Có dịch trong lòng tử cung khi mang thai có thể khiến mẹ bị ra máu hoặc dịch hồng bất thường. Lượng dịch tụ lại càng nhiều càng nguy hiểm, có thể gây sảy thai.
Đây là những nội dung mà bạn sẽ có được trong bài viết này:
- Có dịch trong lòng tử cung khi mang thai là gì?
- Tụ dịch dưới màng đệm có tự hết không?
- Tình trạng này có nguy hiểm không?
Bài viết có phần đóng góp ý kiến chuyên môn từ bác sĩ Vũ Nhật Nam, Khoa Nội tổng hợp – Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh.
Câu hỏi: Tụ dịch bánh nhau có nguy hiểm hay không? Nếu siêu âm ra tình trạng tụ dịch bánh nhau thì mẹ bầu nên làm gì?
Trả lời:
Theo bác sĩ Vũ Nhật Nam, Khoa Nội tổng hợp – Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh:
Tụ dịch màng nuôi (tụ dịch bánh nhau) chia làm hai nhóm: tụ dịch màng nuôi sinh lý và bệnh lý:
– Tụ dịch màng nuôi sinh lý thường gặp ở 1-2 tuần đầu khi mang thai, tính chất dịch thường trong, mẹ bầu thường không có triệu chứng và tự khỏi.
– Tụ dịch màng nuôi bệnh lý thường do sự bong mép bánh nhau hoặc vỡ các xoang mạch ở rìa mép bánh nhau, chiếm khoảng 3% ở 3 tháng đầu thai kỳ ở phụ nữ mang thai. Tụ dịch màng nuôi bệnh lý nếu không điều trị sẽ làm tăng nguy cơ sẩy thai, thai lưu cũng như tăng nguy cơ đẻ non, rau bong non và ối vỡ non.
Khi được chẩn đoán tụ dịch màng nuôi trên siêu âm, các mẹ bầu không nên quá lo lắng, mà nên đến khám và được tư vấn bởi bác sĩ chuyên khoa sản phụ khoa. Các mẹ bầu không nên tự ý sử dụng thuốc, đồng thời nên kết hợp chế độ ăn uống hợp lý giàu vitamin, chất xơ và đạm, có chế độ nghỉ ngơi và vận động hợp lý giúp cơ thể tăng khả năng hồi phục.
Có dịch trong lòng tử cung khi mang thai là tình trạng gì?
Tình trạng có dịch trong lòng tử cung ở mỗi mẹ bầu là khác nhau. Lớp dịch này xuất hiện ở khoảng trống giữa túi thai và thành tử cung.
Nếu vấn đề này không được phát hiện sớm, lượng dịch có thể tụ lại quá nhiều, tạo thành túi dịch nằm ngay bên cạnh phôi thai và lớn dần theo thời gian. Lúc này, tụ dịch cạnh túi thai chính là 1 trường hợp nhỏ của biến chứng tụ dịch màng nuôi và thường xuất hiện trong 3 tháng đầu của thai kỳ.
Bạn có thể chưa biết:
Dấu hiệu có túi dịch cạnh túi thai
Để nhận biết có dịch trong lòng tử cung khi mang thai các bác sĩ thường dựa trên những dấu hiệu sau:
- Dấu hiệu điển hình nhất là xuất hiện một lớp máu hoặc dịch, cục máu vón nhỏ ngay tại vị trí khoảng không ngăn cách giữa túi thai và tử cung
- Ra máu khi mang thai và xuất huyết âm đạo cũng là 1 dấu hiệu của hiện tượng tụ dịch cạnh túi thai mà các mẹ bầu cần lưu ý để nhận biết khi gặp phải
- Qua siêu âm màu có thể phát hiện được những trường hợp thai phụ có lớp dịch màu nâu cạnh túi thai. Điều này cho phép bác sĩ tiên lượng trường hợp sảy thai không hoàn toàn hay sảy thai chưa trọn dẫn tới sót nhau, gây nguy hiểm cho thai kỳ
- Âm đạo tiết dịch thể bất thường, hơi nâu hoặc hồng nhạt, khí hư nhiều. Một số mẹ bầu thấy máu hồng chảy ra ngoài như 1 cách báo hiệu nhưng có những trường hợp lại được phát hiện khi máu tụ bám lại trong tử cung, bám dưới túi ối hoặc bánh nhau
- Đau bụng âm ỉ hoặc đau thắt từng cơn đi kèm với những cơn mỏi vùng thắt lưng
Tại bất cứ thời điểm nào của thai kỳ nhất là trong tam cá nguyệt thứ nhất, nếu mẹ bầu có những biểu hiện lâm sàng kể trên, đặc biệt là ra máu đỏ tươi kèm theo nhầy nâu trong vài tuần đầu khi mang thai thì hãy nhập viện để được theo dõi ngay. Lúc này tình trạng có dịch trong lòng tử cung có thể đã trầm trọng hơn.
Nguyên nhân xuất hiện dịch trong lòng tử cung
Mỗi mẹ bầu mang thai có một cơ địa khác nhau. Vì vậy hiện tượng có dịch trong lòng tử cung khi mang thai có thể do một trong số những nguyên nhân chủ yếu sau:
- Trứng bị bóc tách khỏi nội mạc thành tử cung ở giai đoạn đầu, dần dần dẫn đến việc hình thành của các cục máu trong tử cung
- Mẹ bầu đang mang thai nhưng có nội tiết tố kém hoặc rối loạn dẫn tới túi thai ít phát triển, không bám chắc vào thành tử cung làm xuất hiện túi dịch trong lòng tử cung.
