Có nên dùng ti giả cho bé hay không? Bên cạnh những ưu điểm không thể phủ nhận, ti giả cũng có 1 vài nhược điểm. Tùy vào điều kiện và thể trạng của từng bé mà ba mẹ cân nhắc có nên dùng ti giả hay không nhé.
- Ti giả thỏa mãn nhu cầu tự nhiên của trẻ
- Có nên dùng ti giả cho trẻ hay không?
- Nguyên tắc sử dụng ti giả cho bé
- Thay lời kết
Có một thông tin cho rằng việc sử dụng ti giả có thể bảo vệ trẻ sơ sinh khỏi hội chứng SIDS (đột tử khi ngủ ở trẻ sơ sinh). Cơ sở cho ý kiến đó là núm vú giả (ti giả) có thể giúp trẻ học cách kiểm soát cảm xúc, thư giãn và cảm thấy an toàn hơn. Sự thoải mái nãy sẽ giúp mang lại lợi ích nhân đôi: khi con bình tĩnh hơn cũng giúp bố mẹ cảm thấy thư giãn hơn. Tuy nhiên, với lo sợ ti giả khiến cơ hàm của con lâu ngày sẽ trở nên hô và răng mọc không đều, bố mẹ càng hoang mang hơn. Một vấn đề khác, nếu bé không chịu bú mà cứ đòi ngậm ti giả thì sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng sản xuất sữa của người mẹ. Mời các bố mẹ cùng theo dõi tiếp bài viết sau đây để có câu trả lời cho tất cả những thắc mắc trên nhé!
Bài viết liên quan:
Ti giả thỏa mãn nhu cầu tự nhiên của trẻ
Bú mút là 1 trong 7 phản xạ tự nhiên của trẻ sơ sinh. Đây là những chuyển động không tự chủ xảy ra 1 cách tự phát hoặc như là những phản ứng với các kích thích khác nhau. Ngay từ khi còn trong bụng mẹ, phản xạ mút đã phát triển, vào khoảng tuần thứ 32 của thai kỳ và không phát triển đầy đủ cho đến khoảng tuần thứ 36. Sau khi ra đời được 2 – 3 tháng, bé sẽ bú 1 cách có ý thức, lúc này hành động sẽ không còn là 1 phản xạ nữa.
Bên cạnh phục vụ nhu cầu dinh dưỡng, phản xạ bú mút còn có công dụng trấn an, xoa dịu trẻ. Đó là lý do tại sao các mẹ vẫn thấy nhiều bé thường xuyên mút tay, đây là cách trẻ tự trấn an bản thân trong những năm tháng đầu đời.
Trẻ sơ sinh ngậm ti giả: Ti giả/núm vú giả (pacifier) là sản phẩm ra đời để phục vụ phản xạ bú mút của trẻ. Được làm bằng chất liệu cao su, chất dẻo hoặc silicone an toàn cho trẻ sơ sinh, ti giả có hình dáng mô phỏng đầu ti của người mẹ. Dạng tiêu chuẩn của ti giả là 1 núm vú, lá chắn miệng và tay cầm đủ lớn, tránh cho trẻ bị nghẹt thở hoặc nuốt phải.
Có nên dùng ti giả cho trẻ hay không?
Cho trẻ ngậm núm giả có tốt không? Việc có nên dùng ti giả cho bé hay không vẫn đang là vấn đề gây ra nhiều tranh cãi. Dùng ti giả cho bé hay không sẽ tùy theo quan điểm của từng người cũng như cân nhắc ưu nhược điểm của sản phẩm.
Ưu điểm của ti giả
- Đáp ứng phản xạ bú: Trẻ sơ sinh có nhu cầu bú tự nhiên. Bình sữa và vú mẹ có thể đáp ứng được nhu cầu này nhưng ham muốn bú mút có thể kéo dài ngay cả khi nhu cầu ăn uống đã được đáp ứng.
- Xoa dịu trẻ: Với hình dạng tương tự ti mẹ, núm ti giả giúp bé kiểm soát cảm xúc, thư giãn và cảm thấy an toàn hơn, từ đó giảm quấy khóc. Người lớn cũng thư giãn hơn nhờ việc trẻ ít quấy khóc
- Giảm nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDs): Việc dùng ti giả trong những giấc ngủ ngắn hoặc vào ban đêm có thể ngăn ngừa đáng kể nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDs). Khoảng trống ở đầu núm vú và chăn đệm, quần áo, khăn quấn… giúp con không bị ngạt thở khi vận động đang còn hạn chế trong giai đoạn này
- Khi trẻ lớn hơn 1 chút, cai ngậm ti giả sẽ dễ dàng hơn so với việc chấm dứt thói quen mút tay của bé.
Ti giả có nhược điểm là gì?
