Hãy lắng nghe ý kiến chuyên gia về việc có nên cho bé ăn dặm trước 6 tháng không do có quan niệm cho rằng bé ăn dặm sớm để con mau lớn, cứng cáp.
Có nên cho bé ăn dặm trước 6 tháng hay không?
Không ít bé ở giai đoạn trước 6 tháng tuổi thường biếng bú, hay nghịch thức ăn bỏ vào miệng. Điều này khiến mẹ ngộ nhận con đã sẵn sàng ăn dặm. Bên cạnh đó, kỳ nghỉ thai sản thường chỉ kéo dài tối đa 6 tháng. Nhiều mẹ muốn cho con ăn dặm sớm để cơ thể cứng cáp, mẹ yên tâm quay lại công việc.
Tuy nhiên, theo khuyến cáo của các bác sĩ nhi khoa, điều này là rất sai lầm. Khi bé được 6 tháng tuổi mới là độ tuổi ăn dặm thích hợp nhất. Hệ tiêu hóa của trẻ trong 6 tháng đầu đời rất non nớt. Vì thế đa phần chúng không thể tiêu hóa những đồ ăn dặm quá sớm. Mẹ không nên nôn nóng cho bé ăn dặm trước 6 tháng vì bất kỳ lý do gì. Bởi lẽ việc này chỉ gây hại và ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ.
Lời khuyên của chuyên gia là mẹ nên cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Sau đó cho trẻ ăn dặm bổ sung song song với bú mẹ cho đến ít nhất 24 tháng tuổi. Sữa mẹ rất tốt cho sức khỏe của trẻ. Đặc biệt sữa mẹ giúp phòng ngừa những bệnh liên quan đến viêm nhiễm đường ruột, tiêu chảy.
Những nguy cơ khi cho bé ăn dặm trước 6 tháng
Nếu mẹ vẫn băn khoăn liệu có nên cho bé ăn dặm sớm trước 6 tháng không? Những tác hại từ việc ăn dặm sớm sau đây sẽ khiến mẹ phải suy nghĩ lại và cho bé ăn dặm đúng cách.
Cho ăn dặm sớm dễ khiến trẻ bị dị ứng thức ăn
Nguy cơ dị ứng thức ăn là một trong các tác hại khi cho trẻ ăn dặm sớm. Dưới 4 tháng tuổi, hệ tiêu hóa của trẻ chưa hoàn thiện. Làm quen sớm với các thực phẩm mới lạ làm tăng nguy cơ dị ứng thức ăn, nhất là bé có cơ địa nhạy cảm.
Có khoảng từ 8 – 10% trẻ bị dị ứng với một hoặc một số loại thực phẩm. Chính vì vậy, các mẹ đừng vội vàng cho con tiếp xúc với đồ ăn dặm quá sớm. Trong quá trình ăn dặm, mẹ nên cho con ăn từng ít một. Mẹ cũng cần chú ý quan sát phản ứng của trẻ. Mỗi lần cho bé thử thức ăn mới, mẹ chỉ nên cho bé thử một loại. Quá trình thử cũng chỉ kéo dài khoảng 4 ngày.
Nguy cơ mắc bệnh béo phì
Nghiên cứu cho thấy trẻ ăn dặm trước 6 tháng tuổi dễ bị béo phì khi lên 3 hơn so với bé ăn dặm đúng chuẩn. Khi mới ăn dặm, trẻ chưa quen cấu trúc thức ăn mới. Vì thế nên nhiều trẻ sẽ có các biểu hiện chán ăn, nôn ói. Nhưng khi trẻ đã thích nghi, các mẹ thường có xu hướng tẩm bổ cho con. Về lâu dài sẽ dẫn đến việc trẻ bị thừa cân, béo phì. Một số loại ngũ cốc cho trẻ 4 tháng còn gây nguy cơ bệnh tiểu đường ở trẻ, theo một công bố trên tạp chí Y khoa Mỹ.
Trẻ bỏ bú sớm
Có nên cho bé ăn dặm trước 6 tháng không khi có thể dẫn đến việc bé không còn thiết tha với việc bú mẹ? Thực tế, nhiều mẹ tập cho con ăn dặm sớm để trẻ mau lớn. Nhưng đây là một ngộ nhận rất tai hại, thậm chí phản tác dụng. Bởi ăn dặm sớm là nguyên nhân khiến trẻ dễ bị suy dinh dưỡng.
Đây là vấn đề rất nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Trước một tuổi, sữa mẹ vẫn là nguồn dinh dưỡng chính bảo đảm cho sự phát triển của trẻ. Thức ăn dặm không cung cấp đủ dưỡng chất cần thiết. Vì vậy, nếu bé bỏ bú sớm sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.
Tổn thương dạ dày, dễ dẫn đến rối loạn tiêu hóa cho trẻ
Dạ dày trẻ sơ sinh còn rất non yếu, lớp niêm mạc và dịch bảo vệ còn rất mỏng manh. Thức ăn có thể gây cọ xát làm tổn thương dạ dày của trẻ khi cho ăn dặm quá sớm. Không chỉ vậy, còn có thể sẽ gặp phải nhiều vấn đề về dạ dày sau này.
Khi dạ dày bị tổn thương sẽ khiến cho nhu động ruột của trẻ hoạt động kém. Hệ tiêu hóa lúc này vẫn chưa đủ men để xử lý những loại thức ăn nạp vào cơ thể. Do đó trẻ dễ gặp phải các vấn đề về tiêu hóa như đi ngoài phân sống, tiêu chảy…
Trẻ dễ bị nghẹn thức ăn
Sự hoạt động của các cơ hàm, lưỡi, hầu, họng của trẻ dưới 6 tháng chưa được nhuần nhuyễn. Khi đột ngột chuyển sang các loại thực phẩm lợn cợn, bé sẽ không quen. Vì thế nhiều trẻ dễ bị nghẹn thức ăn, sặc, nghẹn hay nôn mửa…Nguy cơ trẻ bị ngạt đường thở rất cao, nguy hiểm đến sự an toàn của trẻ.
Tăng nguy cơ mắc bệnh
Việc ăn dặm quá sớm còn làm ảnh hưởng đến những cơ quan khác, trong đó có thận. Nguyên nhân là do hệ tiêu hóa của trẻ chưa thể dung nạp thức ăn giàu protein, lipid. Thế nên ăn dặm sớm khiến thận cũng trở nên “quá tải”. Lâu dần bị lắng cặn, ảnh hưởng đến chức năng thận của trẻ sau này.
Hãy cho trẻ ăn dặm khi đã đủ 6 tháng tuổi
Hy vọng những tác hại ăn dặm sớm trên đây sẽ giúp mẹ có cái nhìn đúng đắn về việc có nên cho bé ăn dặm trước 6 tháng hay không. Bú mẹ trong 6 tháng đầu giúp hệ tiêu hóa và miễn dịch của trẻ được hoàn thiện. Chỉ khi bé đủ cứng cáp với 2 bộ máy này thì việc ăn dặm mới có thể diễn ra hiệu quả.
Xem thêm
Mẹ nên tập cho bé ăn dặm như thế nào cho đúng cách?
Thực phẩm dinh dưỡng cho bé 6 tháng tuổi
Cách nấu bột ăn dặm cho bé ăn nhanh mẹ không kịp đút