Cách theo dõi thai máy và đếm cử động thai là hoạt động cần thiết nên được mẹ thực hiện từ tuần thai thứ 20 trở đi để xác định tình trạng sức khỏe của em bé trong bụng.
Nội dung bài viết:
- Khi nào mẹ cảm nhận được thai máy? Vì sao cần đếm cử động thai?
- Thời điểm thích hợp theo dõi thai máy
- Kinh nghiệm theo dõi thai máy từ các mẹ là độc giả của TAP
- 1 số mẹo kích thích chuyển động thai nhi
Khi nào mẹ cảm nhận được thai máy? Sự cần thiết của việc đếm cử động thai
Cử động thai hay còn gọi là thai máy là khi thai nhi có những vận động như xoay trở tay chân hay vận động toàn thân mà người mẹ có thể cảm nhận được. Thai máy bắt đầu từ rất sớm, khoảng tuần thứ 8 của thai kỳ nhưng do ngăn cách giữa thành bụng mẹ và bọc ối nên sẽ khó cảm nhận được những sự chuyển động còn rất nhẹ vào thời điểm này. Từ tuần thứ 16 trở đi, đa phần các mẹ bầu sẽ cảm nhận được thai máy 1 cách rõ rệt hơn do thai nhi đang lớn lên từng ngày.
Bạn có thể chưa biết:
Thai nhi đạp nhiều có sao không và cách theo dõi thai máy dành cho mẹ
Thai 12 tuần đã máy chưa? Khi nào mới cảm nhận rõ được thai máy?
Mỗi 1 chuyển động thoáng qua hay liên tục của thai nhi như xoay, trườn, co cuộn hay vặn người đều được tính là 1 lần bé máy. Nhưng mẹ cần lưu ý thêm là nếu con nấc thì lại không được tính là 1 cử động thai vì đó là phản xạ có điều kiện. Mẹ cũng đừng nhầm lẫn với hiện tượng sôi bụng hoặc những cơn gò sinh lý vào những tuần cuối của thai kỳ.
Việc chú ý đến cử động của thai nhi sẽ giúp mẹ phát hiện kịp thời bất kỳ sự thay đổi bất thường nào. Các can thiệp y khoa tiến hành sau đó nhờ vậy sẽ hiệu quả hơn. Ngoài ra, theo dõi cử động thai còn giúp thai phụ bớt lo lắng, căng thẳng hơn, nhất là mẹ mang thai có nguy cơ cao. Hãy dành thời gian mỗi ngày đếm các cú đá, cựa quậy, cuộn tròn của con để sớm xác định các vấn đề tiềm ẩn và ngăn ngừa tình trạng thai chết lưu.
Thời điểm thích hợp để bắt đầu theo dõi cử động thai
Thông thường, trong những tháng giữa thai kỳ, số lần thai máy của bé chưa thực sự đều đặn nhưng càng về sau con càng hoạt động có giờ giấc cụ thể và theo chu kỳ ổn định hơn. Từ cuối tuần 27 – 32 là giai đoạn thai nhi nghịch ngợm nhiều nhất vì thường xuyên xoay chuyển bất kể ngày đêm trong bụng mẹ. Các bác sĩ sản khoa trên thế giới khuyến nghị mẹ bầu cần biết cách theo dõi thai máy và tự đếm cử động thai mỗi ngày khi bước sang tháng thứ 7 tức là tuần thai thứ 28 để nhận biết tình trạng sức khỏe của con.
Sức khỏe bé thể hiện qua những cú đạp thế nào?
Tần suất và mức độ chuyển động của thai nhi trong 1 khoảng thời gian cố định có thể phản ánh tương đối chính xác việc bé đang ổn hay cần sự trợ giúp kịp thời. Số lần cử động trung bình mỗi ngày của thai nhi là từ 16 – 45 lần và khoảng cách tối đa giữa các lần bé máy là 50 – 75 phút.
- Thai nhi khỏe mạnh có > 4 lần cử động trong 30 phút và đếm được 3 lần như vậy trong 1 ngày
- Nếu bé cử động ít hơn 4 lần thì mẹ nên nằm và đếm cử động thai trong 1 tiếng, hoặc từ 2-4 tiếng. Mẹ nhớ nằm nghiêng bên trái để đảm bảo tuần hoàn máu và oxy cho bé.
