Quá trình từ lúc biết ngồi, biết bò đến biết đi của bé là một quá trình đầy thú vị. Mẹ đã nghe qua cách tập cho bé nhanh biết đi theo từng giai đoạn chưa? Nếu chưa thì mẹ đừng nên bỏ qua những “bí kíp” giúp tăng cường những cơ bắp để tập đi nhanh hơn trong bài viết nhé!
Tập đi – quá trình đầy thú vị của bé
Từ 4-15 tháng tuổi, bé đã có thể học cách ngồi dậy để tự đi lại trong nhà. Trong thời gian này, bạn có thể giúp bé tự tin thực hiện những bước đầu tiên đó thông qua:
- Các trò chơi đơn giản
- Những lời khen ngợi
- Xe tập đi
Tuy nhiên, Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) không khuyến khích sử dụng xe tập đi. Họ nói rằng xe tập đi không chỉ làm chậm sự phát triển đi bộ của bé mà còn cực kỳ nguy hiểm. Hàng ngàn trẻ mới biết đi phải vào bệnh viện mỗi năm vì xe tập đi. Canada đã có lệnh cấm đối với xe tập đi được bán tại quốc gia này. AAP đang khuyến nghị Hoa Kỳ thực hiện biện pháp tương tự.
Cách tập cho bé nhanh biết đi theo từng giai đoạn
Giai đoạn 1: Ngồi
Khi bé bắt đầu tự ngồi mà không cần sự trợ giúp nào, bé đang ở giai đoạn đầu tiên để có được khả năng vận động. Ngồi sẽ giúp bé của bạn tăng cường cơ bắp cần thiết trong quá trình học đứng.
Gợi ý: Lăn một quả bóng qua lại hoặc chơi các trò chơi xếp chồng để giúp bé tăng cường cơ bắp nhỏ bé của mình. Áp dụng cho bé được 4-7 tháng.
Giai đoạn 2: Bò
Điều quan trọng nhất để bé làm ở giai đoạn bò là tập luyện di chuyển tay và chân cùng một lúc. Ngay cả khi bé tập bò bụng cũng cần tập điều này. Bé sẽ cần những kỹ năng này khi đến lúc phải đi bộ. Áp dụng cho bé 7-10 tháng.
Gợi ý: Mẹ nên giúp bé phát triển các cơ bắp. Cho bé bò từ bên này sang bên kia phòng và khen ngợi cho nỗ lực của bé là một ví dụ.
Giai đoạn 3: Kéo lên
Khi bé 8 tháng tuổi, bé trở nên mạnh mẽ và tò mò hơn. Bé sẽ bắt đầu kéo mình lên với sự hỗ trợ của đồ đạc trong nhà, hoặc mẹ và bố. Đây là lúc bạn có thể tập cho bé thăng bằng và làm quen với tư thế đứng.
Gợi ý: Mẹ giúp bé kéo mình lên sau đó chỉ cho bé cách uốn cong đầu gối để trở xuống sàn. Điều này sẽ giúp bé giảm đau vì té ngã khi tự mình bước đi.
Giai đoạn 4: Tập đi có sự trợ giúp
Tròn 8-9 tháng tuổi, bé bắt đầu tự kéo mình lên. Thi thoảng, bé sẽ nắm tay bạn để giữ thăng bằng. Mẹ hãy giúp bé bước vài bước. Điều này sẽ giúp bé tự tin để thực hiện những bước đầu tiên.
Gợi ý: Luyện tập, luyện tập, luyện tập – đây là chìa khóa khi bé ở giai đoạn này. Càng quen với việc đứng trên đôi chân của mình, bé càng cảm thấy thoải mái khi chập chững những bước đầu tiên.
Giai đoạn 5: Đi vòng quanh
Bé sẽ bắt đầu sử dụng tường và đồ nội thất để đi lại. Điều này giống như việc du ngoạn vậy. Khi bé di chuyển được nhiều hơn, mẹ nên chú ý để ngôi nhà có thể hỗ trợ cho bé. Hoặc tất cả đồ đạc đều được gắn chặt vào tường để đảm bảo an toàn.
Gợi ý: Khuyến khích bé tự tin hơn khi đi vòng quanh mà không vịn tường hoặc đồ đạc. Mẹ đừng quên đảm bảo một điểm hạ cánh êm ái nếu bé bị té nhé!
Giai đoạn 6: Đứng không cần vịn
Giữ thăng bằng là một phần quan trọng của việc tập đi. Nhất là khi bé được 9 – 12 tháng tuổi. Nếu có thể đứng và giữ thăng bằng trong vài giây, bé sẽ cảm thấy mình có thể cố gắng bước một bước.
Gợi ý: Biến việc giữ thăng bằng thành một trò chơi. Ngồi với bé trên sàn và giúp bé đứng dậy. Sau đó đếm xem bé có thể ở lại bao lâu trước khi bé ngã. Hãy khen ngợi bé sau mỗi lần thử để bé có thêm động lực phấn đấu.
Giai đoạn 7: Bước đi đầu tiên
Những bước đầu tiên là một khoảnh khắc huy hoàng đối với đứa con bé bỏng của bạn. Vì vậy hãy xem đây là một sự kiện lớn. Quan trọng nhất khi tập đi là cần tự tin. Do đó, ở những bước đầu tiên, bé cần nhiều lời khen ngợi và khuyến khích.
Gợi ý: Cổ vũ bé bước những bước đầu tiên bằng cách ngồi trên sàn và hướng dẫn bé. Dần dần, khi bé lấy lại thăng bằng, hãy để bé tự đi.
Giai đoạn 8: Đi
Sau những bước đầu đời, bé sẽ chính thức tập đi khi được 12 – 15 tháng tuổi. Bé có thể vấp ngã hoặc quay ngược lại những giai đoạn trước khi bước đi. Mẹ nên tiếp tục khen bé khi bé bắt đầu khám phá trải nghiệm đi trên đôi chân của mình. Một số em bé sẽ thích bò. Vì thế, bé có thể thường xuyên bò/đi bộ trước khi bé đứng trên đôi chân của mình.
Gợi ý: Khuyến khích đi bộ càng nhiều càng tốt là điều mẹ nên làm. Ví dụ, khi đặt bé xuống, mẹ hãy đặt bé ở tư thế đi bộ thay vì tư thế ngồi.
Quá trình tập đi là một quá trình quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ. Cha mẹ đóng vai trò quan trọng trong việc trợ giúp trẻ ở giai đoạn này. Hi vọng những cách tập cho bé nhanh biết đi bên trên sẽ “cứu nguy” cho cả cha mẹ lẫn con cái. Và quan trọng là, đừng bao giờ quên tặng con mình những lời khen khi bé bước sang một giai đoạn mới!
Theo parents
Xem thêm:
- Hành trang cho bé đi nhà trẻ mẹ nên chuẩn bị từ sớm
- Trẻ chậm biết đi vì đâu và cha mẹ có thể làm gì để hỗ trợ bé tập đi?
- Trẻ chậm biết đi nên cho ăn gì để sớm cải thiện tình hình?
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!