từ khi xuất tinh vào âm đạo, trứng và tinh trùng sẽ gặp nhau với điều kiện trứng đã rụng và chờ sẵn ở vòi trứng. Trứng được thụ tinh thành công tức là bắt đầu có thai. Vì vậy, sau khi quan hệ sớm nhất là 45 phút và muộn nhất là 72 tiếng tùy thuộc vào “tuổi thọ” của tinh trùng, bên trong cơ thể phụ nữ đã xảy ra một “cuộc cách mạng” lớn.
Tuy nhiên, đây là giai đoạn sớm rất khó để phát hiện có thai hay chưa nếu dựa vào các biểu hiện bên ngoài hay các phương pháp kiểm tra thông thường. Mặc dù vậy, cũng không cần đợi đến sự có mặt hay biến mất của chu kì kinh tiếp theo mà chỉ cần sau thời gian quan hệ từ 7 đến 10 ngày, một số dấu hiệu có thai đã bắt đầu xuất hiện.
Tự nhận biết các dấu hiệu mang thai rất sớm
Cơ thể phụ nữ vô cùng nhạy cảm. Khi thai đã về tử cung và bắt đầu quá trình làm tổ thì có đến 85% phụ nữ mang thai lần đầu đều có cùng chung một vài thay đổi rõ rệt được thể hiện ra bên ngoài từ tuần đầu tiên đến tuần thứ 12 của thai kì.
1. Ngực đau tức, cương sưng
Một trong những dấu hiệu sớm nhất giúp các chị em đoán biết được mình đã có thai là ngực trở nên mềm, đau và lớn hơn. Lúc này, các hormone trong cơ thể phụ nữ thay đổi nhanh chóng làm cho lượng máu tuần hoàn đến bầu ngực tăng lên và gây ra cảm giác khác thường trên. Thông thường dấu hiệu này thường xảy ra khoảng 1 tuần sau khi quan hệ và cũng có thể kéo dài suốt 3 tháng đầu của thai kì.
Ở nhiều phụ nữ, vùng da xung quanh đầu ti cũng biến đổi, trở nên thâm, đen hơn sắc tố da bình thường. Khu vực này trở nên nhạy cảm nên bạn cũng sẽ có cảm giác nóng rát đầu núm vú và khi chạm vào bầu ngực sẽ thấy đau. Mức độ đau sẽ ngày một gia tăng và rõ rệt hơn.
Hàm lượng Progesteron và hCG trong cơ thể tăng lên cũng khiến cho kích thước vòng 1 thay đổi. Bạn sẽ cảm nhận được điều này khi cảm thấy chật chội trong những chiếc áo lót thường mặc. Hãy bổ sung thêm vitamin E, D và tìm chiếc áo ngực phù hợp hơn hoặc có thể áp dụng phương pháp massage bầu vú mỗi ngày bằng vòi hoa sen khi tắm hoặc xoa bóp nhẹ nhàng bằng tay để giảm bớt sự khó chịu.
Để không nhầm lẫn với hiện tượng đau tức ngực khi gần đến kỳ kinh, bạn nên kiểm tra bằng cách chạm vào bầu ngực đặc biệt là đầu ti mà thấy đau nghĩa là khả năng mang thai cao hơn, còn khi sắp có kinh thường chỉ đau nhức vùng bầu ngực mà thôi.
2. Tính tình nhạy cảm là một trong những dấu hiệu mang thai ai cũng có
Một điều thú vị là ngay cả với những phụ nữ “cứng cỏi” và kiểm soát tốt cảm xúc trong cuộc sống hàng ngày thì ngay khi trở thành những bà bầu trong những tuần đầu tiên cũng thường được mọi người nhận xét là có sự thay đổi khá rõ rệt về tính cách.
Bạn trở nên nhạy cảm hơn rất nhiều đối với mọi sự việc hay lời nói trong những hoàn cảnh khác nhau. Đây cũng là dấu hiệu có thai sau 1 tuần mà các chị em nên lưu ý. Sự xúc động, tức giận, căng thẳng, lo lắng, bồn chồn là những cảm xúc bạn liên tục gặp phải do sự thay đổi của hormone trong cơ thể và thể chất của thai phụ.