- Thai phụ có thể trạng yếu nhưng lại phải di chuyển nhiều và làm việc nặng nhọc, thường xuyên vận động mà ít được nghỉ ngơi cũng có thể khiến cho thành tử cung bị rỉ máu hoặc bị ra dịch màu hồng
- Phụ nữ mang thai khi độ tuổi từ 35 trở lên sẽ phải đối mặt với nguy cơ tụ dịch cạnh túi thai
Tụ dịch dưới màng nuôi có tự hết không?
Tụ dịch màng nuôi là hiện tượng thường gặp khi mang thai, đặc biệt là trong 3 tháng đầu, đây là hiện tượng có máu giữa nhau thai và tử cung, những cục máu này có thể gây nguy hiểm, làm túi thai tách khỏi thành tử cung và có thể gây sảy thai. Tình trạng này thường xuất hiện trong 3 tháng đầu thai kỳ, dấu hiệu điển hình là đau bụng, chảy máu âm đạo, dịch âm đạo bất thường.
Tùy từng trường hợp và tính chất nghiêm trọng mà thai phụ sẽ được điều trị bằng thuốc uống nội tiết hoặc phương pháp khác.
Tụ dịch dưới màng nuôi sinh lý
Trường hợp này thường gặp ở 1 – 2 tuần đầu khi thai mới làm tổ trong buồng tử cung. Nếu đi siêu âm thì khoảng giai đoạn thai 4-6 tuần, có ít dịch dưới màng nuôi. Nhưng mẹ cũng đừng lo lắng vì tính chất dịch thường trong, mẹ sẽ thường không có triệu chứng đau bụng hay ra máu âm đạo. Tụ dịch này không cần điều trị sẽ tự khỏi.
Tụ dịch màng nuôi bệnh lý
Tụ dịch màng nuôi bệnh lý là hậu quả của sự bong mép của bánh nhau hay vỡ các xoang mạch ở rìa mép bánh rau, hình thành nên một vùng máu tụ giữa lớp màng nuôi và cơ tử cung chiếm khoảng 3% ở 3 tháng đầu thai kỳ trong tổng số phụ nữ mang thai.
Khi được chẩn đoán tụ dịch dưới màng nuôi, bác sĩ chuyên khoa sản sẽ tư vấn và cho thuốc theo đơn. Mẹ đừng quá lo lắng hoặc tự ý điều trị theo suy diễn của cá nhân. Mẹ hãy xây dựng chế độ ăn uống giàu vitamin, chất xơ, đạm cùng kết hợp với nghỉ ngơi vận động hợp lý sẽ giúp hồi phục nhanh hơn. Tư thế nằm khi bị tụ dịch màng nuôi là nghiêng bên trái để giảm áp lực lên tim thai.
Bạn có thể chưa biết:
Có dịch trong lòng tử cung khi mang thai có nguy hiểm không?
Bất cứ một dấu hiệu bất thường nào xảy ra ở bên trong tử cung đều ít nhiều có ảnh hưởng đến phôi thai. Vì vậy, khi có dịch trong lòng tử cung khi mang thai, tùy thuộc vào kích thước của lớp dịch, bác sĩ sẽ có hướng xử lý thích hợp để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và thai nhi.
- Vết tụ có kích thước từ 0,5 – 5mm hoặc từ 5 – 12mm có thể khiến mẹ bầu mệt mỏi, đau đầu, bụng hơi đau lâm râm, ra máu hoặc dịch hồng bất thường. Tuy nhiên vấn đề lúc này không quá đáng ngại. Nếu được phát hiện sớm, tốt nhất các mẹ nên nghỉ ngơi nhiều, hạn chế đi lại, vận động, kiêng quan hệ vợ chồng. Có chế độ dinh dưỡng tốt và giữ cho tinh thần thoải mái cũng là những liệu pháp hiệu quả giúp ngăn chặn vết tụ dịch lan rộng trong giai đoạn này. Sau khi được phát hiện và chăm sóc thai kỳ theo hướng dẫn, chị em nên hẹn khám lại sau 1 tuần đến 10 ngày để đánh giá tình trạng.
- Lớp dịch có kích thước từ 12mm trở lên sẽ tỷ lệ thuận với mức độ gia tăng nguy hiểm cho thai nhi. Lượng dịch tụ lại càng nhiều càng dẫn đến nguy cơ bong màng nuôi, ngăn cách quá trình trao đổi chất dinh dưỡng từ mẹ vào bên trong túi và nghiêm trọng hơn có thể gây sảy thai. Trong nhiều trường hợp đã phải dùng thuốc đình chỉ thai để đẩy khối thai lưu ra ngoài.
Tạm kết
Có dịch trong lòng tử cung khi mang thai tuy khiến nhiều mẹ lo lắng nhưng cũng không phải là hiện tượng quá nguy hiểm nếu mẹ khám thai định kỳ đầy đủ và kiên trì điều trị theo phác đồ của bác sĩ. Mẹ hãy luôn nhớ giữ sức khỏe và tinh thần thật tốt để về đích an toàn!
Xem thêm:
- Dịch nhầy khi mới mang thai: Liệu mẹ bầu có nên lo ngại?
- Ra dịch nâu khi mang thai – Cảnh báo nguy hiểm với mẹ bầu!
- Mẹ bầu có nên đặt thuốc khi bị viêm nhiễm phụ khoa?
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!