- Ảnh hưởng đến việc cho con bú: Trẻ sơ sinh cần 1 thời gian nhất định để làm quen với bầu sữa mẹ. Dùng ti giả cho bé quá sớm sẽ ảnh hưởng đến quá trình tiết sữa của mẹ, mẹ tiết sữa nhiều hay ít phụ thuộc vào lượng sữa bé bú, bé quen với ti giả thậm chí có thể từ chối ti mẹ
- Các vấn đề về tai: 1 số nghiên cứu gần đây đã cho thấy, cho trẻ sơ sinh dùng ti giả làm tăng gấp đôi nguy cơ nhiễm trùng tai so với trẻ không dùng
- Ảnh hưởng đến răng miệng bé: Ngậm ti giả liên tục ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của răng, có khả năng gây vẩu răng cửa, lệch khớp cắn, hàm răng không khít nhau. Lưỡi bé khi mút ti giả ở vị trí thấp, có xu hướng đưa ra trước làm miệng hở và hàm dưới đua ra. Không khí theo các cử động ngậm, mút di chuyển vào dạ dày khiến bé bị đầy hơi. Ngoài ra nước bọt tiết nhiều hơn nên nếu ngậm ti giả trong thời gian dài cũng sẽ làm bé có nhiều cao răng hơn.
- Gián đoạn giấc ngủ: Núm ti giả giúp trẻ dễ đi vào giấc ngủ nhưng cũng dễ bị đánh thức nếu ti giả rơi ra trong lúc ngủ
- Trẻ bị phụ thuộc vào núm vú: Ngậm ti giả quá nhiều sẽ khiến bé thích ti giả nhiều hơn là bú mẹ, không có núm vú bé sẽ không chịu ngủ, trằn trọc khó chịu…
Nguyên tắc sử dụng ti giả cho bé
Độ tuổi thích hợp dùng ti giả
Có nên cho trẻ sơ sinh ngậm núm giả không? Chuyên gia y tế đã khuyến cáo, nên tránh dùng núm ti giả, các loại núm vú nhân tạo khác cho trẻ sơ sinh trong vòng ít nhất 3 – 4 tuần từ khi sinh ra. Với phần lớn trẻ bú sữa mẹ, không nên dùng ti giả cho đến khi sữa mẹ đã về đầy đủ (thường là sau 4 – 6 tuần) và trẻ đã qua 6 tuần phát triển vượt bậc. Điều này giúp mẹ hình thành nguồn cung sữa tốt hơn, không bị mấy sự kích thích sữa.
Trẻ sinh non nằm viện có thể dùng ti giả sớm để kích thích vận động miệng hầu và phản xạ bú. Nếu muốn cho bé ngậm ti giả trước 1 tháng tuổi, ba mẹ nên hỏi ý kiến bác sĩ để được tư vấn.
Không cho bé ngậm ti giả khi đói
Trước khi cho trẻ ngậm ti giả, mẹ cần kiểm tra xem bé có đói, mệt hay có vấn đề sức khỏe nào không. Nên cho bé ngậm giữa các bữa ăn khi chắc chắn con không đói và tránh dùng ti giả như 1 cách trì hoãn việc cho bé bú hay thay thế sự quan tâm, chăm sóc của mẹ.
Ti giả là công cụ hữu ích trong những lúc cho bé ra ngoài như đi siêu thị, ngồi trên xe ô tô…
Không quá lệ thuộc vào ti giả, không nên ép bé
Nếu ti giả rơi ra khỏi miệng khi bé ngủ, đừng gắn ngay trở lại vào miệng con. Khi con quấy khóc, trước hết hãy cố gắng dỗ dành bằng cách âu yếm, thì thầm trò chuyện hoặc hát ru nhẹ nhàng… rồi mới dùng đến ti giả.
1 nguyên tắc nữa là hãy tôn trọng quyền lựa chọn của con. Trẻ có thể nhận hoặc từ chối. Mẹ có thể thử lại lần sau hoặc tìm cách khác để bé thấy vui và hứng thú hơn.
Bài viết liên quan:
Vệ sinh sạch sẽ và thận trọng khi đeo ti giả trên người con
- Lựa chọn sản phẩm ti giả an toàn cho trẻ sơ sinh, không chứa chất độc hại như bisphenol-A(BPA); đúng kích cỡ, phù hợp với độ tuổi và khuôn miệng bé; vệ sinh bằng cách rửa thường xuyên bằng nước ấm. Nên thay ti mới khi thấy có vết nứt hoặc các dấu hiệu bất thường khác
- Không cho trẻ dùng chung ti giả, người lớn không được tiếp xúc trực tiếp bằng miệng với ti giả để ngăn vi khuẩn lây lan
- Không nhúng ti giả vào nước hoa quả… để không làm bé sâu răng
- Đừng buộc ti giả quanh cổ hoặc để cả dây buộc ti quanh nơi bé nằm để đảm bảo an toàn. Nên dùng kẹp chuyên dụng để gắn ti giả vào quần áo của bé.
Thay lời kết
Vì có cả ưu và nhược điểm nên trước khi quyết định có nên dùng ti giả hay không, ba mẹ cần cân nhắc kỹ, nếu có thì cần lưu ý về thời gian bắt đầu cho bé dùng và thời điểm cần chủ động giúp bé cai sử dụng để tránh ảnh hưởng đến sự phát triển cũng như sức khỏe của trẻ.
Xem thêm
- Có nên cho bé ngậm ti giả thường xuyên mỗi khi con quấy khóc?
- Thấy con nhiều ngày mặt dính bẩn sau khi gửi bảo mẫu, mẹ phát hiện hành vi tàn nhẫn với bé 3 tháng nhờ vật này trên núm vú giả
- Mẹ có nên cho trẻ sơ sinh ngậm núm giả hay không?
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!