Cách đo vòng đầu cho bé có khó không? Ba mẹ nên dùng dây đo co giãn rồi quấn vòng quanh phần rộng nhất của trán bé, sau đó đối chiếu với bảng chỉ số chu vi vòng đầu qua các tháng của trẻ sơ sinh để biết con có phát triển đúng chuẩn hay không.
Hãy đọc bài viết này của theAsianparent Việt Nam để biết:
- Vì sao ba mẹ cần đo vòng đầu cho bé?
- Cách đo vòng đầu trẻ sơ sinh
- Các dấu hiệu bất thường ba mẹ cần lưu ý
Vì sao ba mẹ cần đo vòng đầu cho bé?
Khi đi tiêm vắc xin hoặc đến các mốc kiểm tra định kỳ của trẻ trong những năm đầu đời, một trong những điều không thể thiếu là bác sĩ nhi sẽ đo chu vi vòng đầu cho bé.
Chu vi vòng đầu, hay còn gọi chu vi chẩm là một phép đo đầu của trẻ bằng cách đo ngang chân mày phía trước, trên vành tai hai bên và ngang ụ chẩm phía sau. Dựa vào quá trình phát triển của chu vi vòng đầu trẻ sơ sinh, ba mẹ có thể biết được tình trạng phát triển của con đang ở mức độ nào trong những năm đầu đời.
Khám phá thêm:
Nếu đầu của bé lớn hơn hoặc nhỏ hơn nhiều so với chỉ số trung bình của trẻ hoặc vòng đầu trẻ không tăng nhanh, thì đó có thể là dấu hiệu của các vấn đề nghiêm trọng. Chẳng hạn, một vòng đầu lớn bất thường là dấu hiệu của bệnh tràn dịch não. Một vòng đầu nhỏ hơn trung bình có thể là dấu hiệu não không phát triển tốt hoặc thậm chí ngừng phát triển.
Do đó, ba mẹ cũng có thể tìm hiểu về cách đo chu vi vòng đầu này để tự kiểm tra mức độ phát triển của trẻ nếu cảm thấy có các dấu hiệu bất thường.
Cách đo vòng đầu cho bé như thế nào để biết con phát triển tốt hay không
Theo các bác sĩ chuyên khoa Nhi, cách đo vòng đầu cho trẻ tại nhà như sau:
- Dùng dây đo co giãn quấn vòng quanh phần rộng nhất của trán của bé, ở ngay sát trên tai và điểm giữa của phía sau đầu.
- Tiến hành đo đều đặn như vậy mỗi tháng một lần vào một ngày cố định.
Để biết được bé phát triển bình thường hay không, sau khi đo xong, ba mẹ nên đối chiếu với bảng size vòng đầu của bé như sau:
- 0 tháng tuổi – 34,8 cm
- 3 tháng tuổi – 40 cm
- 6 tháng tuổi – 42,4 cm
- 12 tháng tuổi – 45 cm
- 15 tháng tuổi – 45,8 cm
- 18 tháng tuổi – 46,5 cm
- 21 tháng tuổi – 47 cm
- 24 tháng tuổi – 47,5 cm
- 27 tháng tuổi – 47,8 cm
- 30 tháng tuổi – 48,2 cm
- 33 tháng tuổi – 48,4 cm
Một trẻ sơ sinh phát triển tốt thì trong khoảng từ 0-3 tháng tuổi, chu vi vòng đầu của bé sẽ tăng khoảng 2cm mỗi tháng. Trong khoảng từ 4-6 tháng tuổi thì vòng đầu sẽ tăng đều đặn 1cm/tháng. Tiếp đó trong khoảng 6-12 tháng tuổi thì số đo này sẽ tăng là 0,5cm/tháng.
Sau đó trong thời gian 6 tháng đầu đời, chu vi vòng đầu của trẻ sẽ to hơn khoảng 2cm so với ngực. Từ 6 đến 24 tháng tuổi, hai chỉ số chu vi vòng đầu và ngực của bé sẽ ở trạng thái bằng nhau. Tiếp theo sau hai năm thì ngược lại, chu vi đầu của trẻ sẽ nhỏ hơn ngực.
Tuy nhiên, có khác biệt nhỏ về chu vi vòng đầu bình thường theo giới tính (nam hoặc nữ) ở cùng tháng tuổi. Các bé trai thường có vòng đầu lớn hơn các bé gái.
Do đó, khái niệm chu vi vòng đầu bình thường của trẻ sẽ không mang tính tuyệt đối. Ngoài ra, các yếu tố di truyền cũng có thể ảnh hưởng đến thông số này ở trẻ.
Khám phá thêm:
Các dấu hiệu bất thường ba mẹ cần lưu ý
Trẻ có dấu hiệu phát triển không bình thường trong trường hợp nếu ba mẹ quan sát thấy vòng đầu của bé không tăng nhanh hoặc không nằm trong phạm vi an toàn như đã nói trên. Qua các chỉ số, nếu chu vi vòng đầu của con lớn hơn hoặc nhỏ hơn so với chỉ số trung bình của trẻ một cách bất thường thì đây chính là dấu hiệu trẻ đang gặp vấn đề về não bộ. Cụ thể là:
- Nếu vòng đầu lớn bất thường thì có thể do bẩm sinh hoặc bị não úng thủy. Não úng thủy bẩm sinh dẫn đến bé sẽ bị mắt trợn ngược, chậm phát triển và thóp giãn rộng.
Cách nhận biết não úng thủy
Biểu hiện lâm sàng của tình trạng não úng thủy thay đổi rất khác nhau tùy từng trường hợp, phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: thời gian mắc bệnh, tuổi mắc bệnh, bản chất của thương tổn gây nên sự tắc nghẽn lưu thông dịch não-tủy và tốc độ tăng áp lực trong sọ.
Bình thường vòng đầu của bé trai lúc sinh là 37-38 cm, lúc 6 tháng tuổi là 42-45 cm; bé gái lúc sinh là 35-38 cm, lúc 6 tháng là 41-44cm. Trung bình vòng đầu sẽ tăng 1cm mỗi tháng, nếu thấy to ra 2-3 cm là não úng thủy. Đầu to do não úng thủy làm biến dạng sọ, không cân đối với thân, trán dô ra, thóp nở rộng, các khe khớp của xương sọ giãn ra, mắt bé nhìn xuống.
- Còn trường hợp vòng đầu nhỏ hơn trung bình có thể là dấu hiệu não không phát triển tốt hoặc thậm chí ngừng phát triển. Vòng đầu nhỏ có thể do bất thường não, bệnh lý trong thời kỳ bào thai, di chứng não làm não kém phát triển…
Ngoài kiểm tra chu vi vòng đầu, ba mẹ nên kết hợp với việc theo dõi cân nặng, chiều cao và các kĩ năng phát triển vận động cũng như nhận thức theo từng tháng tuổi để có thể tư vấn với bác sĩ, nhằm tìm ra những bất thường về sức khỏe hoặc phát triển của trẻ.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!