Có nên cho trẻ ăn dặm sớm là thắc mắc của nhiều bố mẹ bỉm sữa. Có nhiều lý do như bổ sung dinh dưỡng, bố mẹ đi làm lại, bé có dấu hiệu ăn sớm,… khiến bố mẹ có ý định tập con ăn dặm sớm.
Nhưng đồng thời, khi cho bé trước 6 tháng ăn, phụ huynh cũng lo lắng liệu không biết có ảnh hưởng gì đến con không?
Vì sao trẻ cần ăn dặm?
Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Tuy nhiên đến một giai đoạn phát triển trẻ cần ăn dặm để bổ dung dinh dưỡng vì nhu cầu năng lượng tăng, thường bắt đầu khi bé được 6 tháng tuổi.
Khi này trẻ cần khoảng 700kcal/ngày cho các hoạt động của cơ thể, trong khi đó năng lượng từ sữa mẹ chỉ đủ cung cấp khoảng 450kcal/ngày. Vì vậy ăn dặm đúng cách là cần thiết để bé được bù đắp thiếu hụt năng lượng, ngăn ngừa nguy cơ còi cọc, phát triển chậm.
Một lý do nữa là lượng sắt dự trữ của bé sẽ cạn dần đi, sữa mẹ cũng không thể cung cấp đủ nhu cầu. Ăn dặm là nguồn dinh dưỡng tốt bổ sung sắt, hạn chế tình trạng thiếu máu do thiếu sắt. Rất nhiều trẻ em trong giai đoạn 6 đến 12 tháng có nguy cơ thiếu máu.
Dấu hiệu trẻ chuẩn bị ăn dặm
Thông thường giai đoạn ăn dặm của trẻ bắt đầu từ 6 tháng tuổi, tuy nhiên mỗi trẻ có một đặc điểm và tốc độ phát triển khác nhau. Do đó, bố mẹ nên quan tâm đến những dấu hiệu ăn dặm của trẻ để kịp thời có chế độ dinh dưỡng bổ sung phù hợp.
Các dấu hiệu bé sẵn sàng vào giai đoạn ăn dặm có thể nhận thấy như:
- Vẫn khóc và đòi bú thêm dù đã được bú no căng bụng hoặc đã bú đủ chỉ tiêu lượng sữa như bình thường.
- Mút tay, cáu gắt thể hiện đói bụng nhiều lần giữa các cữ bú.
- Dù đã được tập ngủ xuyên đêm nhưng bỗng thức giấc nhiều hơn và đòi bú giữa đêm.
- Những giấc ngủ trưa của trẻ cũng thất thường, trằn trọc khó ngủ hoặc ngủ ít, giấc ngắn sau khi vừa chợp mắt.
- Khi mọi người xung quanh ăn và trêu, trẻ rất hào hứng, chép miệng, với tay lấy thức ăn.
Có nên cho trẻ ăn dặm sớm?
Hầu hết trẻ sơ sinh đều vào giai đoạn ăn dặm từ 6 tháng. Độ tuổi ăn dặm phù hợp có thể là trước hoặc sau 6 tháng, tuy nhiên sớm nhất có thể cho trẻ ăn dặm được các chuyên gia khuyến cáo là tuần thứ 17. Việc có nên cho trẻ ăn dặm sớm hay không phụ thuộc nhiều yếu tố.
Đối với những trẻ không bú mẹ hoàn toàn trước 6 tháng tuổi, mà có bú bổ sung thêm sữa công thức, sữa bột thì có thể cho bé ăn dặm sớm từ 4 tháng tuổi. Điều kiện là cơ thể bé cần thêm dinh dưỡng và mẹ phải chọn thực đơn kỹ càng.
Còn với những trẻ bú mẹ hoàn toàn trước 6 tháng tuổi, các chuyên gia khuyến cáo không nên cho trẻ ăn dặm sớm. Trước 4 tháng tuổi, cơ thể trẻ chưa có đủ men amylase để tiêu hóa chất bột, hệ tiêu hoá lẫn thận đều chưa hoàn thiện hoàn toàn.
Nếu vội vàng cho bé ăn dặm trước 4 tháng, gấp gáp nạp sớm các dạng thức ăn mới như bột hay cháo dễ dẫn đến hệ tiêu hóa không kịp xử lý. Hơn nữa, các phối hợp của cơ lưỡi, hầu, họng của bé chưa được nhuần nhuyễn nên dễ gây sặc, nghẹn hay nôn mửa.
Cho bé ăn dặm sớm cũng có thể khiến bé dễ chán sữa mẹ, lười bú dẫn đến tình trạng thiếu hụt các dưỡng chất thiết yếu, quan trọng từ sữa mẹ. Điều này làm bé giảm sức đề kháng, tăng nguy cơ suy dinh dưỡng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình phát triển.
Lưu ý khi cho trẻ ăn dặm
Ngoài việc cho trẻ ăn dặm đúng lúc, việc ăm dặm đúng cách cũng vô cùng quan trọng trong sự phát triển của bé. Bố mẹ bỉm sữa nên lưu ý:
- Nên bắt đầu tập ăn dặm với những thức ăn gần giống với sữa mẹ hoặc gần giống với sữa công thức để bé quen dần.
- Thức ăn dặm nên đi từ loãng đến đặc dần dần, cần có thời gian để dạ dày trẻ sơ sinh tiếp thu được.
- Để đủ dinh dưỡng và canxi, trẻ bắt đầu ăn dặm vẫn cần được tiếp tục bú sữa mẹ hàng ngày ít nhất 3-4 lần và ăn từ 2 bữa bột cháo/ngày rồi tăng dần lên 3-4 bữa bột/ngày khi gần 1 tuổi.
- Không nêm bất cứ gia vị nào, đặc biệt là muối, đường, bột nêm vào thức ăn dặm cho bé dưới 1 tuổi.
- Không ép con ăn nếu bé không muốn
- Nên thêm 1 chút dầu ăn khi nấu món ăn dặm cho bé. Chất béo tốt là vô cùng quan trọng đối với bé ăn dặm, dễ tiêu hóa lại rất giàu năng lượng và còn có khả năng hòa tan các chất khác.
- Bột ăn dặm của trẻ phải đảm bảo đủ 4 nhóm thức ăn quan trọng, phong phú.
Có nên cho trẻ ăn dặm sớm? Nhìn chung bố mẹ trước khi cho bé ăn dặm nên lắng nghe tình trạng cơ thể con, tham khảo ý kiến của bác sĩ nhi khoa để chọn thời điểm phù hợp và phải thật cẩn thận, chậm rãi.
Xem thêm:
- Ăn dặm: Những gì bé có thể và không thể ăn trong độ tuổi ăn dặm?
- Ăn dặm kiểu Nhật – kinh nghiệm truyền tay của các Mẹ!
- 5 món ăn dặm kiểu Nhật dễ làm cho bé từ 5 – 6 tháng tuổi!
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!