- Khi theo dõi trong 1 tiếng mà bé có trên 4 cử động thì tức là con khỏe mạnh
- Trường hợp trong 4 tiếng có nhiều hơn 10 cử động thì mẹ cần tiếp tục đếm thêm 3 lần mỗi ngày
- Trường hợp có ít hơn 10 cử động trong 4 tiếng hoặc cử động thai yếu thì mẹ nên nhập viện ngay để kiểm tra tim thai và theo dõi thêm.
Cùng TAP chia sẻ kinh nghiệm theo dõi thai máy từ các mẹ bầu
Dạo quanh 1 vòng trong topic chia sẻ kinh nghiệm về thai máy trên diễn đàn của theAsianparent Vietnam, các mẹ sẽ có thêm 1 số kinh nghiệm khá hay ho về cách đếm cử động thai:
Đi tiểu trước khi theo dõi cử động thai
Mẹ Bình Nhi bật mí: “Trước khi đếm số lần thai máy, mình đi tiểu để làm trống bàng quang, nằm thư giãn và đặt tay lên bụng để đếm số cử động của thai nhi trong vòng 1 giờ đồng hồ”.
Mẹ cũng cho biết thêm 1 số kinh nghiệm nhận biết tình trạng sức khỏe của con qua những cú đạp:
- Nếu bé khỏe mạnh sẽ có ít nhất 4 đợt cử động thai trong 60 phút
- Khi có ít hơn 4 cử động trong 1 giờ, mẹ sẽ nằm nghỉ và đếm cử động thai trong 1 hoặc 2 giờ sau đó
- Nếu trong 2 giờ tiếp theo thai nhi cử động dưới 10 lần, mẹ biết là cần phải đến ngay các cơ sở y tế để theo dõi.
Cũng theo mẹ Bình Nhi thì từ tuần 28 trở đi, mẹ thường chọn tư thế nằm nghiêng trái để cảm nhận rõ hơn những chuyển động của con.
Áp dụng phương pháp thai giáo cũng là cách theo dõi thai máy
Vào khoảng tuần thứ 20, khi nhận ra những chuyển động của con trong bụng cũng là lúc mẹ Duong Dung áp dụng phương pháp thai giáo để vừa theo dõi sức khỏe của bé vừa tạo mối liên kết và giao tiếp cùng thai nhi: “Vào khoảng tuần thứ 20 là mình có thể cảm nhận rõ con máy trong bụng, khi đó mình có tìm hiểu về những chuyển động của con trong bụng kết hợp thêm tư vấn của bác sĩ để theo dõi thai kỳ khỏe mạnh”.
- Tỉnh giấc vào mỗi sáng, mẹ cũng gọi bé dậy để trò chuyện cùng con. Khi mẹ dùng những ngón tay gõ nhẹ lên bụng thì con đều có phản ứng bằng những chuyển động vươn vai, cuộn tròn để báo hiệu cho mẹ biết là con vẫn khỏe mạnh. Dần dần bé sẽ thức giấc vào 1 giờ cố định và thậm chí còn có thể gọi mẹ dậy để trò chuyện cùng mình nữa.
- Bất kể ở đâu và làm gì, kể cả lúc ăn uống hay buổi tối trước khi đi ngủ, nếu nói cho con biết hoặc chúc con ngủ ngon bố mẹ sẽ nhận thấy bé phản ứng lại bằng những chuyển động từ bên trong bụng mẹ.
- Áp dụng thai giáo như 1 cách theo dõi cử động thai cũng giúp mẹ lựa chọn được những thời điểm thích hợp để đếm cử động của con. Nếu bé đạp quá nhiều trong 3 tiếng liên tục hay đạp quá ít mẹ cũng sẽ nhận ra ngay để được theo dõi kĩ hơn bằng máy Monitor tại các bệnh viện.
Bạn có thể chưa biết:
Đếm số lần thai máy sau bữa ăn
Khi đã có những cảm nhận đầu tiên về sự hiện hữu của con trong bụng, mẹ Bông U Rô đã bắt đầu tập thói quen đếm cử động thai sau các bữa ăn: “Mình cảm nhận được con đạp từ tuần thứ 22, những cảm nhận đầu đời về con trong bụng mẹ. Mỗi ngày sau các bữa ăn no (sáng, trưa, tối) là mình nằm nghỉ ngơi để bắt đầu đếm cú đạp của con”.
