Có thai chụp X quang có ảnh hưởng gì không là thắc mắc của nhiều thai phụ bởi tia X vốn được khuyến cáo là có khả năng gây hại cho cơ thể nếu dùng không cẩn thận. Vậy thực sự thì chụp X quang sẽ tác động thế nào đến thai nhi và thai phụ? Có nguy hiểm không?
Tác động của tia X lên cơ thể
Chụp X quang thường được dùng trong chẩn đoán các bệnh lý như viêm phổi, viêm khớp, gãy xương, các bệnh liên quan đến tim mạch, thần kinh, tiêu hóa, cơ xương khớp,… Thực tế chụp X quang sẽ không gây hại cho sức khỏe nếu cách quãng thời gian chụp hợp lý, tối đa 5-7 lần/năm và phải được thực hiện bởi các chuyên gia có kinh nghiệm và theo đúng tiêu chuẩn an toàn trong quy định của Bộ Y Tế.
Nhưng việc sử dụng tia X cũng cần phải được đặc biệt lưu ý vì nó có thể gây hại nặng nề lên cơ thể nếu làm sai cách. Cụ thể, nếu quá lạm dụng, chụp X quang liên tục trong thời gian ngắn, tia X sẽ gây ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe như làm bỏng da, rụng tóc và có thể gây tử vong, nếu kéo dài còn có thể gây ung thư và một số bệnh lý nghiêm trọng khác. Lý do là tia X được phát ra từ máy chụp X quang có thể dễ dàng xuyên qua các mô mềm và chất lỏng trong cơ thể, cường độ mạnh sẽ làm tổn thương các cơ quan trong cơ thể, ảnh hưởng đến chức năng sinh lý.
Có thai chụp X quang có ảnh hưởng gì không?
Về cơ bản, đa số ý kiến đều cho rằng thai phụ không nên chụp X quang nếu không thực sự cần thiết vì tia X có thể sẽ gây ra một số bất thường cho thai nhi như sinh non, dị dạng, chậm phát triển, nguy cơ ung thư,… Tuy nhiên, vấn đề này cũng đang tranh cãi vì khả năng gây hại đến thai nhi của tia X khi chụp 1 lần nhìn chung khá thấp. Hiện tại trong y khoa, nếu theo đúng quy định thì liều bức xạ trong quá trình chụp X-quang tương đối thấp hơn nhiều lần mức gây hại cho thai nhi. Vì thế chụp X quang đúng tiêu chuẩn an toàn chỉ 1 lần sẽ có rất ít khả năng gây ảnh hưởng xấu đến bé. Cụ thể:
- Tia X không làm tăng nguy cơ sảy thai với liều tia xạ nhỏ hơn 5 rad
- Nguy cơ dị tật thai cũng không đáng kể với liều dưới 10 rad
- Nguy cơ thai phát triển chậm chỉ xảy ra nếu chụp X-quang trong giai đoạn sớm của thai kỳ và phải liều cao đến 50 rad
- Nếu mẹ bầu chụp X quang vùng bụng, chậu, khung chậu, ngực thì tỷ lệ thương tổn thai nhi của tia X là 1/100.000 – 1/10.000
- Chụp X quang đầu, ngực : tỷ lệ thương tổn thai nhi là <1/1.000.000
- Trường hợp chụp X quang cột sống, thắt lưng thì tỷ lệ thương tổn thai nhi là từ 1/10.000- 1/1.000
Như vậy, nếu đã lỡ chụp X quang một lần khi đang mang thai mẹ bầu cũng đừng quá lo lắng mà nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám.
Lưu ý nếu bắt buộc phải chụp X quang khi đang mang thai
Nếu thực sự cần thiết, thai phụ vẫn phải được chụp X-quang để chẩn đoán các vấn đề sức khỏe, chỉ lần lưu ý các vấn đề sau để đảm bảo không ảnh hưởng hoặc hạn chế tối đa ảnh hưởng lên thai nhi:
- Tia X về cơ bản vẫn là tia phóng xạ có thể gây hại, vì thế trước khi chụp mẹ bầu nên nói rõ tình trạng mang thai của mình với bác sĩ và tình trạng sức khoẻ của bản thân để bác sĩ có thể lựa chọn phương án an toàn nhất cho mẹ và bé.
- Cường độ tia X rất quan trọng, thai nhi sẽ bị ảnh hưởng nếu nhiễm liều bức xạ lớn hơn 5 rad.
- Một số nghiên cứu khác cho thấy chụp X-quang răng khi mang thai có thể làm tăng nguy cơ sinh con nhẹ cân, mẹ nên lưu ý trao đổi với bác sĩ trước khi thực hiện.
- Sau khi thực hiện chụp X-quang, máy sẽ cho biết liều chiếu xạ vào mẹ và thai nhi là bao nhiêu, mẹ nên hỏi bác sĩ vấn đề này để yên tâm hơn.
- Thai nhi dưới 8 tuần nếu tiếp xúc nhiều lần với tia X cường độ cao có thể bị dị dạng, thai nhi chậm phát triển, trì trệ sự phát triển trí não vì thế hạn chế tối đa lần thực hiện chụp X quang nhất có thể.
Như vậy, mẹ bầu đừng quá lo lắng có thai chụp X quang có ảnh hưởng gì không. Tuy vậy, để bảo đảm an toàn thì vẫn nên trao đổi kỹ lưỡng với bác sĩ chuyên khoa trước khi quyết định thực hiện.
Xem thêm:
- Mẹ bầu bị stress có gây sảy thai không?
- Thai sinh hóa và những nguy cơ tiềm ẩn sảy thai sớm mẹ cần hết sức đề phòng
- Dấu hiệu thai ngừng phát triển 3 tháng đầu giúp phát hiện sảy thai sớm
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!