Cách chăm sóc trẻ sơ sinh 3 tháng tuổi thế nào cho đúng là điều khiến không ít ba mẹ lo lắng. Con đã đạt được những cột mốc phát triển nhất định và bước sang giai đoạn mới. Dưới đây là 7 giải đáp từ bác sĩ nhi sẽ giúp mẹ yên tâm hơn trong quá trình chăm con:
- Con cho cả nắm đấm vào miệng
- Không thấy mẹ là bé quấy khóc
- Con mãi chưa cứng cổ
- Con có vết xước trên mặt dù đã cắt móng tay
- Thóp bé bao giờ thì liền lại?
- Bé bú ít
- Con gắt ngủ và giật mình
1. Bé 3 tháng tuổi không mút ngón tay mà cho cả nắm đấm vào miệng?
Nhiều mẹ có thể hơi giật mình hoảng hốt khi thấy bé không mút ngón tay bình thường mẹ ngậm cả nắm đấm tay của mình.
Mẹ cần biết rằng, trong giai đoạn này, trẻ chỉ nhìn được tầm nhìn từ 20-30cm, cũng là khoảng cách con có thể nhìn thấy bàn tay mình hoặc gương mặt của mẹ ở gần. Cách tuyệt vời nhất giúp cho một em bé khám phá những vật thể thú vị xung quanh đấy chính là sử dụng miệng và lưỡi.
Thời điểm 3 tháng tuổi cũng là lúc con bắt đầu quan tâm hơn về cơ thể của mình. Đó là lý do vì sao bé thích cho cả nắm đấm vào miệng mút mát. Con có thể nhận biết nhiệt độ, mùi vị thông qua hành động này.
Chính vì thế mà mẹ đừng nên cấm đoán bé. Chỉ cần chú ý lau sạch tay cho con sau mỗi lần bé mút tay là tốt nhất.
Mẹ có thể quan tâm:
Hướng dẫn chăm bé 3 tháng tuổi chuẩn khoa học để con cứng cáp, lớn nhanh
2. Không thấy mẹ là bé 3 tháng tuổi có thể quấy khóc?
Lúc này, bé chưa nhận biết được sự xa cách mà hiện tượng này chủ yếu là do con nhớ hơi mẹ và cảm thấy không an toàn khi thiếu vắng hơi mẹ. Trẻ sơ sinh nhận biết được mùi mẹ ngay từ khi chào đời thông qua sự ôm ấp, chăm sóc và bú sữa từ mẹ.
Vì vậy, nếu bé khóc khi thấy mẹ rời đi thì xin mẹ cũng đừng quá sốt ruột hay mất bình tĩnh. Cách chăm sóc trẻ sơ sinh 3 tháng tuổi đơn giản là mẹ hãy lên tiếng trấn an bé. Tiếp đó, đảm bảo rằng con không có vấn đề gì về tã bỉm ướt, đầy bụng hay đói. Sau đó, mẹ có thể đánh lạc hướng bé bằng các đồ chơi có màu sắc, âm thanh. Một con thú bông nhỏ hoặc khăn, chăn nhỏ có mùi hương mẹ cũng sẽ giúp bé dễ chịu hơn.
3. Tại sao mãi mà bé chưa cứng cổ và biết lẫy?
Chỉ có 50-60% bé 3 tháng tuổi có thể lẫy và ngóc đầu dậy khi được nằm sấp. Nếu con chưa đạt được kĩ năng này thì mẹ cũng đừng quá lo lắng. Mẹ có thể áp dụng các hoạt động sau nhằm giúp bé mau cứng cáp hơn:
- Tiếp tục cho bé tập các bài tập nằm sấp.
- Sử dụng đồ chơi có âm thanh để thu hút sự chú ý của bé khi con đang nằm ngửa hoặc sấp.
- Tích cực cho bé nằm chơi trên mặt phẳng rộng rãi giúp kích thích khả năng hoạt động tay chân của bé.
- Bế vác bé đi dạo.
Khi được 3 tháng, đa số bé đã biết lẫy (Nguồn ảnh: unsplash)
Nếu được luyện tập hàng ngày và thường xuyên thì chẳng mấy chốc bé sẽ sử dụng cổ linh hoạt và có thể lẫy được dễ dàng.
4. Cắt móng tay rồi mà mặt con vẫn có vết xước?
Móng tay của bé sơ sinh trong 3 tháng đầu dài rất nhanh. Mẹ cần chú ý cắt và dũa móng tay cho bé 2-3 lần một tuần để tránh các vết xước do vô tình con cào vào mặt.
5. Khi nào thóp của con mới liền lại?
Cấu tạo xương sọ của con không giống người lớn. Phần thóp vẫn còn mở cho đến khi tầm 1 tuổi rưỡi. Do đó, mẹ cần nhẹ nhàng khi chăm sóc bé. Đặc biệt là những lúc gội đầu, tắm rửa hay mát xa cho con để tránh các tổn thương nguy hiểm.
