Khi trẻ phát triển, sẽ có rất nhiều giai đoạn trẻ trở nên bướng bỉnh và lì lợm hơn. Đặc biệt là khi con lên 4 tuổi, ở giai đoạn này bé đang dần hình thành tính cách rõ ràng, dễ bị ảnh hưởng bởi môi trường sống xung quanh, có suy nghĩ và ý kiến riêng. Không ít các bậc phụ huynh phải đau đầu vì con không chịu nghe lời và luôn tỏ ra chống đối, bướng bỉnh.
Dạy trẻ 4 tuổi bướng bỉnh nếu không khéo léo sẽ để lại những tổn thương trong lòng trẻ. Sự bướng bỉnh của trẻ đôi khi là biểu hiện của mong muốn được nhận nhiều hơn sự quan tâm từ phía gia đình. Và để dạy con thêm phần hiệu quả, dưới đây là những cách dạy trẻ 4 tuổi bướng bỉnh mà bố mẹ có thể tham khảo.
Nguyên nhân sự bướng bỉnh của trẻ 4 tuổi
1. Được nuông chiều từ nhỏ
Khi được nuông chiều từ nhỏ, các bé luôn “đòi gì được nấy” dần sẽ hình thành thói quen đòi hỏi mọi thứ của bé. Đến khi 4 tuổi bé đã quen thuộc với việc bố mẹ chiều theo ý mình nên sẽ càng bướng bỉnh và khó bảo.
2. Cha mẹ không làm gương
Trẻ 4 tuổi đã có những nhận thức và suy nghĩ riêng, khi bé trong độ tuổi này thấy bố mẹ có những hành vi không đúng sẽ rất dễ ‘lệch lạc’ nhận thức học theo những thói xấu của bố mẹ.
3. Mâu thuẫn trong cách dạy con
Khi bố và mẹ không đồng nhất được phương pháp và quan điểm trong cách dạy con sẽ khiến bé không biết nghe lời ai dẫn đến việc phản kháng cả bố lẫn mẹ.
4. Gây áp lực cho con
Trong trường hợp bố mẹ hay áp đặt con cái sẽ khiến mẹ bất mãn và phản kháng lại.
5. Trẻ bị ảnh hưởng từ môi trường xung quanh
Trẻ 4 tuổi là giai đoạn bé bắt đầu đến trường, quen nhiều bạn mới và tìm hiểu nhiều về cuộc sống hơn. Vì thế, trẻ dễ dàng bị ảnh hưởng và học những thói hư tật xấu từ bên ngoài hơn.
Cách dạy trẻ 4 tuổi bướng bỉnh
1. Động viên và khen ngợi con
Khi con bạn biết nghe lời và làm được điều gì đó tốt, hãy khen ngợi bé và động viên để con tiến bộ hơn.
Trẻ ở giai đoạn 4 tuổi đã nhận thức được rõ ràng về những điều đúng và sai, khi được khen thưởng con trẻ tích cực nghe lời hơn.
2. Kiên nhẫn
Bố mẹ hãy kiên nhẫn trong quá trình giáo dục trẻ. Không có con đường tắt nào để giáo dục trẻ khôn lớn, khi bố mẹ không có thời gian bên cạnh con. Khi bố mẹ muốn trẻ làm điều gì đó, hãy yêu cầu trẻ sau khi trẻ đã hoàn thành công việc đang làm dang dở.
3. Không áp đặt
Trẻ con sẽ luôn có xu hướng tìm tòi và khám phá điều mới. Cũng như bé sẽ có những suy nghĩ về vấn đề của riêng mình. Bạn hãy hỏi han và lắng nghe suy nghĩ cũng như nhu cầu của con và nhẹ nhàng giải thích cho bé nhé.
