Béo phì là tình trạng khá phổ biến trong xã hội hiện nay. Đặc biệt béo phì ở trẻ em là một thực trạng đáng báo động. Bố mẹ cần cẩn thận đề phòng vì nó ảnh hưởng lớn đến sức khỏe các bé.
Béo phì là gì?
Theo PGS. TS.BS Huỳnh Thoại Loan – Trưởng khoa Nhi – Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park, béo phì được định nghĩa là tình trạng tích tụ mỡ bất thường và quá mức tại các mô mỡ và các tổ chức khác dẫn đến các biến chứng có hại cho sức khỏe.
Có nhiều tiêu chuẩn đánh giá béo phì ở trẻ em. Phổ biến là phương pháp đánh giá z-score của chỉ số khối cơ thể (BMI) theo tuổi và giới.
BMI = Cân nặng (kg)/ Chiều cao (m) x Chiều cao (m)
Công thức trên được áp dụng khi trẻ từ 2 tuổi trở lên
- Trẻ 2-5 tuổi: thừa cân khi z-score BMI ≥ 2SD và béo phì khi ≥ 3SD
- Trẻ 5-18t: thừa cân khi z-score BMI ≥ 1SD và béo phì khi ≥ 2SD
Nguyên nhân gây béo phì mẹ cần biết
Béo phì thường có 2 loại nguyên nhân như sau:
Béo phì nguyên phát
Do mất cân bằng năng lượng: tăng lượng thu vào nhiều hơn nhu cầu của cơ thể hoặc/và giảm lượng tiêu hao trong thời gian dài làm tăng tích tụ mỡ trong cơ thể đặc biệt là ở bụng, mông, đùi và vai.
Đây là dạng béo phì đơn thuần thường gặp ở những trẻ béo phì háu ăn, ít hoạt động và giảm chuyển hoá thân nhiệt.
Trẻ béo phì thường cao hơn ở lứa tuổi trước dậy thì. Tuy nhiên về lâu dài trẻ ngưng tăng trưởng sớm và có chiều cao trung bình thấp ở tuổi trưởng thành.
Béo phì thứ phát
Căn bệnh này thường gặp trong các bệnh lý nội tiết, bệnh lý di truyền, do dùng thuốc,…
- Do suy giáp trạng: béo toàn thân, lùn, da khô và thiểu năng trí tuệ.
- Béo do cường năng tuyến thượng thận (U nam hoá vỏ tượng thận): béo bụng, da đỏ có vết rạn, nhiều trứng cá, huyết áp cao.
- Béo phì do thiểu năng sinh dục: thường gặp trong 1 số hội chứng: Prader-Willi béo bụng, lùn, thiểu năng trí tuệ và hay gặp tinh hoàn ẩn. Lorence Moon Biel béo đều toàn thân, đái nhạt, thừa ngón và có tật về mắt
- Do các bệnh về não: thường gặp do các tổn thương vùng dưới đồi, sau di chứng viêm não. Béo thường có kèm theo thiểu năng trí tuệ hoặc có triệu chứng thần kinh khu trú.
- Béo phì do dùng thuốc: uống Corticoid kéo dài trong điều trị bệnh có thể gây thừa cân. Đặc điểm béo của hội chứng Cushing, béo bụng là chủ yếu và không tìm thấy nguyên nhân trừ khai thác bệnh sử có sử dụng thuốc corticoid.
Béo phì ảnh hưởng sức khỏe bé như thế nào?
Đây là một căn bệnh tác động nhiều đến cho sức khỏe của trẻ.
Rối loạn tâm sinh lý và hòa nhập xã hội:
Theo nhiều nghiên cứu, có mối tương quan giữa mức độ béo phì và các dấu hiệu lo lắng, trầm uất ở trẻ. Bé bị rối loạn thái độ hành vi, không bằng lòng về bản thân.
Điểm số học lực cũng sút giảm, có mối liên hệ giữa lo sợ thừa cân và trầm cảm, đặc biệt ở trẻ gái.