3. Đau lưng và vùng xương chậu
Một thay đổi khác dễ nhận biết mà chị em vô tình bỏ qua vì nhầm lẫn với việc sắp đến ngày đèn đỏ là những cơn đau lưng. Nếu cơn đau trong ngày đèn đỏ chỉ xuất hiện trong 2, 3 ngày thì đau lưng mang thai sẽ kéo dài hơn và cảm giác trầm trọng hơn.
Cơn đau thường xuất hiện ở vị trí thắt lưng gần với xương chậu nhất hoặc dọc sống lưng. Đây được coi là dấu hiệu dây chằng ở lưng phải giãn ra để thích nghi với sự lớn dần lên của tử cung trong bụng mẹ.
4. Đi tiểu nhiều
Mặc dù không uống quá nhiều nước nhưng bạn lại đi tiểu liên tục. Nếu không phải là những nguyên nhân khác của sức khỏe thì số lần đi tiểu tăng lên cũng là dấu hiệu của việc mang thai.
Sau khi trứng được thụ tinh khoảng 6 tuần, lưu lượng máu trong cơ thể tăng lên đáng kể khiến cho thận bài tiết ra nhiều nước hơn. Tiếp đó, ngoài việc dây chằng co giãn làm người phụ nữ thấy đau lưng thì bàng quang cũng sẽ chịu nhiều áp lực khi thai được hình thành và phát triển. Thai càng lớn thì bàng quang càng bị chèn ép nhiều hơn khiến mẹ bầu thường có cảm giác bóng đái căng tức gây ra tình trạng đi tiểu nhiều và tiểu về đêm.
5. Chuột rút
Những cơn chuột rút sẽ ghé thăm bạn ngay từ những tuần đầu của thai kì và xuất hiện thường xuyên hơn trong tam cá nguyệt thứ 3. Hiện tượng chuột rút được các chuyên gia giải thích là vào ngày thứ 6 đến ngày thứ 12 của thai kì, trứng bắt đầu bám chặt vào thành tử cung khiến tử cung bị kéo giãn hơn để tạo không gian phát triển cho thai nhi đồng thời chèn ép các mạch máu ở phía dưới nên thai phụ sẽ thường gặp phải tình trạng chuột rút bắp chân, bàn chân. Đây được xem là hiện tượng sinh lý thông thường khi mang thai vì cơ thể sẽ phải chuẩn bị cho sự phát triển của thai nhi trong suốt thời gian tới.
Tiết dịch âm đạo
Âm đạo phụ nữ có vị trí rất gần tử cung, dịch âm đạo thay đổi có thể là dấu hiệu tinh trùng gặp trứng và đã thụ thai thành công. Khi đó, lớp dịch nhầy âm đạo tiết ra sẽ trở nên đặc quánh, cổ tử cung đóng khít để đảm bảo cho phôi dễ bám vào thành âm đạo và phát triển.
Chất dịch âm đạo ở thời điểm này có màu trắng và đục như màu sữa, kéo dài trong suốt thai kì, không có mùi, không gây ngứa ngáy, khó chịu. Dịch âm đạo này hoàn toàn vô hại, không phải là dấu hiệu của các bệnh viêm nhiễm phụ khoa khác. Nó xuất hiện với mục đích ngăn ngừa nhiễm trùng ở cổ tử cung và làm mềm thành âm đạo.
Ốm nghén
Ốm nghén là một dấu hiệu thể hiện phản ứng thường thấy của cơ thể khi xuất hiện “yếu tố lạ”. Đó cũng là cách thông báo về sự thay đổi nội tiết tố của phụ nữ. Hiện tượng ốm nghén xảy ra đa phần với phụ nữ mang thai ở nhiều cấp độ khác nhau như buồn nôn, nhạy cảm với mùi vị và vị giác thay đổi gây chán ăn. Tình trạng này có thể trở nên trầm trọng như nôn khan, nôn “mật xanh mật vàng” và kéo dài trong suốt thai kì nếu cơ thể phản ứng quá quyết liệt.