Đặc biệt, không nên áp đặt bắt buộc trẻ phải làm những gì mà trẻ không thích. Lâu dần bé sẽ có xu hướng phản đối những yêu cầu từ bố mẹ. Nhất là đối với bé trai, sự phản kháng sẽ càng gay gắt hơn. Hãy từ từ khơi gợi hứng thú của bé và hướng dẫn bé nhẹ nhàng.
4. Phớt lờ những yêu sách không thỏa đáng của con
Đôi khi chính việc đáp ứng nhanh bất cứ yêu cầu nào của con sẽ khiến trẻ trở nên bướng bỉnh, khó bảo. Trẻ sẽ hình thành thói quen “đòi gì được nấy” và phản ứng tức giận, la hét… một khi chúng không được đáp ứng. Chính vì vậy, bỏ qua những nhu cầu bất hợp lý của con có thể là một chiến lược hữu ích.
5. Luôn hành xử đúng mực trước mặt con
Cha mẹ nên chú ý trong lời nói cũng như cách hành xử trước mặt con, vì giai đoạn khi con 4 tuổi trẻ sẽ rất hay theo dõi và bắt chước bố mẹ. Nếu bạn hành động tiêu cực, nổi nóng hay có những lời nói không đúng mực trước mặt con sẽ dễ khiến bé nhận thức và hình thành tính cách không tốt.
6. Luôn giải thích
Trước khi giải thích, bố mẹ hãy dành thời gian lắng nghe con. Hãy hỏi trẻ “Điều gì đang làn phiền con?” “Con muốn như thế nào?”. Mỗi đứa trẻ có cách lập luận riêng, việc lắng nghe trẻ sẽ giúp bố mẹ hiểu mấu chốt tại sao trẻ lại phản ứng như vậy. Bố mẹ hãy giải thích những điều trẻ nên làm và trình bày những hậu quả nếu trẻ cứ cố tình vi phạm. Nếu bạn nói “Con phải làm như thế” mà không có lý do chính đáng, trẻ sẽ cố tình làm ngược lại. Trong quá trình giải thích, bố mẹ nhớ ngồi ngang hàng, nói thật chậm và nghiêm để trẻ nhận thấy tầm quan trọng của vấn đề mà bố mẹ đang đề cập.
7. Trách phạt khi cần thiết
Khi trẻ làm sai, một hình phạt là điều cần thiết để con biết được mình phải chịu trách nhiệm có hành động của bản thân.
Phạt trẻ đứng yên hoặc ngồi yên khi có lỗi. Bố mẹ nên chọn góc phạt buồn tẻ để trẻ có thể đối diện như bức tường hoặc cánh cửa. Bố mẹ hạn chế cho trẻ phạt ở nơi có nhiều đồ chơi để tránh làm trẻ phân tán.
8. Tôn trọng trẻ
Tôn trọng trẻ, bố mẹ bắt đầu bằng việc tìm hiểu những nhu cầu và mong muốn của trẻ, để có những biện pháp phù hợp với tâm lý, độ tuổi của trẻ.
9. Cho trẻ nhiều sự lựa chọn
Người lớn bao giờ cũng chọn điều tốt nhất cho trẻ nhưng trẻ lại không biết điều này và lại muốn thể hiện cái tôi của mình. Việc để trẻ lựa chọn điều trẻ thích sẽ giúp trẻ nhận thấy được sự tôn trọng từ người khác.
Ngoài ra, có những trẻ thường hành động bướng bỉnh bởi vì chúng thèm được sự chú ý, quan tâm của cha mẹ. Đặc biệt là trong giai đoạn 4 tuổi là giai đoạn phát triển và hoàn thiện tính cách. Vì thế, cha mẹ nên làm thế nào để trẻ nhận thấy được cha mẹ yêu thương và quan tâm.
Xem thêm
- Phương pháp giáo dục trẻ mầm non của Nhật bản
- Giáo dục giới tính cho trẻ – Những điều cần bố mẹ cần lưu ý
- Khả năng tự giáo dục hay tự học ở trẻ em