Chậm nói có phải là dấu hiệu của trẻ thông minh? Trên thực tế không có bằng chứng nào chứng minh trẻ chậm nói có kém thông minh. Ngược lại, cũng không chứng minh trẻ chậm nói sẽ trở thành thiên tài.
Tuy nhiên, các mẹ có thể dựa vào những thông tin bên dưới về tính chất của việc chậm nói để xác định dấu hiệu của trẻ thông minh hay không.
Não của trẻ em được lập trình sẵn về mặt di truyền với các quá trình cần thiết cho việc học tập và đặc biệt là học tập ngôn ngữ. Sự phát triển ngôn ngữ tốt nhất cho trẻ chỉ khi sự lập trình về mặt di truyền ở não bộ của trẻ tương tác với kích thích từ môi trường mà trẻ sống.
Ngôn ngữ là kết quả của mối liên hệ giữa não bộ và quá trình nuôi dưỡng từ môi trường xung quanh. Bản chất tự nhiên của não làm cho việc học ngôn ngữ có thể diễn ra được.
Có một số trẻ chậm nói phản ánh việc chậm phát triển hơn so với trẻ khác khi:
- Trẻ được chẩn đoán có những dị tật ở lưỡi, vòm họng.
- Hay trẻ bị điếc.
- Cũng có thể là trẻ bị tự kỉ, tâm lý không ổn định.
Tuy vậy, có một số ít trong những trẻ chậm nói được đánh giá là có dấu hiệu của trẻ thông minh
Các mẹ đã từng nghe đến “Hội chứng Einstein” chưa?
Thomas Sowell, một nhà kinh tế học đã viết cuốn sách “”The Einstein Syndrome: Bright Children who Talk Late”, tạm dịch “Hội chứng Einstein: Những đứa trẻ sáng dạ chậm nói”. Từ cuốn sách này, thuật ngữ “hội chứng Einstein” đã được sử dụng để nói về những đứa bé thông minh nhưng chậm nói. Bản thân nhà khoa học này cũng chỉ biết nói vào năm lên 4 tuổi.
Trong cuốn sách “The Einstein Syndrome”, Sowell đã theo sát hai nhóm trẻ em (một nhóm có 46 trẻ, một nhóm có 239 trẻ). Đây là những đứa trẻ chậm nói nhưng được đánh giá là khá thông minh.
Trong hai nhóm trẻ em này, Sowell thực sự muốn nhắc đến những đứa trẻ đặc biệt sáng dạ, phù hợp với tiêu chuẩn mà ông đặt ra từ thuật ngữ “hội chứng Einstein”.
Với ông, những đứa trẻ này có những đặc điểm và trải nghiệm tương tự như những gì mà người ta đã viết trước đó về nhà khoa học Albert Einstein.
8 thuộc tính riêng ở những đứa trẻ chậm nói nhưng mang tố chất thông minh sẵn có
1. Chậm nói:
Phần lớn trẻ em ở cả hai nhóm được nghiên cứu chỉ nói không quá một từ cho tới khi được ba tuổi rưỡi. Phần lớn những đứa trẻ trong nghiên cứu này nói câu đầu tiên vào năm lên bốn tuổi.
2. Có đặc điểm gia đình khác thường:
Những đứa trẻ thông minh, chậm nói trong nhóm nghiên cứu này thường có bố mẹ là những người có kỹ năng phân tích tốt. Bố mẹ và họ hàng của chúng thường làm việc trong các ngành nghề liên quan đến khoa học, toán học hoặc kĩ sư. Có ít nhất 26 % các bố mẹ của những em nhỏ này đều có bằng sau đại học.
3. Có sự khác biệt về giới tính:
Các bé trai chiếm 85% những trẻ thuộc nhóm “hội chứng Einstein”
4. Khả năng phân tích cao:
Trẻ em ở cả hai nhóm đều có khả năng phân tích cao. Từ tuổi lên hai, chúng đã có thể giải được những câu đó khó một cách dễ dàng. Chúng thích tham gia vào những hoạt động có sự xuất hiện của những con số, mô hình.
5. Bộ nhớ vượt trội:
Các phụ huynh của những trẻ trong nhóm nghiên cứu cho biết con của họ có một “trí nhớ siêu phàm”.
6. Phát triển sớm các năng khiếu:
Nhiều em bé trong nhóm đã sử dụng được máy tính, biết chơi nhạc cụ khi được hướng dẫn sơ sơ chỉ trong độ tuổi lên 2 đến lên 5.
7. Chậm trễ trong phát triển xã hội:
Những đứa trẻ này thường được báo cáo là khó khăn trong việc hòa nhập với bạn bè, chậm và kém kĩ năng tự đi vệ sinh. Trong cả hai nhóm trẻ được báo cáo, các em nhỏ mới biết đi vệ sinh ở độ tuổi từ 3.5 đến 4.5
8. Ý chí mạnh mẽ:
Bố mẹ của những trẻ trong nhóm mô tả con của họ thường có ý chí vô cùng mạnh mẽ, ví dụ như say mê một trò gì đó một cách thái quá, có độ nhạy cảm bất thường, đôi khi có những phản ứng cực đoan. Đây là những biểu hiện của trẻ con có chỉ số IQ cao.
Những trẻ trong trường hợp này được tin rằng các bộ phận trong não của trẻ phát triển với một tốc độ nhanh hơn so với những trẻ khác. Do đó, ngôn ngữ của chúng bị “trì hoãn” một vài năm để nhường chỗ cho các tế bào não phát triển. Đây là những gì họ tin rằng đã từng xảy ra với nhà khoa học lỗi lạc Albert Einstein.
Tuy vậy, những trẻ này chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong số những trẻ chậm nói, vì vậy, cha mẹ cần có đánh giá chính xác với vấn đề chậm nói ở con. Từ đó, giúp trẻ phát triển và hoàn thiện mình hơn.
Xem thêm:
- Khắc phục trẻ chậm nói – Những cách hiệu quả mẹ có thể áp dụng ngay
- Trẻ chậm nói – Những dấu hiệu nhận biết mẹ hãy lưu tâm
- Trẻ chậm nói vì chơi điện thoại quá nhiều!