Mẹ có thể quan tâm:
6. Bé 3 tháng tuổi bú ít đi khiến mẹ phải lo lắng?
Sau 2 tháng chỉ ăn và ngủ, giờ đây bé 3 tháng tuổi đã có thời gian thức dài hơn (1,5-2 tiếng). Con quan tâm đến bất kỳ thứ gì có âm thanh, tiếng động và màu sắc. Do đó, với nếp ăn của bé 3 tháng tuổi, mẹ cần lưu ý rằng:
- Số giờ con có thể đợi đến bữa sữa tiếp theo lâu hơn. Nếu trước đây là 1-2 tiếng thì giờ đây có thể lên tới 3-4 tiếng. Vì vậy, nếu bé bú ít đi, mẹ hãy thử giãn thời gian giữa các bữa sữa từ ít đến nhiều để bé cảm thấy đói hơn và bú sữa được ngon hơn.
- Con dễ bị phân tâm với môi trường trong khi ăn. Do đó, bé có thể bị phân tán, mất tập trung và trở nên lơ là với thời điểm ăn sữa. Mẹ hãy thử cho bé ăn trong môi trường yên tĩnh, ít vật chú ý để con ăn tốt hơn.
Thạc sĩ, bác sĩ Doãn Thị Tường Vi, Phòng khám dinh dưỡng, Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội tư vấn thêm về tư thế cho con bú. Khi con bú mẹ hoàn toàn, mẹ cần cho bé bú đúng tư thế, không nên nằm cho bé bú và mỗi lần cho bú nên kéo dài 20-30 phút, hết bầu ngực bên này rồi đến bầu bên kia. Trẻ được ăn no sẽ ngủ ngon giấc, tâm trạng thoải mái và ít quấy khóc hơn. Ngược lại bé bú chưa đủ no sẽ ngủ không ngon giấc, hay mút tay, miệng mấp máy… Mẹ có thể dựa vào các biểu hiện này để biết bé bú đủ hay chưa.
7. Bé gắt ngủ và dễ giật mình vì tiếng động khiến con không ngon giấc?
Gắt ngủ là vấn đề quan tâm hàng đầu của các mẹ khi tìm hiểu cách chăm sóc trẻ sơ sinh 3 tháng tuổi. Hiện tượng gắt ngủ sẽ diễn ra nếu mẹ không nắm bắt kịp thời tín hiệu buồn ngủ của con. Một khi bé đã quá mệt và đi qua cơn ngủ thì gắt ngủ sẽ là hệ quả đương nhiên mẹ phải chịu đựng. Chính vì vậy mẹ cần nắm kĩ các dấu hiệu buồn ngủ để giúp con đi ngủ đúng thời điểm.
Mẹ cần biết rằng con buồn ngủ sẽ phải trải qua 3 giai đoạn:
- Buồn ngủ sớm: Mắt lờ đờ, nhìn chằm chằm vô định vào một điểm, quay đầu khỏi nơi có ánh sáng hoặc tiếng động mạnh. Nếu mẹ nhận ra tín hiệu này và cho con đi ngủ luôn thì bé sẽ dễ ngủ hơn rất nhiều hoặc thậm chí ngủ luôn mà không cần vỗ về gì.
- Hơi gắt ngủ: Con sẽ ngáp, cau có, hắt hơi, giật tai, vò tai.
- Con đã rất mệt và buồn ngủ quá mức: Bé ưỡn lưng, khóc theo kiểu cáu kỉnh, gắt gỏng. Đặt bé vào giường con sẽ ngủ nhưng 20-30 phút sau lại tỉnh dậy và khóc tiếp. Đây chính là giai đoạn bé buồn ngủ nhưng không thể ngủ được.
Thời điểm để cho bé đi ngủ tốt nhất chính là khi con có tín hiệu buồn ngủ sớm. Lúc này đặt bé vào giường kịp thời và vỗ về bé, con sẽ ngủ được tốt hơn.
Nếu bé hay bị giật mình trong giấc ngủ, mẹ có thể tham khảo cách quấn bé. Ngoài ra các vật trấn an như gấu bông hoặc ti giả và vỗ mông con để con tiếp tục ngủ lại cũng sẽ giúp bé ngủ ngon hơn.
Theo The Asianparent Singapore
Nguồn tham khảo: Tại sao cả tháng bé không tăng cân? – vnexpress.net
Xem thêm:
- Bé 3 tháng 4kg5 có phải quá nhẹ cân? Mẹ cần làm gì trong trường hợp này?
- Hướng dẫn chăm bé 3 tháng tuổi chuẩn khoa học để con mau cứng cáp, biết lẫy, lớn nhanh
- Bé 3 tháng chưa cứng cổ: Khi nào là bình thường và khi nào là bất thường?
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!