Đau bụng chuyển dạ như thế nào là mối quan tâm của hầu hết mẹ bầu, nhất là trong giai đoạn cuối của thai kỳ. Cơn đau này sẽ gây ra sự co thắt tử cung với cường độ và tần số ngày càng cao. Đi kèm theo đó là một số dấu hiệu như dịch âm đạo có máu, vỡ ối, đau thắt lưng… Những kiến thức chi tiết sẽ được tổng hợp trong bài viết ngay sau đây.
- Nhận biết các dấu hiệu đau bụng chuyển dạ
- Những dấu hiệu thường xuất hiện bên cạnh cơn đau chuyển dạ
- Phân biệt cơn đau chuyển dạ giả và thật
- Những điều thai phụ nên làm khi có dấu hiệu chuyển dạ thực sự
Nhận biết các dấu hiệu đau bụng chuyển dạ
Đau bụng chuyển dạ là những cơn co tử cung mạnh và đều với những dấu hiệu cụ thể như sau:
- Khi bắt đầu, các cơn co tử cung khiến bạn cảm thấy đau ở vùng lưng. Cơn đau chuyển dần lên trước bụng và lan từ đáy tử cung xuống dưới.
- Các cơn đau xuất hiện có chu kỳ, đều đặn và mạnh dần. Thai phụ sẽ thấy bụng co cứng trong mỗi cơn đau và cảm giác đau tăng dần qua mỗi cơn co tử cung.
- Giai đoạn chuyển dạ khiến thai phụ phải trải qua 2 cơn co trong 10 phút. Các cơn co tử cung khác kéo dài trên 25 giây trong khoảng 1 đến 2 giờ. Sau đó, cơn đau sẽ tăng dần về tần số lẫn cường độ.
Bạn có thể chưa biết:
Đau bụng chuyển dạ nhưng không ra máu: Tiềm ẩn nhiều rủi ro cho thai nhi
Những dấu hiệu thường xuất hiện bên cạnh cơn đau chuyển dạ
Sau đây là những dấu hiệu thường xuất hiện bên cạnh cơn đau bụng chuyển dạ. Căn cứ vào những dấu hiệu này, bạn sẽ dễ dàng xác định được đúng thời điểm thực sự của việc sinh nở.
1. Dịch âm đạo có máu
Bên cạnh dấu hiệu đau bụng chuyển dạ như thế nào, bạn sẽ hoang mang khi nhận thấy dịch âm đạo có máu với màu hồng hoặc nâu. Đây là dấu hiệu xóa mở cổ tử cung và không đáng lo ngại. Trường hợp âm đạo ra máu nhiều và đỏ tươi, bạn cần đến ngay bệnh viện để được kiểm tra kể cả khi chưa đau bụng. Bởi đây là dấu hiệu nguy hiểm cho cả thai phụ và thai nhi.
2. Vỡ ối
Vỡ ối là tình trạng nước trào ra từ âm đạo với số lượng có thể nhiều hoặc ít. Trong trường hợp này, thai phụ cần đến bệnh viện ngay lập tức kể cả chưa đau bụng.
3. Đau vùng thắt lưng và bị chuột rút
Đi kèm với dấu hiệu đau bụng chuyển dạ, thai phụ sẽ cảm thấy đau âm ỉ ở vùng thắt lưng, căng tức khó chịu hoặc bị chuột rút ở vùng chậu và trực tràng.
4. Tiêu chảy, đi tiểu nhiều lần hoặc buồn nôn
Ở giai đoạn đầu của cuộc chuyển dạ, thai phụ sẽ gặp phải hiện tượng đi ngoài phân lỏng, đi tiểu nhiều lần hoặc cảm thấy buồn nôn.
Phân biệt cơn đau chuyển dạ giả và thật
Ở tháng cuối thai kỳ, mẹ bầu thường trải qua các cơn co chuyển dạ giả, còn được gọi là cơn co Braxton Hicks. Các cơn đau này thường xảy ra trong khoảng thời gian ngắn, không đều và cách xa nhau. Thai phụ thường cảm nhận thấy những cơn chuyển dạ giả này ở vùng bụng dưới khi đi bộ hoặc tăng vận động. Cơn co không gây cảm giác đau thắt từng cơn, thường yếu dần và hết khi thay đổi tư thế hoặc nghỉ ngơi.
Ngược lại, đau bụng chuyển dạ thực sự sẽ gây ra các cơn co tử cung đều đặn, gồm 2 cơn co trong khoảng 10 phút. Cơn đau tăng dần cường độ lẫn tần số. Các cơn đau bụng chuyển dạ thực sự sẽ không biến mất khi thai phụ thay đổi tư thế hoặc nghỉ ngơi. Chính vì thế, bạn cần xác định được cơn đau bụng chuyển dạ như thế nào là giả và thật để có thể đến bệnh viện kịp thời.
Bạn có thể chưa biết:
Đau bụng đẻ là đau bụng trên hay dưới, cảm giác và biểu hiện như nào?
Thai 39 tuần đau bụng lâm râm là do đâu? Có phải là dấu hiệu chuyển dạ?
Những điều thai phụ nên làm khi có dấu hiệu chuyển dạ thực sự
Khi xuất hiện các dấu hiệu đau bụng chuyển dạ thực sự, thai phụ thường cảm thấy lo lắng và mệt mỏi. Lúc này, thai phụ cần làm theo hướng dẫn của bác sĩ, nữ hộ sinh và thực hiện những điều như sau:
- Hãy thư giãn, kết hợp vận động nhẹ nhàng và hít thở sâu khi có các cơn co chuyển dạ.
- Uống đủ nước và ăn nhẹ để thai phụ có đủ năng lượng cho chuyến vượt cạn sắp tới.
- Nghe nhạc, nhờ người thân massage vùng thắt lưng, vai và chân để cảm thấy dễ chịu hơn.
- Báo ngay cho bác sĩ hoặc nữ hộ sinh nếu xuất hiện các dấu hiệu như vỡ ối, ra máu…
Các dấu hiệu đau bụng chuyển dạ như thế nào, cách phân biệt cơn đau bụng chuyển dạ giả và thật cùng những điều thai phụ nên làm là những thông tin mà bài viết trên đây muốn chia sẻ đến bạn. Mong rằng những điều này sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều trong cuộc vượt cạn sắp tới! Chúc bạn có một thai kỳ khỏe mạnh!
Xem thêm:
- Đau bụng chuyển dạ ở vị trí nào, có cách nào giúp mẹ bầu giảm đau khi sinh không?
- Phân biệt chuyển dạ và cơn co thắt tử cung như thế nào?
- Những điều mẹ cần biết về cơn đau chuyển dạ
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!