Cai sữa đêm cho bé sẽ không còn là trận chiến khổ sở nếu mẹ nắm rõ những bí kíp này từ kinh nghiệm cai sữa đêm thành công của các mẹ bỉm sữa.
Khi nào mẹ nên cai sữa đêm cho bé?
Phương pháp nuôi con truyền thống kiểu Việt Nam thường cho rằng trẻ chỉ nên cai sữa đêm khi con ít nhất 1 tuổi hay thậm chí là khi nào bé tự thôi bú thì thôi.
Mặc dù vậy, khoa học chăm sóc trẻ sơ sinh hiện đại đã chỉ ra rằng, trẻ trên 6kg có thể tự tích luỹ năng lượng để ngủ xuyên đêm mà không cần ăn. Giấc ngủ đêm dài rất quan trọng với phát triển trí não và chiều cao của trẻ, chứ chỉ ăn thôi thì chưa đủ. Nhu cầu ngủ đêm của trẻ sơ sinh là 11-12 tiếng.
Do đó ngay từ tháng thứ 3, nếu bé nặng trên 6kg và có dấu hiệu ngủ được liền mạch trong nhiều tiếng đồng hồ thì mẹ không cần thiết phải đánh thức bé dậy mà hãy để cho bé ngủ. Dần dần kéo dài thời gian này cho đến khi con có thể ngủ xuyên đêm.
Đây cũng là cách cai sữa đêm cho bé ngay từ độ tuổi còn nhỏ mà mẹ không hề phải vất vả chút nào.
Làm cách nào để bé không còn dậy đòi ti?
Tất nhiên không phải em bé nào cũng được luyện ăn và luyện ngủ như cách trên. Có những bé đã quen ngậm ti mẹ, quen được ăn đêm không theo cung giờ nhất định thì việc cai sữa đêm sẽ càng khó khăn hơn.
Lúc này ăn đêm chưa hẳn là để cung cấp dinh dưỡng cho bé mà nó đã trở thành công cụ khiến bé bị lệ thuộc để có một giấc ngủ ngon nhiều hơn.
Nếu bé nhà mẹ nằm trong nhóm này thì mẹ cũng đừng vội nản chí. Chỉ cần áp dụng đúng cách và quan trọng là kiên trì, thực hiện nhất quán thì chỉ vài ngày là việc cai sữa đêm sẽ thành công.
2 kinh nghiệm bỏ bú đêm cho bé phổ biến nhất mà các mẹ thường áp dụng như sau.
Cách cai sữa đêm cho bé: Không lẫn lộn giữa ăn và ngủ, cắt hết tất cả cữ ăn đêm
Chị Quỳnh, mẹ của bé Tom chia sẻ:
“Sau nhiều đêm vật vờ dậy cho Tom ti đêm, mình thấy vừa mệt người, hơn nữa cũng rất thương ông chồng phải thức bế con đưa qua cho vợ. Và y như rằng, thức đêm thì ngày hôm sau đi làm cũng vật vờ. Vậy nên, 2 vợ chồng đã quyết định cai ti đêm và luyện ngủ xuyên đêm cho con”.
Do đó, chị đã thực hiện cai sữa cho bé như sau:
- Không cho con ăn khi con tỉnh dậy vào giữa đêm
- Thay vào đó có thể nằm cùng con hay vỗ về cho con quay lại giấc ngủ.
- Con sẽ khóc đòi nhưng mẹ tuyệt đối không cho ti ( kể cả ti bình hay bú mẹ), từ từ bé sẽ quay lại giấc ngủ và dần quen với việc không bú đêm.
Điều quan trọng nhất khi thực hiện phương pháp này, đó là mẹ cần phải cho con bú đủ lượng sữa mỗi ngày, tránh để trẻ đói mà quấy khóc buổi đêm, đồng thời khiến bé không bị giảm cân.
Tuy nhiên, cách này nếu áp dụng với bé ngủ chung với mẹ hoặc ti mẹ trực tiếp thì thường con sẽ khóc dữ dội.
Cách cai sữa đêm cho bé: Giãn cữ từ từ
Mẹ bé Bull, một bà mẹ đã quyết định sử dụng phương pháp giãn cữ từ từ (tức là kéo dài thời gian khoảng cách giữa các cữ sữa một cách từ từ cho đến khi nào bé bỏ được từng cữ bú thì thôi) chia sẻ kinh nghiệm 10 ngày cai sữa đêm như sau.
Cho bé bú thật no mà đừng ép bé quá kẻo bé bị ọc sữa. Sau đó tắt đèn, mở nhạc nhẹ và cho bé ngủ lúc đó khoảng 19h. Khoảng 22h bé dậy đòi ti, mẹ không cho bú mà dùng ti giả dỗ bé, tất nhiên bé sẽ khóc nhưng lúc này chưa đói lắm nên bé sẽ ngủ lại.
Lặp lại quy trình này cho đến khi nào bé thực sự đói (thường là con sẽ khóc dữ dội) rồi mới cho bé ti.
Các ngày hôm sau cũng lặp lại y như thế. Dần dần mẹ sẽ thấy bé chịu bú no khi biết mình sắp được đi ngủ và sẽ khóc ít đi hoặc chỉ ọ ẹ vào các ngày tiếp theo.
Mẹ bé Bull cũng cho biết. Sau khoảng 2 tuần thì bé ngủ xuyên đên trọn vẹn, sau khi cai ti đêm thành công thì thỉnh thoảng bé vẫn ọ ẹ vào ban đêm nhưng tần suất rất ít.
Xem thêm:
- Cách cai sữa đêm cho trẻ 2 tuổi đơn giản mà hiệu quả
- Trẻ mấy tháng cai sữa đêm: Hướng dẫn mẹ thời điểm cai sữa hợp lý nhất để con ăn khỏe, mẹ ngon giấc
- Trẻ ngủ ngon và sâu giấc xuyên đêm với phương pháp Ferber
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!