Đếm cử động thai là việc làm cần thiết để kiểm tra sức khỏe thai nhi. Tần suất cử động thai thường cao nhất ở tuần 27 – 32 sau đó giảm dần lúc sắp sinh. Vì vậy, chị em cần nắm rõ cách đếm thai máy tháng cuối để phát hiện các dấu hiệu nguy hiểm, bất thường của thai nhi như sảy thai, thai chết lưu…
Cách đếm thai máy tháng cuối chính xác nhất
Tháng cuối thai kỳ, mẹ nên đếm chuyển động hằng ngày của thai nhi qua các bước sau đây:
- Lựa chọn thời điểm bé năng động nhất trong ngày như sau bữa ăn, sau khi mẹ luyện tập hoặc vào buổi tối. Nên cố định khoảng thời gian đếm thai máy mỗi ngày để tiện so sánh kết quả.
- Chọn vị trí nằm hoặc ngồi thoải mái nhất. Sau đó, đặt nhẹ nhàng tay lên bụng, bắt đầu cảm nhận chuyển động của bé. Khả năng nhận biết sẽ giảm đi đáng kể nếu bụng nhiều mỡ, bất thường ở nhau thai hoặc cử động thai quá nhẹ…
- Dùng bút đánh dấu số lần thai chuyển động vào 1 tờ giấy, thời gian bắt đầu từ chuyển động đầu tiên và kết thúc ở chuyển động thứ 10. Phần lớn các bé chỉ cần khoảng 30 phút là hoàn thành xong 10 chuyển động.
- Nếu đang ngủ, bé sẽ không cử động (hoặc cử động ít hơn bình thường), mẹ có thể thử uống một cốc nước quả tươi hoặc đi bộ trong vòng 5 phút.
Cách đếm chính xác những chuyển động của thai nhi
Việc đếm cử động thai bao gồm: những cú đá, quay tròn, rướn người, cuộn và thúc mạnh, không tính đến nấc. Các chuyên gia khuyến cáo mẹ nên căn thời gian để đếm đủ 10 chuyển động.
Nếu thai khỏe mạnh, mẹ có thể đếm được 10 cử động của bé trong vòng 2 giờ. Phần lớn các bé hoàn thành 10 cử động trong vòng 30 phút.
Dấu hiệu khi thai máy bất thường
Đếm thai máy tháng cuối nên được theo dõi và thực hiện hằng ngày trong 1 khoảng thời gian nhất định. Càng đến gần ngày sinh, cử động thai càng giảm. Trong lúc thức, tối thiểu thai sẽ cử động 3 – 4 lần/giờ. Thấp hơn mức này tức là thai đang ngủ hoặc đang có vấn đề sức khoẻ.
Cử động quá nhiều (hơn 20 lần) thì mẹ nên cẩn thận, có thể bé đang bị stress hay chính người mẹ đang căng thẳng. Lúc này mẹ cần bình tĩnh, nghỉ ngơi và tiếp tục theo dõi cử động của bé. Nếu cử động vẫn tăng nhanh, dồn dập thì mẹ nên đến bệnh viện kiểm tra.
Ở tháng cuối cùng của thai kỳ, khi trong cả 1 ngày mà thai không máy hoặc máy ít hơn so với hôm trước thì có thể là dấu hiệu thai đang gặp nguy hiểm như sảy thai, lưu thai…, mẹ bầu cần lưu ý để thăm khám kịp thời.
1 số dấu hiệu cảnh báo thai nhi đang gặp nguy hiểm ở tháng cuối mẹ bầu cần lưu ý
Đau bụng, xuất huyết âm đạo
Trong giai đoạn cuối thai kỳ, xuất huyết âm đạo là triệu chứng thường gặp của bệnh nhau tiền đạo. Ngoài ra, mẹ bầu có thể xuất hiện những cơn đau dữ dội, kéo dài ở bụng rồi lan sang lưng, bắp chân, song song với đó là tử cung co cứng lại. Nếu ra máu đi kèm với đau bụng, thì có thể mẹ bầu đã bị bong nhau non, nguy hiểm hơn là vỡ tử cung, mạch máu tiền đạo hay nguy cơ sinh non. Mẹ cần nhập viện ngay để tránh nguy hiểm tới tính mạng của 2 mẹ con.
