Chữ nhẫn trong gia đình đóng vai trò vô cùng quan trọng. Nó không chỉ đơn thuần là câu từ. Đó là cả một cách sống và đối nhân xử thế, mang lại hạnh phúc.
Nhẫn – một chữ đơn giản nhưng hàm chứa nhiều ý nghĩa. Không phải ai cũng hiểu hết được ý nghĩa của chữ này. Đặc biệt, nó còn có thể mang lại hạnh phúc cho đời người. Quan trọng là bạn hiểu được đến đâu và ứng dụng như thế nào. Bởi, nhẫn – chứ không phải chịu nhịn để bị hành hạ.
Cùng theAsianparent tìm hiểu nào!
Hiểu thế nào về chữ nhẫn trong gia đình?
Nhẫn trong gia đình được hiểu theo nhiều nghĩa. Nó ít nhiều đều mang ý nghĩa tiêu cực. Vì vậy, trước hết phải khẳng định rõ rằng: Nhẫn không phải là nhục. Không phải là cam chịu, luồn cúi hay hạ thấp mình. Nhẫn là “vì nhau” mà sống, mà hành động.
Có tình yêu thì mới cưới nhau. Nhưng hôn nhân không chỉ đơn giản là màu hồng. Giữ gìn hạnh phúc hôn nhân cần thật nhiều hy sinh và tha thứ nữa bởi đâu có ai hoàn hảo. Bỏ qua những giận hờn vụn vặt, nhỏ nhặt chính là để bảo vệ cái hạnh phúc của mình thì chắc chắn là việc đáng phải làm.
Nhẫn không chỉ là chịu đựng mà là tha thứ. Nhờ kiên nhẫn, độ lượng mà bớt được cái tính nóng nảy chỉ làm hỏng việc, mất hòa khí với người xung quanh và đặc biệt là trong quan hệ vợ chồng. Nhẫn là khi phát hiện tật xấu kinh hoàng của vợ, của chồng. Đó là khi nhẹ nhàng khuyên bảo hoặc lạt mềm buộc chặt với bạn đời.
Nhẫn, chung quy lại, là để giữ gìn hạnh phúc gia đình.
Chuyện từ người trong cuộc
Một phụ nữ trẻ kể chuyện, rằng trước đây cô rất cao ngạo với chồng. Cô luôn cho là mình đúng. Nếu không đúng, cô cũng bằng mọi cách tỏ thái độ của người hả hê chiến thắng. Cô đã đẩy dần chồng ra khỏi nhà mà không biết.
Đến khi, phát hiện ra chồng có người phụ nữ khác cô mới hiểu đó là do không biết nhẫn. Cô cam đoan chắc chắn đến 90% phụ nữ khi biết chồng ngoại tình đều có phản ứng như cô: Khóc lóc, chưởi rủa, cấu xé chồng. Hẹn gặp tình địch để nhục mạ. Đến cơ quan chồng, gọi điện thoại cho mẹ đẻ, mẹ chồng…
Rồi cô học chữ nhẫn từ lời khuyên của cả hai bà mẹ. Mẹ đẻ khuyên cô hãy xuống nước, tìm cách kéo chồng về nhà. Mẹ chồng khuyên cô: “Nhẫn nại, ôn hoà khi tức giận. Bình tĩnh sáng suốt lúc nguy nan”. Cô chợt nhận ra rằng, chồng yêu phụ nữ khác, bỏ nhà đi là do vợ không biết nhẫn.
Vợ không biết nhịn chồng, cậy thế hơn chồng làm cho chồng bị xúc phạm. Vợ nghĩ sâu thêm rằng, chồng bỏ đi, vợ nào có sung sướng gì ngoài khóc, hận, khổ đau? Khi mọi thứ đã lắng xuống hết, vợ mới nhận ra, bao nhiêu năm vợ chỉ muốn chiến thắng chồng để làm gì? Chẳng có ý nghĩa gì hết ngoài việc đẩy chồng vào vòng tay người khác.
Chữ nhẫn trong gia đình là nghệ thuật
Có thể nói, chịu nhịn nhục là “đặc tính” của phụ nữ thời xa xưa. Còn giờ đây, nam nữ bình đẳng rồi. Việc chịu nhịn, chịu khó nên được chia sẻ từ cả hai.
Thiết nghĩ, yêu nhau là đến với nhau. Khi bạn đã đồng ý đặt bút ký vào tờ đăng ký kết hôn, hãy sống có trách nhiệm với chính mình và gia đình. Một trong số đó là phải “nhẫn”.
Nói đơn giản thôi, nhẫn ở đây chính là việc hài hòa các mối quan hệ. Nhẫn là điều tiết cuộc sống, là làm cho các thành viên trong gia đình gắn kết với nhau hơn. Nhẫn nhịn để cuộc sống tốt đẹp hơn. Để từ đó, con cái thấy được hạnh phúc gia đình và làm gương.
Bởi, có phải bạn chỉ sống một mình mình đâu. Còn vợ chồng, con cái, bố mẹ hai bên nữa…
Nói chung, nhẫn – phát âm rất dễ nhưng thực hiện thì rất khó.
Bí quyết đảm bảo chữ nhẫn trong gia đình
Nhớ rằng, liều thuốc để chữa tính tình hung hăng, nóng giận là đừng đặt mình ở vị trí trung tâm. Cái rốn của vũ trụ chưa bao giờ thuộc về chúng ta. Trong gia đình cũng thế. Mỗi thành viên đều có vai trò và trách nhiệm khác nhau. Nơi đó là tập hợp những thành phần khác nhau, được liên kết trong tình yêu.
Chắc là chỉ có ai lấy gia đình là ưu tiên, muốn gìn giữ hạnh phúc, họ mới biết tôn trọng người vợ, người chồng và con cái. Khi đó, nhẫn thực sự là phép mầu để người ta cùng ngồi xuống, nhìn nhận vấn đề đang xảy ra và cùng nhau tháo gỡ trong tình yêu thương. Ai cũng biết thế, nhưng làm được điều ấy không dễ chút nào. Thậm chí chúng ta thuộc lòng: “Đừng bao giờ chua cay gắt gỏng, nóng nảy giận hờn, hay la lối thóa mạ, và hãy loại trừ mọi hành vi gian ác”.
Đã đến lúc gia đình phải là số một. Mọi ưu tiên để gầy dựng một gia đình hạnh phúc là trách nhiệm của mỗi thành viên. Trách nhiệm trong tình yêu luôn là điều nhẹ nhàng và thú vị. Nhẹ nhàng để cư xử với nhau trong tôn trọng; thú vị để thấy sau những lần ấy, mối dây tình yêu liên kết giữa các thành viên thêm bền chặt hơn. Cứ để đức tính nhẫn nhục lớn lên trong con tim của mỗi người. Khi đó, gia đình hạnh phúc là điều hoàn toàn có thể.
Lời kết
Hạnh phúc được vun đắp từ tình cảm. Tình cảm làm nên tình yêu và gia đình trọn vẹn. Học chữ nhẫn trong gia đình là cách để tạo nên một xã hội hạnh phúc và tràn ngập yêu thương. Nhớ rằng, cuộc sống không ngừng thay đổi. Hãy cố gắng vì gia đình nhỏ của mình nhé.
Xem thêm:
- 7 Vấn đề hôn nhân bạn cần nhìn nhận và giải quyết càng sớm càng tốt
- 8 nguyên nhân khiến con bị rối loạn lo âu mà ba mẹ cần cẩn trọng
- Đàn ông yêu gì ở phụ nữ và những câu trả lời không quá khó nhận ra
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!