- Khi bụng bầu chưa quá lớn, mẹ chọn nằm ngửa là tư thế khiến mẹ dễ cảm nhận nhất. Ở những tuần thai sau, mẹ thường tựa lưng và đặt tay lên bụng hoặc nằm nghiêng trái, nghiêng phải. Trong vòng 1 tiếng mà mẹ đếm đủ 10 cử động nghĩa là mẹ biết em bé đang hoàn toàn ổn
- Nếu không đếm đủ 10 lần xoay chuyển của bé trong vòng 1 – 2 tiếng, mẹ Bông U Rô sẽ thử ăn 1 chút đồ ngọt rồi lại theo dõi tiếp.
- Theo kinh nghiệm, tùy thuộc vào trạng thái thần kinh và các yếu tố tác động đến thai nhi, bé cần ít nhất khoảng 30 phút để chuyển động 10 lần hoặc thời gian có thể kéo dài hơn nhưng không quá 4 tiếng. Nếu cảm thấy bé đạp ít đi hoặc có những chuyển động yếu ớt nghĩa là thai nhi có điều gì đó không ổn và cần được kiểm tra ngay tại các cơ sở y tế.
1 số mẹo kích thích sự chuyển động của thai nhi
Nếu bỗng dưng thấy bé “im tò tò” chứ không “tung chưởng” như thói quen hàng ngày, mẹ có nickname My còn mách các mẹ 1 số mẹo khá hiệu quả để kích thích sự chuyển động của thai nhi nhằm kiểm tra xem bé có gặp vấn đề nào hay không.
- Bé có thể phản ứng lại khi nghe thấy những âm thanh quen thuộc hoặc ưa thích. Vậy nên mẹ có thể trò chuyện cùng con hay mở những bản nhạc êm dịu hoặc sôi động để gọi bé trả lời
- Ăn 1 miếng bánh ngọt và đợi 1 chút xem bé có phản ứng gì không là cách nhận biết thai máy đơn giản. Lúc lượng đường trong máu mẹ tăng cao thì bé cũng hấp thu được năng lượng để cử động mạnh mẽ hơn
- Thay đổi tư thế mà cả mẹ và bé cảm thấy dễ chịu nhất. Thường thì mẹ luôn cố gắng nằm nghiêng bên trái để cung cấp đủ oxy cho con. Như vậy, các cử động thai cũng đều đặn và tránh được trường hợp bé đạp nhiều bất thường vì thiếu oxy
- Nếu bé đang ngủ, bé sẽ không cử động (hoặc cử động ít hơn bình thường), mẹ có thể thử uống một cốc nước quả tươi, nước mát, sữa lạnh hoặc đi bộ trong vòng 5 phút. Nhiều bé thường tạo ra những chuyển động sau khi mẹ áp dụng mẹo này đấy
- Thai nhi thường nhạy cảm với ánh sáng có cường độ mạnh. Con sẽ đạp nhiều hơn khi mẹ ở bên ngoài trời hoặc khi có luồng ánh sáng như đèn pin chiếu thẳng vào thành bụng mẹ. Phương pháp kích thích bé này cũng là cách theo dõi thai máy khá đơn giản mà mẹ có thể thử khi cần.
Lời ngỏ cùng mẹ
Cử động thai máy là dấu ấn đặc biệt, cho người mẹ cảm nhận rõ ràng về 1 mầm sống đang hiện hữu trong cơ thể. Nhịp thai máy thể hiện sức khỏe của thai nhi. Vì vậy, ngoài khám thai theo định kỳ, mẹ hãy ghi chép thường xuyên về hoạt động của thai nhi mỗi ngày để đảm bảo bé yêu luôn được khỏe mạnh và an toàn cho đến khi cất tiếng khóc chào đời trong vòng tay thương yêu của gia đình!
Dự án #Sidekicks – Trợ thủ đắc lực: Giúp các gia đình chào đón những em bé khỏe mạnh
Dự án Sidekicks do theAsianparent xây dựng nhằm mục tiêu giúp các gia đình giảm thiểu tỉ lệ chết lưu và sảy thai vốn rất thường xuyên xảy ra ở các nước Đông Nam Á bằng cách tuyên truyền nhận thức về việc ngủ nghiêng, đếm cú đạp để theo dõi hoạt động của thai nhi và nhiều hoạt động thiết thực khác.
Để biết thêm thông tin, vui lòng đăng nhập tại Dự án #Sidekicks.
Xem thêm
- Cách đếm thai máy dành cho mẹ bầu theo dõi bé yêu được an toàn
- Giải mã những tín hiệu từ các nhóc tì khi thai nhi đạp nhiều hơn bình thường
- Thai nhi đạp nhiều có sao không và cách theo dõi thai máy dành cho mẹ
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!