Mất cảm giác căng tức ngực
Từ tuần thứ 8, vòng 1 của chị em sẽ tăng dần kích cỡ cho đến cuối thai kỳ. Mẹ bầu sẽ thường xuyên cảm thấy đau tức ngực đi kèm với các dấu hiệu: tiết sữa non, ngứa hay rạn da vùng ngực. Nếu bỗng nhiên bị mất các dấu hiệu này thì thai có nguy cơ chết lưu.
Ngứa toàn thân kèm theo vàng da
Trong suốt thai kỳ, tác động của hormone nội tiết tố khiến cơ thể mẹ bầu bị ngứa ngoài da ở một số vùng nhiều mồ hôi như: ngực, lưng.. Nhưng nếu tình trạng ngứa lan rộng khắp người, đặc biệt ở vùng bụng và lòng bàn tay, ngón chân kèm theo vàng da nhẹ thì mẹ cần xét nghiệm chức năng gan. Rất có thể đó là do hội chứng ứ mật intrahepati gây ra có thể dẫn đến ngạt thai, sinh non, thai chết lưu hoặc mẹ xuất huyết sau sinh.
Hiện tượng sưng phù
Tăng cân trong thời gian mang thai là điều hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, nếu bạn tăng cân quá nhanh hoặc quá chậm đều là dấu hiệu không tốt. Tăng cân đôi khi khiến mẹ có cảm giác cơ thể sưng phù, nặng nề hơn. Nếu mẹ bỗng nhận thấy hiện tượng sưng phù nặng đặc biệt ở quanh bàn chân, mắt cá chân thì phải lưu ý vì đây có thể là dấu hiệu của tiền sản giật.
Tăng tiết dịch âm đạo và dịch có mùi lạ
Thông thường, tiết dịch âm đạo tăng lên khá phổ biến trong thai kỳ nhưng nếu nó tăng lên đột ngột ở mức quá nhiều thì mẹ cần phải đến khám bác sĩ. Trong một số trường hợp, đây chính là chất dịch màng ối để giữ an toàn cho bé trong bụng mẹ. Nếu như cơ thể ra nhiều tiết dịch có thể là dấu hiệu nước ối đã bị vỡ và bào thai có thể đang gặp nguy hiểm. Ngay lúc này, các mẹ cần đến bệnh viện ngay để tránh nguy cơ nhiễm trùng bào thai.
Co giật
Đây có thể được coi là một trong những dấu hiệu của tiền sản giật trong tháng cuối thai kỳ cực kỳ nguy hiểm. Tiền sản giật còn kèm theo một số triệu chứng như co giật, thở gấp, huyết áp tăng đột ngột… Theo báo cáo có khoảng 5% phụ nữ mang thai sẽ bị ảnh hưởng bởi tiền sản giật. Tiền sản giật tác động nghiêm trọng đến sức khỏe của mẹ và bé, thậm chí đe dọa tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời. Vì vậy, ngay sau khi có dấu hiệu co giật cần phải đi bệnh viện kiểm tra.
Tạm kết
Quá trình mang thai luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ và rủi ro cho cả mẹ và bé. Nắm rõ cách đếm thai máy tháng cuối cũng như các dấu hiệu bất thường sẽ giúp chị em theo dõi được sức khỏe thai nhi, sớm phát hiện các dấu hiệu nguy hiểm để có thể can thiệp trong thời gian sớm nhất.
Xem thêm
- Nguyên nhân tháng thứ 9 thai nhi ít đạp? Tình trạng này có nguy hiểm không?
- Cách đếm thai máy dành cho mẹ bầu theo dõi bé yêu được an toàn
- Thai nhi đạp nhiều vào tháng cuối có nguy hiểm không?
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!