Cũng có những trường hợp ốm nghén chỉ biểu hiện bằng những cơn buồn ngủ trong giai đoạn cấn thai do lượng hormone estrogen và progesterone tăng làm mất cân bằng bên trong cơ thể dẫn đến tình trạng phụ nữ hay uể oải và buồn ngủ hơn.
8. Thân nhiệt tăng
Vẫn xuất phát từ nguyên nhân do lượng hormone progesterone tiết ra nhiều hơn khi phụ nữ có thai nên thân nhiệt của cơ thể cũng tăng hơn, tương tự như vào những ngày rụng trứng nhưng trong thời gian dài hơn. Chính vì vậy nhiều bà bầu thường có cảm giác “bốc hỏa” và dễ nổi nóng.
9. Ra máu báo
Chỉ từ 5 đến 10 ngày sau khi trứng được thụ tinh, tử cung sẽ tự động dọn dẹp để thai bắt đầu làm tổ và phát triển. Lúc này, một số tế bào, niêm mạc cũng sẽ tự bong tróc và được đào thải ra ngoài qua âm đạo gây ra hiện tượng đau bụng và ra máu.
Một số chị em có chu kì kinh nguyệt không đều thường sẽ dễ bị nhầm lẫn đây là những dấu hiệu của kì kinh mới hoặc hiện tượng rong kinh. Nhưng nếu để ý, các chị có thể phân biệt được ngay vì máu báo thường chỉ là 1 vệt nhỏ, màu nâu hoặc đỏ nhờ, đỏ hồng dưới đáy quần lót và chỉ xuất hiện trong 1 đến 2 ngày mà thôi.
10. Dấu hiệu mang thai ai cũng có: Trễ kinh
Trễ kinh có lẽ là dấu hiệu rõ ràng và phổ biến nhất mà một phụ nữ khỏe mạnh sẽ nhận biết được ngay khi cơ thể đã bắt đầu có sự thay đổi. Không phải trễ kinh do nguyên nhân bệnh lý, chính nội tiết tố HCG (hormone hướng sinh dục tiết ra từ nhau thai) mà cơ thể sản sinh ra sẽ duy trì progesterone cho đến khi nhau thai được hình thành. Đèn đỏ sẽ đi vắng ít nhất 9 tháng kể từ thi các chị em bắt đầu có thai.
Nếu bạn đang có 1 chu kì đều đặn thì chỉ sau 8 ngày trễ kinh, phương pháp xét nghiệm nhanh bằng que thử thai ngay tại nhà sẽ cho kết quả tương đối chính xác. Nếu dương tính, hãy tiến hành khám tiền sản để được tư vấn thêm.
Một số dấu hiệu thường gặp khác:
– Đau đầu, chóng mặt
– Táo bón, đầy hơi, chướng bụng
– Khó thở, nhịp tim tăng
– Cân nặng tăng/giảm
– Thay đổi về da, tóc
Dù ít dù nhiều tất cả các mẹ bầu đều cũng sẽ trải qua những dấu hiệu mang thai kể trên. Tuy khác nhau về cường độ, tần số và thời gian nhưng đó là những tín hiệu đặc biệt thai nhi phát ra để thông báo về sự xuất hiện của mình. Khoảng 60% phụ nữ sẽ nhận ra dấu hiệu có thai ở tuần thứ năm, 71% vào cuối tuần thứ sáu và 89% trong tuần thứ tám.
Dù bạn đang háo hức đợi tin vui hay đang phải vật lộn với những trải nghiệm mới của bản thân thì hãy yên tâm rằng, sau khi cơ thể thích ứng được với sự thay đổi nội tiết tố, em bé sẽ là một phần của cơ thể mẹ và lớn dần lên từng ngày. Mong rằng bài viết này sẽ cung cấp những kiến thức tiền sản cần thiết nhất giúp cho các mẹ bầu có thể sẵn sàng về tâm lý và thể chất cho một thai kì khỏe mạnh và an toàn.
Xem thêm
- 12 dấu hiệu mang thai chính xác nhất trong tháng đầu tiên
- Dấu hiệu mang thai ba tháng đầu chị em thường gặp
- Dấu hiệu mang thai sau rụng trứng chị em không nên bỏ qua
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!