Dậy thì sớm:
Một số thống kê cho thấy trẻ béo phì thường dậy thì sớm
Các hậu quả về rối loạn vẻ đẹp hình thể:
Ở trẻ trai có tình trạng giả vú lớn. Ở trẻ gái có kinh sớm, rậm lông, trứng cá. Cả 2 giới: Biến dạng hình thể, bụng bự, rạn da màu trắng hay màu tím.
Rối loạn chuyển hóa
- Rối loạn đường máu: Có sự tương quan chặt chẽ giữa mức độ tăng insuline, tăng proinsuline với % khối mỡ ở trẻ béo phì tiền dậy thì và dậy thì. Điều này có thể gây rậm lông ở trẻ gái.
- Đái tháo đường typ 2: Tần suất mắc bệnh đái tháo đường typ 2 ở trẻ vị thành niên thừa cân (BMI > 85er percentil) béo phì và giảm hoạt động thể lực tăng hơn.
- Rối loạn lipid máu: Có tương quan giữa béo phì và tăng cholesterol máu.
Biến chứng tim mạch, tăng huyết áp:
Tất cả các nghiên cứu đều kết luận: Ở trẻ béo phì huyết áp động mạch tăng cao, huyết áp trung bình cũng cao hơn hẳn với trẻ không béo phì.
Biến chứng hô hấp:
Tần suất mắc bệnh béo phì cao ở trẻ mắc bệnh hen.
Ngừng thở khi ngủ và rối loạn hô hấp ban đêm:
Nghiên cứu ở Mỹ cho thấy 27% trẻ béo có ngừng thở khi ngủ mức độ nặng và vừa.
Ngoài ra còn có các biến chứng tiêu hóa (gan nhiễm mỡ), biến chứng thần kinh (Hội chứng tăng áp lực sọ não lành tính), biến chứng về chỉnh hình (cong vẹo cột sống, cong chân) cũng tăng ở trẻ béo phì.
Những biện pháp điều trị béo phì hiệu quả
Hiện nay, những biện pháp điều trị béo phì ở trẻ em hiệu quả bao gồm:
Tâm lý trị liệu và các điều trị hỗ trợ
Kết hợp tâm lý trị liệu, chế độ ăn và hoạt động thể lực trong thời gian dài 24 tháng có kết quả giảm cân rõ rệt ở trẻ nhỏ <12 tuổi.
Ở trẻ lớn, giáo dục tâm lý và chế độ ăn ít calorie và luyện tập nhẹ cho kết quả tốt
Chế độ ăn và tăng cường hoạt động thể lực
- Chế độ ăn hạn chế đường, hạn chế lipide
- Khuyến khích ăn ngũ cốc, rau, hoa quả
- Hạn chế số bữa ăn: 4 lần/ngày kể cả bữa ăn phụ
- Hoạt động thể lực 40- 55 phút/lần cho chạy bộ hay tập aerobic 2- 5 lần/tuần trong 4 – 8 tháng giảm được % khối mỡ
Thuốc điều trị
Tuỳ từng nguyên nhân khác nhau mà điều trị. Ví dụ béo phì do u thượng thận cần cắt bỏ sẽ hết béo phì. Hoặc dừng uống thuốc Corticoid trong hen, chàm trẻ dần hết béo phì trong hội chứng Cushing.
Nếu trẻ bị béo phì đơn thuần ngoài 3 nguyên tắc nêu trên, rất hiếm khi điều trị thuốc ức chế trung tâm ( Centrally acting agents) hoặc ngoại vi.
Nhìn chung tình trạng thừa cân, béo phì ở trẻ em hiện nay khá phổ biến và rất nguy hiểm. Chị em cần thận trọng xem xét cân nặng, thể trạng của bé để đề phòng và chữa trị kịp thời.
Xem thêm:
- Trẻ sơ sinh chậm tăng cân có phải vì mẹ đang phạm 4 lỗi nguy hiểm này?
- Béo phì: Vấn nạn của trẻ vị thành niên
- Trẻ béo phì càng bị chọc lại càng… béo phì