Theo lịch sử, thuốc tránh thai hàng ngày đã tồn tại được khoảng 60 năm và thường đi kèm một số tác dụng phụ khó chịu cho người phụ nữ. Dưới đây là những tác dụng phụ chị em phụ nữ không nên cố chịu đựng và nên nói chuyện với bác sĩ để chọn thuốc tránh thai phù hợp cho bản thân.
Phân loại thuốc tránh thai hàng ngày
Mặc dù là một phát minh rất tuyệt vời của nhân loại, thuốc tránh thai không hoàn hảo tuyệt đối. Phụ nữ vừa yêu lại vừa ghét phương pháp tránh thai phổ biến nhất hàng thập kỷ này. Về cơ bản, kể từ khi xuất hiện vào những năm 1960 cho đến giờ, hướng dẫn uống thuốc tránh thai không hề thay đổi (thường uống liền 21 ngày và 7 ngày tiếp theo là uống giả dược). Tác dụng phụ của thuốc tránh thai cũng vẫn như vậy, có thể gây khó chịu nhẹ cho tới những vấn đề nghiêm trọng cho người sử dụng.
Tác dụng phụ của thuốc tránh thai hàng ngày
Các tác dụng phụ thường thấy của thuốc tránh thai hàng ngày bao gồm:
- Buồn nôn
- Đau đầu hoặc đau nửa đầu
- “Cô bé” chảy máu bất thường hoặc lốm đốm
- Khí hư bất thường
- Mất kinh nguyệt
- Giảm ham muốn
- Căng cứng ngực
- Thay đổi thị lực ở những người đeo kính áp tròng
- Tăng cân
- Tâm trạng thất thường
Khi bắt đầu uống thuốc tránh thai, cơ thể phụ nữ mất một khoảng thời gian để điều chỉnh. Thường thì những triệu chứng trên xảy ra trong vòng 1-2 chu kỳ đầu, sau đó sẽ dần biến mất.
Các triệu chứng “nặng”
Tuy nhiên, các chị em cũng cần để ý tới sức khoẻ khi thấy các ảnh hưởng nghiêm trọng hơn. “Hậu quả chính về sức khỏe của thuốc tránh thai có chứa estrogen là tăng nguy cơ đông máu”, theo Mary Jane Minkin, M.D., giáo sư lâm sàng về sản khoa, phụ khoa và khoa học sinh sản tại Đại học Y Yale, Mỹ.
Nếu bạn thấy đau ngực hoặc đau chân, sưng hoặc đỏ ở chân, khó thở, các vấn đề về mắt hoặc mờ mắt, hãy đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt. Nhức đầu nghiêm trọng (uống thuốc giảm đau không đỡ) hoặc đau bụng dữ dội cũng có thể là những dấu hiệu nghiêm trọng hơn và bạn nên đi khám.
Chọn thuốc tránh thai phù hợp với cơ thể
Nếu bạn nhận thấy bất kỳ tác dụng phụ nghiêm trọng nào ở trên, hãy nói với bác sĩ càng sớm càng tốt. Những dấu hiệu dưới đây là các tác dụng phụ thường thấy, nhưng nếu chúng kéo dài hoặc gây bất tiện cho cuộc sống của bạn, hãy mạnh dạn trao đổi với bác sĩ để chọn loại thuốc tránh thai phù hợp với cơ thể bạn.
Sau vài tháng, “cô bé” vẫn ra máu hoặc chảy máu lốm đốm
Điều này có thể cho thấy loại thuốc tránh thai bạn đang uống chưa đủ lượng hormone để ngăn cản sự rụng trứng. Việc chuyển sang uống loại thuốc có lượng hormone cao hơn sẽ cải thiện điều này. Tuy nhiên bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ chứ không nên tuỳ tiện nhé.
Ham muốn tình dục giảm sút
Thuốc tránh thai có khả năng ảnh hưởng đến ham muốn tình dục của bạn. Theo giáo sư Minkin, nếu bạn nhận thấy ham muốn tình dục của bạn sụt giảm kể từ khi uống thuốc tránh thai, bạn nên nói hỏi ý kiến bác sĩ xem có thể chuyển sang uống loại chỉ chứa hormone progestin được không.
Đau đầu/Đau nửa đầu kéo dài
Nếu vẫn đau đầu/nửa đầu (kể cả ở thể nhẹ) sau một thời gian uống thuốc, bạn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ về việc chuyển sang loại thuốc với liều estrogen thấp hơn, theo giáo sư Minkin.
Hãy ghi chép cẩn thận về những triệu chứng bạn gặp phải
“Tôi luôn khuyến khích phụ nữ ghi chú về những tác dụng phụ mà họ gặp phải trên bất cứ loại thuốc nào”, giáo sư Minkin nói. Chẳng hạn, nếu bác sĩ kê toa một loại thuốc mới và bạn đột nhiên nhận thấy sự thay đổi trong tâm trạng so với khi uống loại thuốc trước, hãy nói ngay với bác sĩ. Ngay cả khi bạn đã thử một vài loại thuốc khác nhau mà vẫn không cảm thấy ổn, những ghi chú này có thể đặc biệt hữu ích để bác sĩ chọn thuốc tránh thai phù hợp với bạn.
“Đối với một người chưa bao giờ uống thuốc trước đây và có sức khỏe tốt, tôi khuyên bạn nên bắt đầu với một viên thuốc có 20 microgram estrogen”, giáo sư Minkin phát biểu. “Và hãy luôn thảo luận về tác dụng phụ của thuốc với bác sĩ kê đơn, người có thể dẫn đường cho bạn.”
Xem thêm:
- Tất cả những điều bạn cần biết về Thuốc tránh thai
- Thuốc tránh thai – Những tác dụng khác ngoài việc tránh thai
- Chọn thuốc tránh thai khẩn cấp hay hằng ngày nếu chưa muốn có con?